Phía sau 'cuộc hôn nhân' giữa các cá mập và startup

Bùi Thị Thanh Mai (*) - 09:38, 21/09/2019

TheLEADERĐằng sau các thương vụ đầu tư là cả một quá trình làm việc với rất nhiều vấn đề nảy sinh, đem đến nhiều trải nghiệm và trăn trở cho cả nhà đầu tư và người sáng lập dự án.

Phía sau 'cuộc hôn nhân' giữa các cá mập và startup
Startup trình bày ý tưởng cho các shark trong chương trình thương vụ bạc tỷ

Theo thống kê của tổ chức Topica Founder Institute (TFI), Việt Nam ghi nhận 92 thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong năm 2018 với tổng vốn 889 triệu USD, tăng gần ba lần so với năm trước đó. 

Đáng chú ý, nghiên cứu mới đây của công ty đầu tư mạo hiểm ESP Capital và Cento Ventures của Singapore cho thấy trong nửa đầu năm 2019, đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam đã đạt 246 triệu USD với tất cả 56 giao dịch. Con số này dự kiến đạt 800 triệu USD vào cuối năm nay, tăng khoảng 80% so với con số 444 triệu USD của năm ngoái.

Chỉ trong vòng hai năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Điều đó cho thấy, chất lượng các startup ngày càng nâng cao và có khả năng thu hút cũng như thuyết phục được nhiều nhà đầu tư hơn.

Tuy nhiên, đằng sau các thương vụ đầu tư là cả một quá trình làm việc với rất nhiều vấn đề nảy sinh, đem đến nhiều trải nghiệm và trăn trở cho cả nhà đầu tư và người sáng lập dự án.

Cộng đồng khởi nghiệp vẫn thường kháo nhau rằng, việc tìm hiểu lẫn nhau giữa nhà đầu tư và startup trong các thương vụ cũng như bắt đầu một cuộc hôn nhân. Cả hai bên cần tìm hiểu đối phương một cách kỹ lưỡng trước khi đi đến ký kết. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc chung sẽ không tránh khỏi những vấn đề có thể dẫn đến tranh luận, xung đột và thậm chí là những cuộc chia ly trong thất vọng.

Quyết định đầu tư dựa trên “khẩu vị”

Theo dõi khá nhiều thương vụ đầu tư trong thời gian qua có thể thấy, bên cạnh chất lượng của các startup thì có vô vàn lý do để các nhà đầu tư hoặc các quỹ đầu tư đưa ra quyết định rót vốn mà người ngoài cuộc có thể không ngờ tới.

Chẳng hạn, startup thuộc về lĩnh vực ngành nghề mà quỹ/nhà đầu tư yêu thích và hướng đến. Một số quỹ đầu tư có định hướng cụ thể cho lĩnh vực đầu tư của mình như The Global Impact Investing Network (GIIN), VIC Impact hay Unitus Impact chuyên đầu tư cho các dự án khởi nghiệp xã hội trong khi FPT Capital, IDG Ventures Việt Nam, Vietnam Startup Foundation (VSF) lại tập trung nhiều cho các startup về công nghệ.

Do đó, việc startup chưa được đầu tư đôi khi không phải do mô hình kinh doanh chưa đủ tốt mà là do chưa tìm đến đúng nhà đầu tư hợp khẩu vị mà thôi.

Một lý do khác có thể kể đến là sự yêu thích cá nhân hoặc đội ngũ xây dựng dự án. 

Đôi khi nhà đầu tư có thể chưa thực sự hài lòng lắm với mô hình kinh doanh và các chỉ số của dự án nhưng chỉ vì cảm thấy quý mến phong cách làm việc của nhà sáng lập mà quyết định rót vốn đầu tư. Hoặc nhà đầu tư muốn ủng hộ cho lý tưởng hoặc nhóm đối tượng cụ thể nào đó. 

Ví dụ, một trong những lý do chính khiến Shark Đỗ Liên đầu tư vào chuỗi homestay Be Home của cô gái chuyển giới Lê Tiểu Luân trong chương trình Shark Tank
(Thương vụ bạc tỷ) là vì muốn ủng hộ cộng đồng chuyển giới. Vị cá mập này đầu tư vào Revival Waste cũng nhằm mục đích hướng đến môi trường và cộng đồng.

Phía sau 'cuộc hôn nhân' giữa nhà đầu tư và startup
Bùi Thị Thanh Mai, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo

Bên cạnh đó, có thể có một số lý do tiêu cực như học hỏi, đánh cắp công nghệ hoặc triệt tiêu startup. Điều này có vẻ thường xảy ra với những nhà đầu tư hoặc quỹ đầu tư từ nước ngoài.

Trên trang facebook cá nhân, chuyên gia thương hiệu Nguyễn Phi Vân từng kể lại, một người bạn đến từ Đức của bà cùng hai nhà sáng lập khác từng khởi nghiệp với một nền tảng B2B để tái định nghĩa ngành thời trang, một ý tưởng được đánh giá là rất sáng tạo, sau ba năm đạt được doanh thu 35 triệu euro/năm. 

Sau đó, họ gọi vốn thêm 25 triệu euro để đổi 40% cổ phần công ty cho một nhà đầu tư khổng lồ Trung Quốc. 

Hai năm tiếp theo là khoảng thời gian "địa ngục" với những người sáng lập startup này khi bị nhà đầu tư ép thay đổi hoàn toàn chiến lược, sử dụng công ty như kẻ trung gian để tiếp cận những thương hiệu thời trang lớn với mục tiêu đưa được các thương hiệu này lên nền tảng e-commerce của họ. 

Các nhà sáng lập startup này bị ép phải chuyển sang làm việc tại văn phòng Bắc Kinh, văn hoá công ty xuống dốc, hai bên suốt ngày cãi nhau. Hai năm sau khi nhận vốn đầu tư, doanh thu rớt xuống dưới 20 triệu euro. Phía Trung Quốc tuyên bố rút vốn, yêu cầu tìm người bán lại trong vòng ba tuần. Hai tuần sau, startup này đóng cửa. 

Chiến lược của các nhà đầu tư

Hai chiến lược chủ yếu của nhà đầu tư có thể kể đến chủ trương góp vốn cùng đồng hành, hỗ trợ cho startup phát triển hoặc góp vốn kiểu thâu tóm, mua lại dự án.

Chủ trương đầu tư góp vốn tỷ lệ dưới 50% với mong muốn đồng hành hỗ trợ thường nằm trong tiêu chí của các quỹ đầu tư làm việc với các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp như Vietnam Silicon Valley (VSV) và là quan điểm đầu tư của những người có sở thích làm cố vấn cho các dự án tự thân phát triển.

Đến với những nhà/quỹ đầu tư có chiến lược thâu tóm thì các startup cần phải xác định sẽ thực hiện quá trình thoái vốn và bán lại dự án. Và trên thực tế, chỉ có những nhà đầu tư lớn có tiềm lực như các tập đoàn mới có đủ khả năng giúp dự án phát triển một cách nhanh chóng và mạnh mẽ thay vì để các nhà sáng lập tự thân vận hành.

Khi đó, nhà sáng lập sẽ phải đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc nắm tỷ lệ phần trăm cổ phần lớn trong một dự án nhỏ và tự vận hành mọi thứ, hoặc chỉ giữ một tỷ lệ phần trăm cổ phần nhỏ trong một dự án có doanh thu lớn. Vì đối với chủ trương đầu tư này, các nhà đầu tư sẽ chiếm tỷ lệ cổ phần khá cao, thậm chí lên đến 80 - 90% tỷ lệ vốn cổ phần.

Cũng có một số trường hợp sau khi bị nhà đầu tư thâu tóm, nhà sáng lập bị hất cẳng ra khỏi dự án do không hợp cách làm việc. Đó cũng sẽ là bài học cho các cá nhân/nhóm khởi nghiệp trong cách tìm hiểu đối tượng nhà đầu tư và xem lại cách thức làm việc của mình.

Từng làm startup thì sẽ không lo thiếu ý tưởng, nếu có năng lực thì hoàn toàn có thể gây dựng nên một startup khác và rút kinh nghiệm dựa trên bài học thất bại vừa trải qua. Và dù trên thực tế, dự án đã rơi vào tay người khác nhưng trên danh nghĩa, không ai phủ nhận người đã “đẻ” ra dự án, đó chính là điểm cộng kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành mô hình kinh doanh.

Ngược lại, phía các nhà đầu tư cũng vướng phải nhiều vấn đề, rủi ro khi làm việc với startup. Chẳng hạn, có những trường hợp mất trắng vốn vì nhà sáng lập nhận tiền nhưng không triển khai dự án hoặc startup quá bảo thủ khiến cho dự án không phát triển đúng hướng theo nhu cầu của thị trường hoặc là startup triển khai kinh doanh không hiệu quả gây thua lỗ.

Do đó, việc chiếm đa số tỷ lệ % vốn cổ phần để các nhà đầu tư có quyền phủ quyết nhằm giúp nhà đầu tư có thể tránh được những tình trạng vừa nêu cũng là lý do chính đáng.

Việc gọi vốn với startup không hề dễ dàng. Startup phải thực sự vượt trội ở một vài phương diện nào đó thì mới có thể gây được sự chú ý và được các nhà/quỹ đầu tư rót vốn. Tuy nhiên, quyết định tiếp nhận vốn đầu tư hay không cũng quan trọng không kém, đòi hỏi nhà sáng lập phải suy nghĩ vô cùng kỹ lưỡng để đưa ra quyết định sáng suốt.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Bùi Thị Thanh Mai, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo thuộc Trường Cao đẳng công thương miền Trung.