Nỗ lực giải ngân hơn 700 nghìn tỷ vốn đầu tư công

Hoàng Đông - 08:53, 06/07/2023

TheLEADERNhìn chung 6 tháng đầu năm, đầu tư công có dấu hiệu khởi sắc cả về tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, áp lực vẫn rất lớn để hoàn thiện công tác giải ngân khối lượng vốn đầu tư công lớn nhất từ trước đến nay.

Nỗ lực giải ngân hơn 700 nghìn tỷ vốn đầu tư công
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, tính riêng nửa đầu năm 2023, đầu tư công ước đạt khoảng hơn 215 nghìn tỷ đồng, tương đương với gần 30,5% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ về cả tỷ lệ lẫn con số tuyệt đối.

Theo Thứ trưởng, giải ngân vốn đầu tư công nhìn chung đã có chuyển biến tốt, nhờ vào việc thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ. Các bộ, ngành và địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong cả 6 tháng đầu năm. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, có 9 bộ và 32 địa phương đạt được mức giải ngân đầu tư công trên 30%, điển hình như tỉnh Tiền Giang giải ngân gần 53%, tỉnh Đồng Tháp giải ngân hơn 50%, tỉnh Long An giải ngân gần 49%...

Một số địa phương có kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2023 rất thấp, sau khi được Phó thủ tướng Lê Minh Khái họp riêng để đôn đốc, đã có sự cải thiện đáng ghi nhận. Tiêu biểu là TP.HCM chỉ giải ngân được 0,83% vốn được giao trong quý I, là địa phương xếp bét cả nước đã nỗ lực nâng tỷ lệ giải ngân lên đến 15% trong 6 tháng đầu năm.

Đây được xem là một tín hiệu tương đối tích cực, bởi trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều dấu hiệu bất ổn, đầu tư công đã được xác định là động lực tăng trưởng chính của năm 2023.

Báo cáo với Chính phủ về khả năng giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Phương cho biết, từ năm 2021 đến nay, dù gặp rất nhiều khó khăn, từ dịch bệnh cho đến đứt gãy chuỗi cung ứng khiến giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng tiến độ giải ngân cơ bản vẫn đạt hơn 90%. Do đó, với sự đốc thúc từ phía Chính phủ, nhiều dự án lớn, đặc biệt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang gấp rút triển khai, có thể kỳ vọng vào kết quả giải ngân tích cực cho cả năm 2023.

Một lợi thế lớn phải nhắc đến là sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, một điểm nghẽn lớn về đầu tư công đã được tháo gỡ, đó là cho phép tiếp tục giao vốn trung hạn cho các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện cho nhiều dự án được tiếp tục triển khai từ giờ đến cuối năm.

“Đó là điểm thuận lợi để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công”, ông Phương nhấn mạnh.

Tuy nhiên, áp lực cho 6 tháng cuối năm vẫn là rất lớn để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% tổng kế hoạch đầu tư công được Chính phủ giao, bởi kế hoạch năm 2023 là rất lớn, lên đến hơn 700 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 140 nghìn tỷ đồng so với năm 2022.

Trong bối cảnh đó, một số nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ. Trước đó, trao đổi với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công chậm, đó là công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, giải phóng mặt bằng còn khó khăn, một số dự án có thời gian điều chỉnh lâu và điều chỉnh nhiều lần, gây ra nhiều sự nhiêu khế.

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, không thể không kể đến vấn đề về năng lực của nhà thầu, của ban quản lý dự án cũng như trách nhiệm của người đứng đầu vẫn còn hạn chế.