Nỗi lo sau đà tăng của ngành sản xuất

Phương Anh - 11:11, 07/02/2022

TheLEADERMặc dù động lực tăng trưởng của ngành sản xuất đã mạnh hơn, đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi mức độ lây nhiễm vẫn cao, cùng hơi những khó khăn trong quá trình vận chuyển.

Theo dữ liệu mới nhất từ IHS Markit, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm vào tháng 1, tăng so với mức 52,5 của tháng 12, cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện mạnh và với mức độ đáng kể nhất kể từ tháng 4/2021. 

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, đánh giá các nhà sản xuất Việt Nam đã có bước khởi đầu tích cực cho năm 2022 khi không còn những hạn chế phạm vi rộng, và từ đó lĩnh vực sản xuất đã có thể tăng trưởng bất chấp số lượng ca nhiễm Covid-19 vẫn tương đối cao. Các công ty đã có thể lạc quan hơn về triển vọng trong năm tới.

Cụ thể, dữ liệu cho thấy cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng mạnh hơn trong tháng đầu năm với tốc độ nhanh nhất chín tháng, khi nhu cầu khách hàng tiếp tục cải thiện.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới được hỗ trợ khi số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài tiếp tục tăng, và tốc độ tăng đạt mức nhanh nhất kể từ tháng 11/2018.

Mặc dù sản lượng tăng mạnh, một số công ty cho biết mức độ lây nhiễm Covid-19 cao đã ảnh hưởng đến chỉ số này.

Nỗi lo sau đà tăng của ngành sản xuất

Một số công ty cũng lạc quan hơn về triển vọng sản lượng trong năm tới, mặc dù mức độ lạc quan ở mức độ nào đó còn tùy thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Khoảng 60% số người trả lời dự đoán tăng sản lượng, và mức độ lạc quan tổng thể là cao nhất trong hơn ba năm.

Việc làm đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 1, khi các công ty tiếp tục xây dựng lại đội ngũ nhân viên sau làn sóng Delta của đại dịch trong năm 2021. Tốc độ tăng việc làm đã nhanh hơn so với tháng 12, nhưng vẫn chỉ ở mức khiêm tốn khi một số nhân viên đã phải nghỉ việc do nhiễm Covid-19, và một số khác vẫn chưa trở lại làm việc.

Việc làm tăng đã giúp các nhà sản xuất kiểm soát được lượng công việc tồn đọng dù số lượng đơn đặt hàng mới có tăng. Lượng công việc tồn đọng giảm nhẹ trong tháng 1, và đây là lần giảm đầu tiên trong năm tháng.

Có những dấu hiệu tiếp tục cho thấy áp lực lạm phát đã khó nhận thấy hơn so với hầu hết thời gian của năm 2021. Chi phí đầu vào tăng ở mức chậm thứ hai trong hơn nửa năm qua, trong khi giá cả đầu ra dịch chuyển với tốc độ thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Theo những người trả lời khảo sát, nhân tố chính dẫn đến tăng chi phí đầu vào là giá cước vận tải và chuyển hàng quốc tế tăng.

Ông Andrew Harker lưu ý: “Đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, đáng kể nhất là thông qua tình trạng nghỉ làm của nhân viên, trong khi khả năng tăng mạnh số ca nhiễm do biến thể Omicron có thể làm tình trạng gián đoạn tồi tệ hơn”.

“Yếu tố cản trở tiếp tục là những khó khăn của khâu vận chuyển khi nó ảnh hưởng đến việc giao hàng của nhà cung cấp, việc giao hàng của các công ty cho khách hàng, và từ đó làm tăng gánh nặng chi phí”.

Dữ liệu cũng cho thấy những khó khăn với khâu vận chuyển và tình trạng gián đoạn tiếp diễn do đại dịch Covid-19 đã khiến thời gian giao hàng của nhà cung cấp tiếp tục bị kéo dài vào đầu năm.

Tình trạng suy giảm năng lực của người bán hàng lần này là đáng kể, nhưng khó nhận thấy hơn so với mức kỷ lục của tháng 9 năm ngoái.

Tình trạng gián đoạn của khâu vận chuyển đã góp phần làm tăng hàng tồn kho thành phẩm, khi sản phẩm bị kẹt lại trong kho thay vì được phân phối cho khách hàng. Mức tăng này được ghi nhận sau khi có lần giảm mạnh trong tháng 12.