Sản xuất công nghiệp ‘chịu đòn đau’ trong quý III

Hoài Anh - 19:53, 30/09/2021

TheLEADERGiá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III/2021 quay đầu giảm mạnh sau khi tăng cao vào hai quý đầu năm.

Sản xuất công nghiệp quý III/2021 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Tổng cục Thống kê cho biết giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý III/2021 quay đầu giảm 3,5% sau khi tăng khá vào hai quý trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,2%).

Điều này khiến giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng qua chỉ tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành 9 tháng/2021 ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể quý I tăng 5,7%; quý II tăng 12,4% và quý III giảm 4,4%.

Trong đó, khai khoáng là ngành công nghiệp duy nhất ‘đi lùi’ với chỉ số IIP giảm 6,4% do sự sụt giảm của hoạt động khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên dạng khí.

Ba ngành còn lại gồm công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ghi nhận mức tăng lần lượt là 5,5%; 4,3% và 3,6%.

Sản xuất công nghiệp ‘chịu đòn đau’ trong quý III

Kể từ đầu năm tới nay, một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái là sản xuất kim loại; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng; sản xuất xe có động cơ với mức tăng hai chữ số, lần lượt đạt 28,4%; 18,4% và 17%.

Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm như sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc thiết bị.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng đầu năm nay tăng so cao với cùng kỳ năm trước là thép cán, linh kiện điện thoại, ô tô, sắt, thép thô, khí hóa lỏng. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là tivi, khí đốt thiên nhiên dạng khí, thủy hải sản chế biến, thức ăn cho thủy sản.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chỉ số sản xuất 9 tháng qua của một số địa phương giảm mạnh. Dẫn đầu là TP.HCM với mức giảm 12,9% do sản xuất trang phục giảm 26%; dệt giảm 17%; da và các sản phẩm liên quan giảm 16%; chế biến thực phẩm giảm 8%.

Bến Tre đứng thứ 2 khi giảm 11,2% do ngành dệt may giảm sâu 25%; chế biến thực phẩm giảm 18%; sản xuất trang phục giảm 15,3%; sản xuất xe có động cơ giảm 13%. Còn các tỉnh, thành phố khác có chỉ số IIP giảm dưới 10%.

Sản xuất công nghiệp ‘chịu đòn đau’ trong quý III 1

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP 9 tháng/2021 tăng so với cùng kỳ năm trước như Ninh Thuận, Đắc Lắk, Hải Phòng, Quảng Ngãi…

Sản xuất công nghiệp ‘chịu đòn đau’ trong quý III 2

Trong đó, mức tăng cao của Ninh Thuận chủ yếu là do sản xuất chế biến thực phẩm tăng 13,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 58,5%; dệt tăng 6%.

Tại Quảng Ngãi, sản xuất kim loại tăng cao 86%; dệt tăng 45,2% nhờ bổ sung Nhà máy sản xuất sợi và vải Mahang Dung Quất, Xưởng vải Công ty TNHH Xindadong Textiles có cùng thời gian hoàn thành là tháng 8/2021, năng lực thiết kế tương ứng là 4.800 tấn/năm và 70 triệu m2/năm.

Theo nhận định của Bộ Công thương mới đây, tình hình dịch bệnh ở khu vực phía nam diễn biến khó lường, nếu dịch được khống chế trong quý III thì khả năng hồi phục sản xuất vẫn chậm do thiếu lao động, việc tổ chức lại sản xuất sau thời gian gián đoạn sẽ gặp khó khăn. Nếu như các doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng tốc sản xuất thì khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so với năm trước.