Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản

Trương Kim - 15:05, 01/02/2019

TheLEADERGiống như nghệ thuật, cà phê đặc sản đã thực sự kết nối những tâm hồn đồng điệu, một mô hình có sự trợ giúp lẫn nhau không chỉ giữa con người với tự nhiên, mà còn là giữa con người với nhau trong một đất nước có lịch sử nông nghiệp hàng ngàn năm.

Khó có thể dịch Specialty Coffee sang tiếng Việt một cách sát nghĩa nhất, vì nó không đơn thuần là cà phê đặc sản, cũng không phải là một loại cà phê nào đó có chất lượng tuyệt vời, mà bao hàm nhiều yếu tố trong suốt chuỗi cung ứng cà phê, như một phạm trù với đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật khiến cho mỗi thành viên trong chuỗi đều đóng vai trò quan trọng.

Giá trị mà nó mang lại không chỉ là một hương vị cà phê độc đáo, mà còn là chất lượng cuộc sống của những người tham gia vào chuỗi cung ứng đó, kể cả thiên nhiên, môi trường sống.

Điều kiện cần để trở thành Specialty Coffee là có nguồn gốc từ nông trại tiềm năng, nguồn giống tốt; khâu thu hái, chế biến, bảo quản đúng phương pháp; quá trình chế biến rang xay chuẩn mực. Điều kiện đủ là có điểm chất lượng từ 80-100.

Specialty Coffee được coi là “làn sóng thứ ba”, sau cà phê phin truyền thống và cà phê pha máy espresso, đòi hỏi sự tinh tế trong mọi khâu, để tạo nên phong vị mới mang tính duy mỹ như thưởng thức một ly rượu vang. Specialty Coffee đã tồn tại bốn thập kỷ trên thế giới, nhưng với Việt Nam còn rất mới mẻ.

Trên thế giới có thể chỉ là một xu hướng, một cách làm và thưởng thức cà phê tinh hoa, nhưng ở Việt Nam, Specialty Coffee hay cà phê đặc sản còn là một cơ duyên để gầy dựng lại lối sống, cung cách ứng xử với thiên nhiên và ứng xử với con người, giữa thời buổi mà thực phẩm bẩn tràn lan và nhiều giá trị sống căn bản bị vỡ vụn.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản
Cà phê đặc sản đòi hỏi sự đam mê, thành tâm và kiên nhẫn rất lớn

Trào lưu Specialty Coffee giống như một điểm sáng hiếm hoi không chỉ góp phần đưa thương hiệu cà phê thuần Việt có chỗ đứng đàng hoàng trên trường quốc tế, mà còn đặt lại cách tiếp cận mới với sự sống trong nông nghiệp thông qua trồng và chế biến cà phê.

Giống như nghệ thuật, Specialty Coffee đã thực sự kết nối những tâm hồn đồng điệu, một mô hình có sự trợ giúp lẫn nhau không chỉ giữa con người với tự nhiên, mà còn là giữa con người với nhau trong một đất nước có lịch sử nông nghiệp hàng ngàn năm. Nó đòi hỏi sự đam mê, thành tâm và kiên nhẫn rất lớn giữa các bên trong mối quan hệ với cà phê, và nhờ vậy mà văn hóa Việt được bổ sung thêm những giá trị vô hình và hữu hình, để đời sống ngày càng đẹp hơn, nhân văn hơn.

Gieo hạt

Ít ai biết, có hai chàng trai trẻ đã lặn lội lên Đà Lạt từ rất sớm, từng trả giá, từng loay hoay trong những chọn lựa của chính mình, để rồi tìm được cà phê Specialty như một bệ phóng tinh thần cho cuộc cách mạng toàn diện của riêng mình, từ tư tưởng tới cách làm, cách kinh doanh, cách ứng xử với thiên nhiên, với người nông dân, với những nhân viên của mình, với bạn bè làm ăn trong cả chuỗi cung ứng và phân phối...

Mỗi lần lên Đà Lạt, tôi thường ghé Là Việt, một quán cà phê với thiết kế như một công xưởng thơm lừng hương vị tinh khiết của đất trời từ hạt cà phê thật. Trần Nhật Quang, Giám đốc công ty cà phê Là Việt là một chàng trai nho nhã, trầm tính, lãng mạn nhưng rất thực tế. Lặn lội với nắng gió Đà Lạt, một nắng hai sương cùng người nông dân, Quang phát hiện ra chính thiên nhiên, đất đai, khí hậu và văn hóa đã mang lại cho Specialty Coffee Việt Nam một tinh thần khác, một hương vị khác.

Với thời tiết hai mùa rõ rệt, độ cao trên 1.500 mét so với mặt nước biển, Đà Lạt là vùng đất lý tưởng nhất cho Specialty Coffee, vừa có độ lạnh, lượng mưa, nguồn nước nguyên sơ, đất đỏ bazan giàu dưỡng chất để cà phê đơm hoa kết trái, và những cơn gió tự do, cái nắng cháy người trong quá trình thu hoạch, sơ chế, để dâng cho đời những hạt cà phê có một không hai.

Nhưng có một nghịch lý là người nông dân gắn bó bao đời với hạt cà phê như gia đình anh Hadjim’s, anh An, anh Phước... cũng không ý thức được thế nào là cà phê ngon, cách thu hái, lên men, phơi phóng cũng hoàn toàn theo kiểu truyền thống. Họ chỉ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, để rồi cứ quẩn quanh với điệp khúc “được mùa mất giá”.

Quang hiểu rằng cà phê Specialty là một chuỗi giá trị, một mình trồng cà phê thì không đủ, phải tạo ra một cộng đồng cùng chia sẻ nhận thức, mới tạo nên sự thay đổi, khuyến khích người khác làm tốt hơn. Từng chứng kiến người dân trồng cà phê ở Lâm Đồng bị thương lái làm cho bần cùng hoá bằng cách cho vay nóng, lãi mẹ đẻ lãi con, rồi ép nông dân bán với giá thấp. Quang không muốn mua từ những người trung gian đó, vì không kiểm tra được chất lượng, không phân theo từng dòng cà phê được, và cũng không muốn mua với giá thấp để ép người nông dân.

Một thời gian người dân Đà Lạt trồng cà phê ồ ạt chạy theo sản lượng cao với đủ các loại chất hóa học đã làm suy thoái đất nghiêm trọng. Việc đầu tiên của Quang là khuyến khích các hộ nông dân kiên trì đi theo quy trình canh tác tôn trọng tối đa tự nhiên. Hỗ trợ nông dân để họ vươn lên từ chính mảnh vườn của mình, làm việc trực tiếp với nông dân, cố gắng hết sức để mua cao hơn thị trường hai đến ba giá. Rồi thuyết phục họ làm đúng quy trình, kỹ thuật Specialty, trong suốt quá trình chăm sóc cây và thu hoạch anh cùng nhân viên theo sát, không cho nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, cỏ mọc chỉ cắt đi bón cho cây, và dùng phân hữu cơ.

Chất lượng cà phê phụ thuộc nhiều yếu tố: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Thay giống chất lượng tốt chứ không trồng giống cao sản, vì rút dinh dưỡng nhiều năm liên tục, làm cho đất chết, gây hiểm họa môi trường. Trên cùng diện tích, làm sao tối ưu hóa nguồn thu. Việc phơi cũng phải để trên giá, phải hái trái chín mọng và xử lý lên men ngay trong 48 giờ đầu, mới khơi dậy được tất cả mùi vị của hạt.

Là Việt không làm đại trà, cố gắng sản lượng thấp để giữ quá trình sản xuất nguyên bản, và Quang đã từng trả giá không nhỏ, bán cà phê organic không ai mua, biếu tặng cũng không uống. Đó là lý do vì sao ban đầu anh phải chọn con đường xuất khẩu cà phê nhân, và từng bước làm quen với người tiêu dùng trong nước.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 1
Quang (Là Việt) và bác An, nông dân trồng cà phê tại Đà Lạt

Sự chia sẻ giữa doanh nghiệp và nông dân đã nâng giá trị cà phê lên từ từ, đồng nghĩa với giá thành cao hơn, độ thưởng thức cà phê tăng lên, trở thành xu hướng. Đó chính là cách trở về gìn giữ chất lượng cà phê gốc của Việt Nam.

Vun trồng

Hồ Duy, người sáng lập thương hiệu The Married Beans trông như một chàng lãng tử điển hình của vùng đất Đà Lạt sương mù. Thực ra Duy ở Sài Gòn, nhưng anh đã chọn Đà Lạt làm đất sống, và tận hiến cho hạt Specialty Coffee thần thánh.

Cùng khởi nghiệp với Trần Nhật Quang, sau đó Duy tách ra để phát triển hệ thống sản xuất, phân phối theo hướng riêng, nhờ đó Việt Nam có thêm một thương hiệu cà phê thuần Việt. Cả hai đã “gặp” nhau trên con đường gầy dựng trào lưu Specialty.

Bài toán của Duy cũng là làm sao nâng chất lượng sống của người nông dân lên, để từ đó họ có động lực đi theo hướng canh tác và chế biến Specialty. Trong ba năm đầu chấp nhận không lợi nhuận, Duy tìm tới huyện Lạc Dương, Cầu Đất, liên kết khoảng 60 nông hộ trồng, phân bón, thu hái, để sản xuất bao tiêu. Anh cũng chính là chàng trai đi bán từng ly Specialty đầu tiên ở Đà Lạt thông qua những quán cà phê của bè bạn, để truyền thông về những hạt cà phê thật, cách làm thật.

Phải cải tạo đất từ 3 đến 5 năm mới đạt chất lượng theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch, bền vững. Anh áp dụng phương pháp tạo hệ sinh thái cân bằng, hạn chế dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu. Thay vào đó là bón phân bằng vỏ cà phê trong quá trình chế biến sản xuất được ủ với phân chuồng, phân vi sinh, oganic nhập khẩu để tăng độ màu cho đất và tăng hương vị, chất lượng cà phê.

Thường xuyên tổ chức đào tạo cho các hộ nông có tiềm lực, cây giống, phân bón hữu cơ đều do công ty hỗ trợ, có báo cáo, theo dõi định kỳ để phát hiện ra những tiến triển tác động thế nào đến khu vườn, đến mùa thu hoạch hầu như anh em trong công ty phải làm việc toàn thời gian với nông dân để hướng dẫn thu hoạch cho những chủ vườn. Dần dần từng năm, trực tiếp xử lý từng khúc mắc trong quy trình sản xuất để hoàn thiện mọi khâu làm ra hạt cà phê chất lượng cao.

Việc hái cà phê hoàn toàn là thủ công, kéo dài trong ba tháng. Không thể áp dụng cơ giới hóa trong việc hái cà phê ở Việt Nam, vì diện tích đồi dốc, không được quy hoạch trên diện rộng, đa phần nông hộ nhỏ từ vài sào đến vài héc ta. Quy trình chế biến, bóc vỏ phơi khô, lên men đều được thực hiện trong nhà kính để bảo đảm chất lượng không bị ẩm mốc, ảnh hưởng bởi thời tiết trong sấy cà phê.

Khó khăn ập tới, hứa hẹn xây dựng mô hình mà không kiểm soát được tốc độ gia tăng của các thành viên liên kết trong sản xuất đại trà sẽ rất áp lực trong việc giải ngân, dẫn đến chậm trễ thanh toán cho nông dân. Với nông dân, cần phải truyền đạt đơn giản nhất cho người ta hiểu, nhưng đội ngũ đồng hành toàn là người trẻ, phải tập huấn, đào tạo để họ có tinh thần, kỹ năng giống như mình mới rút ngắn khoảng cách, thời gian, nâng cao tính liên kết.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 2
Hồ Duy (ngoài cùng bên phải)

Lúc ấy, thị trường chưa chấp nhận, doanh nghiệp thì chưa đủ tiềm lực và hệ thống để cùng lúc liên kết tạo đầu vào và tìm đầu ra tương xứng. Vừa tập trung làm tốt trên cánh đồng, nhà máy, anh thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hội thảo ở Sài Gòn, những thành phố có lượng tiêu thụ lớn để thay đổi thói quen người tiêu dùng. Tham gia hội chợ EXPO chuyên ngành trong nước và quốc tế để giới thiệu mô hình của mình, đồng thời cọ xát, nắm bắt thị hiếu thị trường…

“Vốn liếng bằng... vay mượn lòng tin và trả lãi suất bằng chữ tín, học làm người chính là xây dựng chữ tín, tín còn vạn sự thông, tín mất người cũng chẳng còn. Cũng giống như bao người, tôi đang sống trọn vẹn đam mê trong giấc mơ đời mình. The Married Beans là câu chuyện tình mãi xanh tuổi 18 của tôi. Thành công chả mấy dễ dàng, không chỉ cần trí lực, tâm lực, tài lực, mà còn cần phải kiên định, dành hết cả đam mê, thời gian, tuổi xanh xuân. Dồn tất cả cho những mục tiêu cuộc đời, tôi đã vượt qua muôn vàn khó khăn khổ ải. Danh vọng ư? Tiền tài ư? Không phải, chắc chắn là không phải. Chỉ cần cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Nếu có cơ hội đơm hoa kết trái, hãy xum xuê trĩu quả, hãy mộng vàng tinh tươm, như cây cà phê vậy…”. Hồ Duy tâm sự.

Ròng rã suốt chín năm, Duy đã giải bài toán thị trường bằng chuỗi liên kết giữa bốn nhà; nhà nông, nhà kinh doanh, nhà sản xuất và nhà phân phối, để làm ra hạt cà phê tử tế và đặc sắc mang tên Specialty.

Du lịch canh nông

Là người gieo hạt giống đầu tiên cho Specialty nảy mầm trên mảnh đất Đà Lạt, Quang và Duy đều tâm huyết xây dựng mô hình nông trại kiểu mẫu để phục vụ du lịch và nếm thử tại vườn.

Những hoạt động tham gia trải nghiệm thường vào dịp cuối năm, ba tháng thu hoạch khi cà phê chín đỏ từ từ. Vườn anh Phước trước đây chỉ trồng độc canh cà phê, người nông dân tới mùa đến bón phân, cắt cỏ, thu hoạch, chứ không sống cộng sinh với mảnh vườn. Khi đưa ra mô hình nông trại kiểu mẫu, Duy đã vận động, thuyết phục nông dân đan xen những loại cây khác để đa dạng hệ sinh học, tăng thu nhập trái vụ cho nông dân.

Khi phân tầng hệ cây trồng, những đợt côn trùng bay sẽ xà xuống nhưng cây tầng cao như cây hồng, cây chuối, vừa là cây che bóng, chắn gió, vừa làm cho sự phong phú đa dạng cho mảnh vườn. Tầng thứ ba mới là cây cà phê, và dưới mặt đất là cỏ và hoa rất nhiều, mục đích là giữ độ ẩm trong đất. Hiện công ty đã áp dụng công nghệ qua hệ thống lắp đặt bằng camera để hướng dẫn từ xa cho nông dân một cách thiết thực. Thời điểm thu hoạch sản xuất có những cảm biến về môi trường, mưa nắng, thời tiết, để đưa ra quyết định dùng phương pháp chế biến hoặc hạn chế phòng ngừa rủi ro, bảo đảm chất lượng cà phê ổn định nhất trong cả mùa vụ.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 3

Trước giờ khoảng cách và vị trí của người nông dân trong chuỗi giá trị cà phê bị lấp liếm và che dấu đi, họ khó có cơ hội đề tiếp xúc với thế giới bên ngoài, với khách hàng. Thông qua mô hình du lịch canh nông, vợ chồng anh Phước có cơ hội lắng nghe, tiếp thu những phản biện, góp ý chân thành của khách hàng, để thỏa mãn hơn nữa người tiêu dùng. Hơn nữa, cái họ cần là niềm vui trong cuộc sống, công việc.

Nhìn nụ cười rạng rỡ của anh Phước khi pha cho chúng tôi ly cà phê ngay tại vườn, giới thiệu về cách làm hồng sấy gió tự nhiên, cảm nhận rất rõ niềm vui, sự tự hào của anh khi làm ra những sản phẩm sạch. Đó mới thực sự là điều người nông dân khao khát và khiến họ hạnh phúc.

Đó cũng là một chuẩn giá trị hết sức nhân văn của cà phê Specialty.

Cộng đồng nhân văn

Cố gắng xây dựng hệ sinh thái văn hóa tinh thần với Vietnam Specialty Coffee Project và The Married Beans Workspace ngay tại Ðà Lạt, trong một không gian hiện đại và tươi mới, với những hoạt động văn hóa nghệ thuật và những cuộc gặp gỡ của giới làm Specialty như Dalat Coffee Experience Trip 2019, Phố Bên Ðồi 2018- 125 năm Ðà Lạt sống lại vàng son, Ðêm nhạc Phố mùa Ðông, Một ngày sống cả trăm năm… Gặp Hồ Duy tại đại bản doanh của anh, thật vui khi được chứng kiến một cộng đồng Specialty ngày càng lớn mạnh.

Mỗi người một quốc tịch, nhưng họ đều có tinh thần chung là trẻ, cởi mở, cá tính, yêu nghệ thuật, có tri thức, luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, cảm xúc. Duy đích thân cầm lái, chở chúng tôi đi qua những đoạn đèo hiểm trở tham quan mô hình liên kết nông trại kiểu mẫu gồm có chế biến và sản xuất cà phê Arabica, hồng treo gió tự nhiên, tham quan trải nghiệm nông nghiệp bền vững, du lịch canh nông… nghe anh kể về chuyện làm cà phê với bà con nông dân, mới thấm thía phần nào nỗi mệt nhọc mà anh đã trải qua...

“Nỗ lực xây dựng ‘Hệ sinh thái khỏe mạnh’ vững vàng cho những cam go lớn, an sinh sinh kế nông hộ là việc làm cấp thiết, quan trọng, góp phần thúc đẩy nhiều mặt đời sống, du lịch, phát triển xã hội. Bên ly cà phê nói chuyện nay, chuyện mai… lớn lao to tát cũng được, nhỏ bé chậm rãi cũng được… miễn là cố mà làm. Câu chuyện cà phê đã kết nối mọi người xích lại gần nhau”, Duy nói.

Bảo đảm tính ổn định của chất lượng sản phẩm bằng những bước đi nhỏ, Duy đã xây dựng giá trị cộng đồng cho những người nông dân tử tế, và lan tỏa giá trị ấy sang nhà rang, nhà phân phối, kinh doanh quán cà phê… Hiện Công ty cung cấp 50% cho những nhà rang xay Specialty quốc tế qua xuất khẩu trực tiếp bằng thương hiệu của chính mình. Còn lại bán tại cửa hàng bán lẻ của Công ty và cung cấp nguồn nguyên liệu tốt cho những nhà rang xay khác. Cà phê mang thương hiệu Việt đã khiến thế giới phải trân trọng, đánh giá cao chất lượng sản phẩm.

Trong những năm tiếp theo, The Married Beans sẽ tăng thêm các cửa hàng đối chứng và những điểm tiếp cận tại những thành phố lớn hoặc những nơi có mức chi trả trung và cao cấp, cùng với cộng đồng làm cuộc cách mạng với cà phê Specialty, giúp cho ngành cà phê Việt Nam có chỗ đứng đĩnh đạc trên thị trường quốc tế, có cơ hội liên kết xuất khẩu sang những thị trường khó tính hơn.

Nhẫn nại, kiên trì, từng bước một… đi một hồi Là Việt cũng tới được Sài Gòn. Vẫn thiết kế theo phong cách công nghiệp, nhưng mang tinh thần mở và trẻ, không gian giao lưu văn hóa kết hợp ẩm thực vùng miền, tạo nên sự thưởng thức khác biệt, vừa phù hợp với địa phương, dễ dùng, cơ động, hiện đại.

Quang không nhìn nhận người làm cà phê Specialty khác là đối thủ, mà là bạn bè để cùng đóng góp cho ngành cà phê Việt Nam. Một trong những người bạn đó là hoạ sỹ Nguyễn Trúc, người mở quán [a] Coffee House – quán cà phê Specialty Coffee đầu tiên ở TP. HCM.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 3
Hoạ sỹ Nguyễn Trúc (trái) và người nông dân trồng cà phê ở Đà Lạt

Sự lan tỏa mạnh mẽ của làn sóng Specialty từ Đà Lạt xuống Sài Gòn phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của Nguyễn Trúc. Bằng tình yêu với cà phê và tấm lòng rộng mở, quan tâm đến tấtcả mọi người với sự nhỏ nhẹ, ân cần, anh thực sự là một thủ lĩnh tinh thần, kết nối được nhiều thành phần khác nhau trong chuỗi Specialty, để tạo nên ngôi nhà bè bạn mang đậm chất nhân văn giữa Sài Gòn.

Mở cửa năm 2011, [a] Coffee House ban đầu chỉ là một quán cà phê thông thường, nơi tụ họp bạn bè của chủ quán. Một năm sau, Nguyễn Trúc đã gặp được Will Frith, một chuyên gia về cà phê, được nghe chia sẻ cách rang, pha chế, và nếm thử cà phê, được Will kết nối với Duy và Quang, anh đã bắt đầu dốc tâm theo đuổi dòng Specialty. Năm 2014, anh đã thay đổi lại diện mạo của quán, phù hợp hơn với chức năng của một nhà rang và phục vụ Specialty. “Lúc đó, cà phê pha tẩm đang chiếm lĩnh thị trường, mọi người rất ngán ngẩm. Mình cũng đã thấy cà phê Việt Nam, cà phê Sài Gòn “thế nào đó”, mình không bao giờ được uống ly cà phê ngon như mình đã uống ở Daknong, ly cà phê thơm nồng nàn, không có mùi vị đắng”, Trúc hồi tưởng.

Trong không gian yên tĩnh như một thư viện nhỏ đầy hình ảnh, bạn có thể nếm thử các loại cà phê Việt Nam và cả nước ngoài để trải nghiệm. Khách hàng chủ yếu của quán là những công chức và sinh viên, người trong nghành cà phê, khách du lịch.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 4
Quán cà phê của hoạ sỹ Nguyễn Trúc

Vô hình chung, chính Nguyễn Trúc lại là người có thể kết nối tất cả những con người hoàn toàn khác nhau, để đưa ra một quan điểm mới về cạnh tranh, sản xuất, phân phối trên tinh thần tương hỗ. Tự nhiên, chuyện làm ăn của người này lại tốt cho người kia, vì cùng đang trên con đường để làm cho cà phê Việt Nam tốt hơn, ngon hơn, cùng thưởng thức với nhau, cùng chia sẻ với khách hàng những hạt cà phê ngon nhất.

Nguyễn Trúc với thế mạnh của một nghệ sĩ đã thổi hồn vào cách thưởng ngoạn Specialty ở một tầm cao mới mang tính nghệ thuật, với bộ sưu tập hiếm có về các dụng cụ pha chế cà phê của các nước cùng những hương vị cà phê nổi tiếng của thế giới... Triết lý cộng sinh đầy nhân văn của Specialty Coffee cứ thế từ tốn ngấm vào mỗi người, tạo thành xu hướng cho thị trường lớn nhất của cả nước. Đối với Trúc, kinh doanh không phải là để kiếm tiền nhanh mà quan trọng là thay đổi trong tư duy về đạo đức kinh doanh cho những người trẻ.

“Đời sống người nghệ sĩ rất đơn giản, làm tròn công việc của riêng mình là tốt lắm rồi. Một số công việc mà mang lại lợi ích cho cộng đồng xung quanh lại càng tốt hơn nữa. Xưởng vẽ là nơi rất riêng tư, nhưng quán cà phê mang lại lợi ích cho tôi và nhiều người khác, đi chung như vậy cũng thấy hay. Ảnh hưởng giữa con người với con người là điều tôi quan tâm nhất, có thể vì thế nên tôi thích mối quan hệ trong ngành cà phê. Cứ bày tỏ với nhau thì cái gì tốt sẽ nảy mầm, đất tốt mới nảy mầm những cây cỏ tốt. Cà phê cũng là một chất xúc tác để người ta nói ra được với nhau,” Trúc chia sẻ.

Với cách thưởng thức cà phê tinh tế, ngoài pha cà phê như một nghệ thuật, [a] Coffee House còn giới thiệu những người nông dân với những vườn cà phê Specialty như anh An, Hadjim’s… từ đó đã lan tỏa khoảng 25-30 quán khắp cả nước. Trúc và Quang tin rằng 5 năm tới cà phê Specialty còn tiếp tục phát triển nữa.

Vươn ra thế giới

Trên chuyến đi Đà Lạt gặp gỡ những người trẻ trồng và kinh doanh cà phê Specialty, tôi vô cùng ấn tượng với cặp đôi Hà Ánh và Thiên Vũ. Cô gái Việt Hà Ánh và chàng trai người Trung Quốc Thiên Vũ đã được cộng đồng mạng yêu thích đến phát cuồng bởi chuyện tình ly kỳ của họ, và thương hiệu Specialty Coffee đầu tiên của Việt Nam mang tên Vsmooth Coffee ở Thượng Hải do hai người tạo dựng.

Với ý tưởng có thể đóng gói lại cà phê phin Việt Nam để người Trung Quốc có thể tặng quà cho bạn bè, Hà Ánh bắt đầu khởi nghiệp làm shop online vì chi phí mặt bằng và nhân công ít. Bán những dụng cụ pha chế cơ bản như phin, bình chế nước, những hộp quà, cối xay tay, những chiếc ly nho nhỏ xinh xinh, cùng cà phê bột và sữa đặc nữa để mọi người tự pha cà phê sữa đá bằng phin hoặc mỗi người có thể tặng quà cho bạn bè. Khách hàng chủ yếu là giới trẻ, giới văn phòng, hoặc ai đó vừa đi du lịch ở Việt Nam về, và phát hiện ra cà phê Việt Nam rất ngon. Từ đó, Ánh phát hiện ra nhu cầu cà phê Specialty, và liều lĩnh lên Thượng Hải, quyết định mở Vsmooth Coffee.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 6
Quán Vsmooth Coffee ở Thượng Hải

“Là con của người nông dân, tôi hiểu hơn ai hết đời sống bấp bênh, giá cả lên xuống thất thường, được mùa mất giá của cha mẹ, hàng xóm tôi, tôi muốn làm điều gì đó cho quê hương mình. Sức tới đâu làm tới đó, khi nỗ lực như vậy ở đất khách quê người, hy vọng sẽ mang cà phê Việt đi xa”, Ánh nói.

Cũng biết áp lực mặt bằng là vô cùng lớn, đặc biệt ở Thượng Hải còn kinh khủng hơn, không chọn mô hình quán lớn, mà đi vào thị trường ngách Take Away, nhưng trang trí tinh xảo, có cùng thức uống đặc sắc từ vùng quê Việt Nam như cà phê sữa đá, cà phê đen kèm bánh mì kẹp thịt, bánh mì gà xé... Mùa hè còn có gỏi cuốn, chanh dây.

Với bốn ngàn cái bong bóng kết lại với nhau, mỗi tầng là mỗi màu khác nhau, mô tả một vườn cà phê, phía trên là trời xanh, mây trắng, được điểm xuyết bởi những bong bóng màu hồng đậm như những trái cà phê chín. Cửa chính cũng là màu hồng, ánh sáng từ bốn phía đều rất lung linh, các bạn trẻ đến đây thường thích chụp hình. Khi giới thiệu lên những báo chuyên về thiết kế, dân trong ngành cũng rất thích.

Chọn vị trí trung tâm TP, nhưng không nằm trong trung tâm thương mại mà ngay đường đi cạnh ga tàu điện ngầm để thuận tiện đi lại, dễ cho mọi người tìm thấy. Vsmooth Coffee chỉ như một “cửa sổ” check in về cà phê Việt Nam, nhưng do thiết kế, chụp hình rất đẹp đưa lên mạng, nên đã thu hút nhiều bạn trẻ.

Mô hình được giới cà phê sành điệu Thượng Hải chấp nhận. Chưa dám nói đến thành công lớn, nhưng khách hàng đến đây rất thích cách đóng gói bao bì tinh tế, chất lượng cà phê ngon đặc sắc, và câu chuyện thương hiệu, truyền thông rất tốt. Quán đã lên hết các báo “hot” của Trung Quốc nhờ câu chuyện tình khá đặc biệt, nhắc đến Vsmooth Coffee là nhắc đến Ánh - Vũ.

Tất cả sản phẩm trong cửa hàng đều mang từ Việt Nam sang. Sau 8 tháng, doanh thu tăng trưởng từ 20 - 30%. Nhiều nhà đầu tư muốn nhượng quyền, nhưng do hệ thống và đội ngũ còn non trẻ, nên Hà Ánh không ham phát triển quá nhanh. Từ từ, chậm mà chắc, chị đang tuyển và đào tạo nhân viên, hoàn thiện bộ máy để sản phẩm mang bản sắc cà phê Việt mạnh hơn.

Hồ Duy và vợ chồng Hà Ánh chơi với nhau khá thân thiết, họ không chỉ là bạn hàng của nhau, mà còn chia sẻ với nhau về những giá trị sống. Sắp tới đây, Vsmooth Coffee sẽ kết nối với Hồ Duy để tổ chức tour du lịch kết hợp tham quan vườn cà phê Việt Nam cho du khách, đặc biệt giới kinh doanh Specialty của Thượng Hải, để họ hiểu về quá trình trồng, gặt hái, rang xay và chế biến cà phê tại Đà Lạt.

“Nguồn cà phê chỗ của Duy cung cấp đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng hảo hạng, có chứng chỉ quốc tế đàng hoàng, thể hiện bằng mã vạch trong mỗi gói cà phê. Trực tiếp nhập cà phê, nhưng nếu rang xay ở Việt Nam sau một thời gian sẽ bị giảm chất lượng. Bắt buộc phải rang ở Thượng Hải, lại phải thuê nhà rang chuyên nghiệp, có tay nghề, để làm theo gu của mình. Tôi tin rằng cà phê Việt Nam sẽ đi xa. Kết hợp cà phê với du lịch vườn, tháng 12 này sẽ có tour đầu tiên từ Trung Quốc sang Việt Nam thăm vườn và các hoạt động pha chế ở đây. Chiến lược sắp tới của chúng tôi là mở rộng thêm nhiều cửa hàng theo kiểu nhỏ mà tinh, chất lượng phục vụ tốt. Các bạn phục vụ ở đây đều học những câu tiếng Việt như Xin chào, Cảm ơn, Xin lỗi, Anh yêu em… có cả chữ tiếng Việt để dạy mọi người”, Hà Ánh sôi nổi thổ lộ.

Những câu chuyện nhân văn quanh ly cà phê đặc sản 7
Nụ cười của anh Phước - một nông dân trồng cà phê đặc sản ở Đà Lạt

Rong ruổi nhiều ngày với những người trẻ làm Specialty, tôi chợt nhớ đến triết lý về cuộc sống của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Đẹp là khi bạn là chính mình, không cần được ai đó công nhận, bạn chỉ cần chấp nhận bản thân mình.” Chỉ hương vị độc đáo của ly Specialty, dù là cà phê đen hay cà phê sữa, mới cho tôi cảm giác đó. Cảm giác được sống đúng với bản chất thật của chính mình, không đánh mất mình trước dòng sống ào ạt sẵn sàng cuốn trôi mọi thứ.

Click vào đây để xem toàn bộ Đặc san Dấu ấn & Khát vọng