Nỗi trăn trở của doanh nhân Lê Viết Hải

Đặng Hoa - 08:00, 14/10/2021

TheLEADERSuốt gần 35 năm gây dựng và phát triển doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn không ngừng hướng đến việc xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững.

Nỗi trăn trở của doanh nhân Lê Viết Hải
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang gây nhiều ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp ở Việt Nam và thế giới nói chung nhưng doanh nhân Lê Viết Hải vẫn kịp đón nhận niềm vui trước thềm ngày doanh nhân Việt Nam khi Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trúng thầu hai dự án mới tại Hà Nội với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Với hai dự án mới này, Hòa Bình đã nâng tổng lũy kế giá trị trúng thầu từ đầu năm là 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch 14.000 tỷ đồng của năm 2021 đã đề ra. Đó chỉ là một trong những sự bứt phá trong cuộc đời làm doanh nhân của ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ông Hải chia sẻ, khả năng tiến đến dẫn đầu thị trường trong ngành đòi hỏi doanh nghiệp phải trải qua một quá trình đổi mới, sáng tạo liên tục để bứt phá. Sự đổi mới sáng tạo đó phải mang tính toàn diện, không chỉ mới về sản phẩm, thị trường mà tất cả mọi thứ trong doanh nghiệp, bao gồm cả hệ thống quản lý và văn hoá doanh nghiệp.

Điều khiến ông Hải khác biệt là tinh thần của sự đổi mới lại kết hợp với một sự chắc chắn qua từng bước đi như cái cách ông điềm tĩnh, từ tốn nói về văn hoá doanh nghiệp trong sự kiện "Bứt phá" do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức.

Ông nói, văn hoá doanh nghiệp không thể chỉ được xây dựng bằng những câu từ mà phải “mưa dầm thấm lâu”, người lãnh đạo phải biết làm gương.

Ông Hải cho biết, văn hoá của Hòa Bình đã được hình thành một cách nghiêm túc và rõ nét qua quá trình hoạt động từ một văn phòng nhỏ bé đến một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng, thể hiện trong tất cả hoạt động của doanh nghiệp và cách thức ứng xử, luôn phù hợp với các giá trị cốt lõi đã được định hình.

Ông Hải nhấn mạnh, cần cả yếu tố nghệ thuật để văn hoá doanh nghiệp có thể thấm vào từng công nhân viên.

“Tôi đã viết nhiều ca khúc, soạn nhiều văn bản, những lời phát biểu, chia sẻ chân thành với cán bộ nhân viên, cho họ nhận ra giá trị cốt lõi của tập đoàn để rồi họ làm theo một cách tự nhiên, thành thói quen, thành cốt cách, phong cách của họ. Con người của Hoà Bình có cách làm việc và ứng xử với bên trong và bên ngoài với một sắc thái riêng”, Chủ tịch Hoà Bình nói.

Nỗi trăn trở của ông Lê Viết Hải
Trúng thầu hai dự án mới tại Hà Nội với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vượt kế hoạch 2021

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho biết luôn trăn trở về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

“Không phải chỉ phát triển trong một giai đoạn nào đó mạnh mẽ rồi sau đó đi thụt lùi mà phải làm sao duy trì được sự phát triển bền vững với tốc độ tương đối cao”, ông Hải nói.

Trong 30 năm đầu, Hoà Bình đã trải qua sáu chu kỳ 5 năm phát triển với mức tăng năm lần sau mỗi chu kỳ. Tuy nhiên ông Hải cho biết, kể từ 2017 đến nay, tốc độ tăng trưởng đó đã không thể duy trì, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

“Tôi rất nóng ruột về việc phát triển vì doanh nghiệp có phát triển thì ngành nghề mới phát triển và đóng góp cho sự phát triển của quốc gia”, Chủ tịch Hoà Bình trăn trở.

Ông Hải cho rằng, nền tảng để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững vẫn là xây dựng một văn hoá thật tốt đẹp. Vì vậy ông đã nghĩ về các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và xác định ra bảy yếu tố tạo nên một văn hoá cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Với ông, con số 7 là một con số “thần kỳ”, một tuần có bảy ngày, ánh sáng trắng là hỗn hợp của bảy sắc cầu vồng, âm nhạc có bảy nốt…

“Sau khi suy nghĩ kỹ và rà soát, tôi định hình văn hoá doanh nghiệp với bảy giá trị cốt lõi, mỗi giá trị cốt lõi lại được định hình bởi bảy yếu tố, như vậy có 49 yếu tố tạo nên văn hoá doanh nghiệp. Chỉ khi hội tụ đủ các yếu tố đó thì mới tạo nên sắc thái, cốt cách riêng của doanh nghiệp mình”, ông Hải chia sẻ.

Trong các giá trị đó, Chủ tịch Hoà Bình nhấn mạnh sự hợp tác. Ông cho rằng, trong hợp tác cần có sự tin tưởng và chia sẻ chân thành thì mới có thể đi đến thành công. Quá trình phát triển của Hoà Bình là quá trình hợp tác với nhiều đối tác đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn, Trung, Pháp, Đức…

“Quá trình lớn mạnh của Hoà Bình chính là quá tình tiếp thu, học hỏi từ đối tác, cũng là quá trình Hoà Bình chia sẻ chân thành với họ những gì mình có”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, nếu một người có hai quả cam đưa một quả cam của mình cho người có hai quả táo và ngược lại thì mỗi người sẽ có một quả cam và một quả táo. Tài sản sẽ trở nên phong phú hơn.

Vượt lên câu chuyện của quả cam và táo, nếu hai bên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thì sẽ có thể nhân đôi tài sản chứ không chỉ dừng lại ở con số 2. Hơn thế nữa, nếu hợp tác với không chỉ một mà với mười đối tác thì sẽ nhân được mười lần kinh nghiệm. Doanh nghiệp chỉ có thêm kiến thức mà không mất gì. Lượng kiến thức sẽ được nhân lên hàng trăm lần nếu mang mười lần kiến thức đó hợp tác với mười đối tác khác nữa.

“Muốn có sự phát triển liên tục và bứt phá thì phải luôn chủ động trong hợp tác và chân thành chia sẻ với đối tác”, Chủ tịch Hoà Bình nhận định.

Nhớ lại lời dặn dò của cha mình, ông Hải nói thêm: “Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng”.