Nhiều vấn đề trong quản lý đất đai, môi trường tại Hải Dương

Nguyễn Cảnh - 08:54, 09/10/2021

TheLEADERVướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư không chấp hành quy định để hoàn thiện hạ tầng nghiệm thu công trình dự án… là những điểm nổi cộm thời gian qua trên địa bàn TP. Hải Dương.

Nhiều vấn đề trong quản lý đất đai, môi trường tại Hải Dương
Hơn 10 năm trao vào tay Nam Cường, khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc (thuộc phân khu B, dự án Khu Thương mại - Du lịch - Văn hóa và đô thị mới phía Tây) vẫn chưa rõ hình hài (ảnh: tinhuyhaiduong.vn)

UBND TP. Hải Dương cho biết, về quản lý đất đai, môi trường, qua kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của 200 tổ chức, doanh nghiệp hai bên Quốc lộ 5 và một số doanh nghiệp trong khu dân cư trên địa bàn, ghi nhận 77 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động không đúng mục đích, không hiệu quả, cho thuê lại diện tích; một số doanh nghiệp không phù hợp quy hoạch của thành phố.

Trên địa bàn thành phố có 9 CCN (6 CCN đã đi vào hoạt động; có 3 CCN (Tây Việt Hòa, Tiền Tiến Telin, Đại Sơn Ngọc Sơn) dự kiến quy hoạch trong thời gian tới. 

6 CCN đang hoạt động đều chưa xây dựng tách riêng hệ thống thu gom, xử lý nước thải và tiêu thoát nước mưa, các cụm công nghiệp đều chưa được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung; nước thải chỉ được xử lý tại các cơ sở sản xuất và xả trực tiếp ra môi trường.

Hệ thống công tác thu gom nước thải của thành phố chưa hoàn thiện, một số khu vực đã được đầu tư Hệ thống cống hộp cấp 3 thu gom riêng nước thải. Tuy nhiên chưa thu gom về nhà máy xử lý tập trung nên tình trạng còn một số kênh hồ, hào thành của thành phố đang bị ô nhiễm môi trường (Kênh T2, Kênh T1, sông Bạch Đằng...).

Đáng chú ý, là hoạt động giải phóng mặt bằng còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, liên quan tới cơ chế, chính sách: Chưa có quy định về trình tự thực hiện kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc và trình tự thực hiện cưỡng chế thu hồi đất (một số tỉnh như Quảng Ninh, Đà Nẵng ban hành Quy định này nên thuận lợi hơn trong công tác GPMB).

Số hộ cần thu hồi đất ở để GPMB lớn, cần quỹ đất tái định cư, người dân đề nghị được tái định cư tại chỗ. Tỉnh chưa có chính sách hỗ trợ theo diện tích thu hồi như một số địa phương khác đã có thực hiện (Đà Nẵng, Bắc Ninh). Đồng thời, đơn giá bồi thường chênh lệch giữa phường với xã trên địa bàn thành phố (đơn giá tại các xã hiện tại là 320.000 đồng/m2 và tại phường là 405.000 đồng/m2), UBND TP. Hải Dương cho biết.

Đặc biệt là vấn đề nghiệm thu các khu dân cư, khu đô thị mới.

Trên địa bàn thành phố Hải Dương có 33 dự án khu dân cư, khu đô thị mới với tổng diện tích các dự án khoảng 1.192ha. Tuy nhiên, việc nghiệm thu các khu đô thị, khu dân cư mới khó khăn, vướng mắc lớn nhất là nhà đầu tư không chấp hành, thực hiện trách nhiệm để hoàn thiện hạ tầng theo thiết kế, theo thời hạn để công trình đủ điều kiện nghiệm thu theo quy định, làm căn cứ bàn giao đưa vào sử dụng.

Điển hình như khu du lịch sinh thái Hà Hải, khu đô thị mới phía Tây. Trong đó, riêng với trường hợp Công ty CP Tập đoàn Nam Cường (nhà đầu tư của dự án khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía Tây quy mô khoảng 400ha), UBND thành phố đã nhiều lần làm việc với công ty về các nội dung tồn tại hệ thống hạ tầng tại các phân khu của dự án và khu vực giáp ranh với khu dân cư cũ đều được thống nhất về nội dung, thời gian hoàn thiện nhưng việc triển khai không đúng, đủ và kéo dài quá thời hạn nhiều lần và nhiều năm không hoàn thành.

Một số phân khu khác như: Khu Đảo Ngọc, khu lỗ khoan LK – 8 tiến độ thực hiện rất chậm phải gia hạn nhiều lần, các công trình đầu tư xây dựng sai khác với quy hoạch và hồ sơ được duyệt. Vấn đề này đã UBND thành phố báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo từ cuối năm 2020.

Ít tháng trước, đối với khu Đảo Ngọc (thuộc phân khu B, dự án khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía Tây được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, giao cho Công ty CP Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã thống nhất xác định đây là dự án có tiềm năng đô thị đặc sắc và có giá trị cao. 

Tỉnh đã giao cho Tập đoàn Nam Cường thực hiện đầu tư từ 2007 nhưng đến nay chưa thực hiện dược. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, Tập đoàn Nam Cường cần thiết phải quy hoạch lại và tập trung nguồn lực triển khai dự án, nếu tiếp tục chậm trễ tỉnh sẽ thu hồi dự án.