Những nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp

Phạm Sơn - 15:08, 30/11/2020

TheLEADERTình trạng suy dinh dưỡng vẫn ở mức độ cao tại các khu vực sản xuất nông nghiệp tương đối phát triển.

Những nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp
Việc đảm bảo an ninh lương thực theo mục tiêu số 2 là Không còn nạn đói dường như đang đi chệch hướng. Ảnh: Reuters.

PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, tại các vùng như Mộc Châu, Tây Nguyên hay một số tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân vẫn rất cao dù sản xuất nông nghiệp phát triển.

Ông Anh cho biết, năm 2018, chương trình hành động quốc gia Không còn nạn đói ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành, tuy nhiên chưa đạt được nhiều hiệu quả.

Hiện nay, chương trình nông nghiệp dinh dưỡng đang được Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp tiến hành thí điểm tại một số địa phương, chủ yếu là miền núi, vùng sâu vùng xa đang có đời sống đặc biệt khó khăn.

Thực tế, nghịch lý về dinh dưỡng tại các quốc gia sản xuất nông nghiệp tương đối phổ biển, ví dụ như tại Ấn Độ, quốc gia sản xuất rau quả lớn thứ 2 trên thế giới.

Tại Ấn Độ, ngành nông nghiệp đóng góp 18% vào GDP và cung cấp việc làm cho 41% lao động. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), 189 triệu người dân Ấn Độ, tương đương với khoảng 14% dân số đang rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nghịch lý này được giải thích bởi năng suất nông nghiệp kém ở các trang trại quy mô nhỏ. Thêm vào đó, ngành nông nghiệp trên thế giới nói chung và tại các quốc gia sản xuất nông sản chủ lực như Việt Nam hay Ấn Độ cũng đang phải chịu nhiều thách thức đến từ sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng như những rủi ro về thị trường.

Mặt khác, tình trạng thực phẩm kém chất lượng, thiếu an toàn với dư lượng hóa chất hoặc canh tác trên nguồn nước, đất đai không đảm bảo cũng đang gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Các chuyên gia của FAO cho biết, thời hạn thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững chỉ còn cách 10 năm nhưng việc đảm bảo an ninh lương thực theo mục tiêu số 2 là Không còn nạn đói dường như đang đi chệch hướng, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang đẩy thêm nhiều người vào tình trạng đói nghèo.

Duy trì an ninh lương thực trong và sau Covid-19

Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, nghịch lý lớn nhất mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang mắc phải là chỉ chú trọng vào việc làm thực phẩm sạch, chất lượng để xuất khẩu mà bỏ quên thị trường trong nước.

Những nghịch lý trong sản xuất nông nghiệp
PGS.TS Vũ Trọng Khải phát biểu tại Diễn đàn nông nghiệp mùa thu 2020. Ảnh: VEPR.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp một cách bừa bãi, thiếu quy hoạch đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng khi vi phạm sinh thái, hậu quả là thiên tai, bão lũ, dịch bệnh lại làm người nông dân thêm đói khổ.

Bàn về giải pháp cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp, duy trì an ninh lương thực, ông Khải đề xuất cần phải coi tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP) là điều kiện sản xuất bắt buộc cho cả thị trường trong và ngoài nước.

Mặt khác, phát triển nông nghiệp cần được đi kèm với công tác bảo vệ, phục hồi rừng cũng như các nguyên tắc bảo vệ nguồn nước, không khí và hệ sinh thái.

Trong thời gian tới, các tác động của thiên tai, dịch bệnh, diễn biến khí hậu sẽ vô cùng khó lường và gây ra nhiều hậu quả. Do đó, khoa học nông nghiệp cần phải được đẩy mạnh, với nhiệm vụ đào tạo ra đội ngũ chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp đầu ngành, nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ người nông dân.

Đối với việc khắc phục những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra cho ngành nông nghiệp, TS. Phạm Công Nghiệp, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp kiến nghị, bên cạnh việc đẩy mạnh phòng chống dịch, các nông hộ cần tích cực liên kết thành các chuỗi giá trị để đảm bảo quá trình lưu thông của nông sản.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có những biện pháp cung ứng vật tư, đầu vào thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh để đảm bảo nguồn cung ứng đầy đủ cho sản xuất.

Tuy nhiên, ông Khải cho rằng, việc đảm bảo cung ứng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp nên để doanh nghiệp tiến hành, thay vì trông chờ vào nhà nước.

“Doanh nghiệp phải đảm bảo cả đầu vào và đầu ra cho nông sản. Đây là phương án giải quyết vấn đề một cách căn cơ”, ông Khải nhấn mạnh.