Phía sau các cuộc mua bán điện...

Nguyễn Cảnh - 14:58, 24/05/2023

TheLEADERVượt khung giá quy định, số liệu kiểm toán thiếu tin cậy, đàm phán kéo dài… là thực tế mua bán điện diễn ra tại nhiều dự án thủy điện, nhiệt điện.

Phía sau các cuộc mua bán điện...
Đàm phán giá mua điện tại nhiều dự án nhiệt điện, thủy điện vẫn vướng mắc suốt nhiều năm qua (ảnh minh họa: Nguồn Lilama18.1)

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 và thủy điện Sông Bung 4 đều ghi nhận việc ký kết hợp đồng mua bán điện có giá mua vượt khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Thủy điện Đồng Nai 2 (công suất 70MW, tại tỉnh Lâm Đồng) do Công ty CP Thủy điện Trung Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư theo thiết kế cơ sở khoảng 1.870 tỷ đồng. Khởi công tháng 12/2007, dự án vận hành toàn bộ nhà máy vào tháng 9/2014.

Tháng 5/2014, Công ty Mua bán điện (EPTC) và chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán điện với giá mua điện 1.740 đồng/kWh (chưa gồm VAT, thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng), sau khi có báo cáo quyết toán công trình hai bên sẽ tính toán lại giá điện, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, mức giá này cao hơn 757 đồng/kWh so với mức giá trần quy định tại Khung giá điện năm 2013 áp dụng cho các nhà máy thủy điện (theo Quyết định 8440 do Bộ Công thương ban hành hồi tháng 1/2013).

Trong khi đó, điều 31 Luật Điện lực 2004 quy định: “Giá phát điện, giá bán buôn điện, giá bán lẻ điện theo hợp đồng mua bán điện có thời gian do các đơn vị điện lực quyết định nhưng không được vượt quá khung giá, biểu giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.

Đồng thời, giá mua bán điện vượt khung quy định thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Bộ trưởng Bộ Công thương theo quy định tại Thông tư 56 năm 2014 của Bộ Công thương. Cụ thể: “Trường hợp nhà máy điện có giá đàm phán vượt khung giá phát điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành, hai bên có trách nhiệm giải trình cho Cục Điều tiết điện lực chi tiết các hạng mục chi phí đã thống nhất trong quá trình đàm phán. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền”.

Thực tế, việc đàm phán giá mua bán điện của nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008. Các bên gồm: EVN, EPTC, chủ đầu tư, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương đã có nhiều văn bản qua lại liên quan đến việc đàm phán giá điện, phê duyệt hợp đồng mua điện… nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, nguyên nhân chính là giá mua bán điện vượt khung giá quy định.

Chủ đầu tư nêu nhiều lý do tăng tổng chi phí đầu tư dự án (Quyết định 11/019 hồi tháng 4/2019 của HĐQT Công ty CP Thủy điện Trung Nam phê duyệt giá trị quyết toán dự án là gần 3.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là khoảng 1.870 tỷ đồng).

Theo Luật Điện lực và Nghị định 137 năm 2013 của Chính phủ, giá mua điện không được vượt khung giá đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã chấp thuận mức giá tạm thanh toán là 1.740 đồng/kWh (tại văn bản 3973 hồi tháng 4/2015) trong khi EVN đề xuất thanh toán theo giá trần quy định của từng năm (tại văn bản 728 hồi tháng 3/2015).

Đồng thời, giá mua điện EVN tạm thanh toán (1.740 đồng/kWh) vượt khung giá do Bộ Công thương ban hành và ngoài thẩm quyền phê duyệt hợp đồng mua bán điện của Cục Điều tiết điện lực. Từ sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, Cục Điều tiết điện lực không cung cấp được hồ sơ, tài liệu về việc kiểm tra hợp đồng mua bán điện, và việc báo cáo Bộ trưởng Bộ Công thương xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan đến đàm phán giá mua điện vượt khung giá phát điện theo thẩm quyền quy định tại Thông tư 56 ban hành tháng 12/2014 của Bộ Công thương.

Kết quả kiểm tra cho thấy, việc EVN và chủ đầu tư đàm phán giá mua điện trên cơ sở số liệu quyết toán vốn đầu tư do chủ đầu tư cung cấp, trong khi số liệu kiểm toán vốn đầu tư dự án do đơn vị kiểm toán độc lập (Công ty Kiểm toán Việt Úc) thực hiện thiếu tin cậy. Vì vậy, “giá mua điện đang tạm thanh toán 1.740 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý, không tin cậy”.

Việc EVN và Công ty CP thủy điện Đồng Nai 2 chậm trễ báo cáo Cục Điều tiết điện lực để kiểm tra hợp đồng sau khi đã đàm phán và ký tắt hợp đồng mua bán điện trên cơ sở quyết toán vốn đầu tư, được xác định là không đúng quy định tại Thông tư 56 và Thông tư 57 của Bộ Công thương.

Đáng chú ý, sau khi chủ đầu tư phê duyệt quyết toán vốn đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Nai 2, EVN và chủ đầu tư đàm phán lại giá điện trên cơ sở quyết toán chi phí đầu tư dự án, giá đàm phán vẫn vượt khung quy định. Tuy nhiên, Cục Điều tiết điện lực chưa đề xuất, tham mưu Bộ trưởng xem xét, giải quyết các vướng mắc liên quan đến đàm phán giá mua điện vượt khung giá phát điện theo thẩm quyền quy định tại Thông tư 56 của Bộ Công thương…

Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm của việc đàm phán, kiểm tra, phê duyệt và xử lý các vướng mắc về giá mua điện, hợp đồng mua điện của nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 diễn ra từ tháng 12/2008 nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thuộc về EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công thương.

Tương tự, là việc mua bán điện của nhà máy thủy điện Sông Bung 4A (tại tỉnh Quảng Nam) do Công ty CP Phú Thạnh Mỹ làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 1.690 tỷ đồng.

Tháng 10/2013, EVN và chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán điện với giá mua điện tính tại thời điểm giao nhận điện là 983 đồng/kWh (chưa VAT, thuế tài nguyên nước, phí môi trường), áp dụng từ ngày vận hành thương mại đến 24h00 ngày 31/12/2014, sau thời điểm này hai bên sẽ đàm phán về giá điện bình quân nhiều năm của nhà máy theo chỉ đạo của Cục Điều tiết điện lực để làm cơ sở xác định giá mua điện từ 1/1/2015.

Sau khi chủ đầu tư có văn bản về giá điện thủy điện Sông Bung 4A (trong đó nêu các lý do làm tăng tổng mức đầu tư dự án), tới tháng 8/2015, EVN ký hợp đồng bổ sung trước khi báo cáo Cục Điều tiết điện lực và thực hiện tạm thanh toán theo giá khoảng 1.272 đồng/kWh vượt khung trần năm 2015 (giá trần năm 2015 là 1.060 đồng/kWh). Việc này chưa đúng quy định tại Thông tư 56, 57 và chỉ đạo của Bộ Công thương về việc đưa giá mua bán điện về mức trần vào tháng 4/2015, chưa báo cáo kết quả đàm phán giá điện theo chỉ đạo của Cục Điều tiết điện lực hồi tháng 2/2021.

Việc đàm phán giá mua bán điện của Thủy điện Sông Bung 4A diễn ra từ năm 2013, nhưng đến tháng 4/2022 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nguyên nhân là giá mua điện vượt khung giá quy định. Tới tháng 7/2022, EVN và chủ đầu tư mới ký hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng mua bán điện, trong đó giá điện là 1.110 đồng/kWh, bằng giá trần khung giá phát điện nhà máy thủy điện năm 2019 (năm phê duyệt quyết toán vốn đầu tư)…

Bên cạnh đó, còn có tình trạng một số nhà máy điện (như nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thủy điện Đồng Nai 5) chưa thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng mua bán điện sau khi cơ quan thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán vốn đầu tư dự án theo quy định

Điển hình là nhiệt điện Vũng Áng 1 do PVN làm chủ đầu tư với công suất 1.200MW. Được PVN phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư năm 2009 lên tới gần 29.510 tỷ đồng (đã gồm VAT, so với 19.996 tỷ đồng ban đầu), dự án vận hành thương mại 2 tổ máy vào tháng 5/2015.

Tháng 8/2016, theo văn bản của Cục Điều tiết điện lực về giá điện và hợp đồng mua bán điện dự án, tổng mức đầu tư tính toán giá điện là khoảng 26.629 tỷ đồng (chưa gồm VAT), giá cố định bình quân cả đời dự án là 383,4 đồng/kWh. Cùng trong khoảng thời gian này, EVN và Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam ký hợp đồng mua bán điện, trong đó có quy định: “… Sau khi quyết toán vốn đầu tư dự án, căn cứ ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hai bên sẽ tính toán, thống nhất giá điện theo giá trị quyết toán vốn đầu tư đã được quyết toán.”

Tới tháng 9/2016, báo cáo kiểm toán nhà nước kiến nghị PVN điều chỉnh nguồn vốn dự án dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo từng giai đoạn chạy thử và chạy phát điện thương mại tổ máy số 1, số 2… phù hợp với thực tế giải ngân cho từng giai đoạn của từng dự án. Đồng thời, PVN phối hợp EVN xác định doanh thu bán điện trong từng giai đoạn chạy thử làm cơ sở ghi nhận chi phí chạy thử theo quy định.

Về xử lý tài chính, báo cáo kiểm toán nhà nước (tháng 9/2016) kiến nghị giảm chi phí đầu tư nhà máy nhiệt điện Vũng Áng khoảng 2.560 tỷ đồng. Kiến nghị Bộ Công thương: chỉ đạo PVN báo cáo Thủ tướng phê duyệt dự toán phát sinh khối lượng chưa lường hết theo quy định của hợp đồng EPC và các quy định pháp luật; chỉ được quyết toán nội dung này khi có sự đồng ý của Thủ tướng; Chỉ đạo PVN xác định doanh thu bán điện trong giai đoạn chạy thử làm căn cứ giảm chi phí đầu tư dự án.

Đặc biệt, tổng chi phí đầu tư nhà máy điện được kiểm toán là căn cứ để các bên đàm phán, xác định giá mua điện. Tuy nhiên, "Bộ Công thương được nhận Báo cáo kiểm toán chi phí đầu tư nhà máy từ Kiểm toán nhà nước nhưng không chỉ đạo, sao gửi EVN để có căn cứ đàm phán lại giá mua điện, do đó đến nay Hợp đồng mua điện của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn chưa được các bên đàm phán lại để điều chỉnh giá mua bán điện”, Thanh tra Chính phủ cho biết.