Rào cản trong tái chế rác thải điện tử

Phạm Sơn - 11:27, 26/05/2021

TheLEADERRác điện tử chỉ chiếm 2% trong tổng số lượng chất thải rắn phát sinh nhưng lại chiếm tới 70% lượng rác thải nguy hại không được xử lý đúng cách.

Rào cản trong tái chế rác thải điện tử
Kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội mới trị giá gần 60 tỷ USD. Ảnh: Reuters

Thế giới đang chứng kiến tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của khoa học công nghệ, với những thành tựu mang tính đột phá, đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu của con người.

Công nghệ được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong tiến trình phát triển của kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, công nghệ ngày càng tiến bộ, thời gian nghiên cứu, phát minh ngày càng được rút ngắn lại đang khiến vòng đời của các sản phẩm công nghệ, từ điện thoại di động, máy tính cho tới các thiết bị gia dụng đang trở nên ngắn hơn.

Từ đó, một lượng lớn chất thải công nghệ phát sinh, gây ra áp lực nặng nề tới môi trường. Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Liên minh chất thải điện tử Liên hợp quốc, chất thải điện tử chiếm 2% lượng chất thải rắn, nhưng đóng góp tới 70% chất thải nguy hại được xử lý bằng cách chôn lấp.

Giống như đối với nhiều chuỗi cung ứng khác, mô hình kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận tối ưu để giải quyết vấn nạn rác thải điện tử. Tuy nhiên, theo ông Michael Murphy, Phó Chủ tịch phụ trách tuân thủ vấn đề kỹ thuật và môi trường tập đoàn công nghệ Dell (Dell Technologies), việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với rác thải điện tử đang gặp phải nhiều rào cản.

Đầu tiên phải kể đến là cấu tạo phức tạp. Theo các chuyên gia của WEF, một loại chất thải điện tử có thể chứa tới 60 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, khiến cho việc tái chế trở nên vô cùng nan giải.

Thứ hai, đầu ra cho nguyên vật liệu tái chế. Ngành điện tử khó có thể tạo ra một chu trình khép kín khi yêu cầu rất cao về đầu vào, đồng thời phế thải sau sử dụng cũng rất khó để xử lý. Như vậy, một sự hợp tác mang tính đa ngành là điều tối quan trọng để tái chế rác điện tử.

Thứ ba, chuỗi cung ứng của các sản phẩm điện tử được thiết kế theo hướng tuyến tính và không đơn giản để được tái định hình.

Cuối cùng, người tiêu dùng nhìn chung vẫn duy trì quan điểm sản phẩm tái chế là kém chất lượng hoặc kém bền hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống.

Những bước tiến cần thiết

Kinh tế tuần hoàn đối với ngành điện tử, dù gặp rất nhiều rào cản nhưng đang mở ra cơ hội mới trị giá gần 60 tỷ USD, chủ yếu tính theo lượng giá trị của kim loại sắt, đồng và vàng có thể thu giữ được từ rác thải điện tử.

Điều này thôi thúc Dell cũng như nhiều tập đoàn trên thế giới đang nỗ lực khắc phục các rào cản. Ông Murphy chỉ ra 4 hướng tiếp cận của Dell mà các doanh nghiệp có thể áp dụng để tuần hoàn hóa chuỗi cung ứng điện tử.

Đầu tiên, thay đổi cách thiết kế của các sản phẩm điện tử theo hướng dễ nâng cấp, dễ sửa chữa và dễ tháo rời để tái chế. Thông qua quá trình làm việc với các đơn vị tái chế, Dell đơn giản hóa sản phẩm bằng cách giảm thiểu số lượng ốc ít và chất kết dính được sử dụng.

Thứ hai, thay đổi phương pháp cung cấp ứng sản phẩm. Một phương án đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn là cung ứng dịch vụ cho thuê thiết bị điện tử thay vì bán sản phẩm. Qua đó, tỷ lệ thu hồi lại sản phẩm sau khi sử dụng sẽ được tăng cao.

Thứ ba, sẵn sàng thử nghiệm để tìm ra giải pháp, đặc biệt là đối với mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi rất cao về thay đổi công nghệ, thiết kế kỹ thuật cũng như những đổi mới về quy trình.

Linh kiện, thiết bị điện tử là một trong những sản phẩm được áp dụng công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), công cụ quản lý chất thải rắn mới được đặt ra tại Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ năm 2022.

Cuối cùng, hợp tác chặt chẽ với các đối tác, bao gồm doanh nghiệp sản xuất và phân phối, đơn vị tái chế, Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Thông qua mối quan hệ hợp tác, hệ sinh thái tuần hoàn sẽ được xây dựng, dựa trên sáng kiến và nỗ lực của tất cả các bên liên quan.

Lãnh đạo Dell Technologies khẳng định, mô hình kinh tế tuần hoàn không phải là một đích đến mà là một quá trình. Trong quá trình ấy, mỗi bước tiến của mỗi bên liên quan, đặc biệt là những tập đoàn lớn đều sẽ tạo ra những giá trị quan trọng.