Sắp mở toang cánh cửa vào Vân Đồn

Giang Sơn - 12:18, 25/10/2017

TheLEADERCùng với cơ chế đặc khu hành chính – kinh tế đang được Quốc hội xem xét thông qua, dự án cảng hàng không quốc tế sẽ là dự án động lực tạo sức bật cho Đặc khu Vân Đồn.

Vân Đồn và Phú Quốc là những đặc khu có định hướng thu hút đầu tư khá giống nhau, đó là phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao với điểm nhấn là khu nghỉ dưỡng quy mô lớn có tích hợp casino thí điểm cho người Việt vào chơi.

Nhưng cả Vân Đồn và Phú Quốc đều là huyện đảo, giao thông đường bộ và đường thuỷ khó khăn, nên sân bay được ví như “cánh cửa’ để các nhà đầu tư xem xét có nên đổ vốn vào những đặc khu tương lai này hay không.

Kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ và bao gồm nhiều công trình quan trọng như sân bay quốc tế, điện, nước, viễn thông, đường giao thông, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi và đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. 

Đặc biệt, Phú Quốc có lợi thế là đã xây dựng sân bay quốc tế mới với công suất 2,6 triệu lượt khách/năm và hiện đang nâng cấp để nâng công suất lên 5 triệu lượt khách/năm. Sau khi sân bay mới được mở cửa vào năm 2012, du lịch Phú Quốc bùng nổ, đạt tới 2,7 triệu lượt khách trong 9 tháng đầu năm 2017, vượt xa so với kế hoạch đón 2 triệu lượt khách năm nay.

Song song với đó là dòng vốn đầu tư lớn đổ vào đây. Đến nay, Phú Quốc đã cấp phép cho 218 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký lên đến 222.275 tỷ đồng.

Nếu xét cả về phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư thì Vân Đồn đang tụt hậu so với Phú Quốc. Đã có nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài như tỷ phú Sheldon Adelson - Chủ tịch tập đoàn kinh doanh khách sạn và casino Las Vegas Sands (Mỹ), đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Vân Đồn, nhưng ra đi không trở lại vì nhận thấy hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Mặc dù từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng Vân Đồn thành Khu kinh tế với trọng tâm phát triển du lịch biển đảo chất lượng cao, nhưng nhiều năm sau đó không thu hút được nhà đầu tư lớn.

Là huyện đảo nên muốn phát triển mạnh du lịch nghỉ dưỡng và giải trí thì Vân Đồn buộc phải có sân bay, giống như Phú Quốc. Quảng Ninh giải quyết bài toán “con gà và quả trứng”, đó là đầu tư hạ tầng trước để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực khác. Trong đó, sân bay là dự án mấu chốt để mở toang cánh cửa vào Vân Đồn.

Sắp mở toang cánh cửa vào Vân Đồn
Công trường dự án sân bay quốc tế Vân Đồn tháng 10/2017

Nhưng nếu sân bay cũng như các công trình giao thông trọng điểm của Phú Quốc được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, thì ở Vân Đồn, sân bay được xây dựng bằng nguồn vốn tư nhân. Sun Group – tập đoàn hiện đang đầu tư nhiều dự án khu nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn tại Phú Quốc – đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Vân Đồn khi thực hiện hai dự án trọng điểm là sân bay quốc tế Vân Đồn và khu phức hợp nghỉ dưỡng chất lượng cao.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.500 tỷ đồng với tổng diện tích là 288ha, gồm các hạng mục là đường băng, nhà ga, bãi đỗ xe. Trong đó, có 2 hạng mục chính là cấp sân bay và nhà ga hành khách.

Nhà ga hành khách được thiết kế 2 tầng, 2 cao trình, công suất thiết kế nhà ga đáp ứng lưu lượng 5 triệu hành khách/năm. Cách thiết kế này vừa đáp ứng được yêu cầu khai thác trước mắt và có thể mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác trong tương lai.

Tính đến thời điểm này, khu bay gồm đường cất hạ cánh và sân đỗ đã hoàn thành khoảng trên 90%. Nguồn tin từ Sun Group cho biết, sân bay dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm tới.

Theo Ban soạn thảo Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt, Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á.

Trong bán kính bay 4 – 5 giờ sẽ cho phép Vân Đồn tiếp cận thị trường với 3,5 tỷ người, trong đó 17% là từ các nước ASEAN, tương đương với GDP là 22 tỷ USD.

Cùng với đó, các dự án hạ tầng đường bộ kết nối với Vân Đồn cũng đang được triển khai. Trong đó, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và cầu Bạch Đằng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, rút ngắn khoảng một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn hơn 2 tiếng.

Trong bán kính lái xe từ 4 – 5 giờ, Vân Đồn tiếp cận một thị trường 23 triệu người, trong đó 23% là từ Trung Quốc và 77% còn lại đến từ Việt Nam, tương ứng với GDP 62 tỷ USD.

Những thay đổi về hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như những cơ chế đặc biệt dự kiến áp dụng cho Vân Đồn khi Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua đã tạo sức hút đối với các nhà đầu tư vào Vân Đồn.

Những dự án lớn đều tập trung vào lĩnh vực du lịch và giải trí nhằm tận dụng lợi thế vị trí của Vân Đồn gần Vịnh Hạ Long và bản thân Vân Đồn hiện đang là huyện đảo với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với vườn quốc gia Bái Tử Long.

Bên cạnh dự án sân bay, Sun Group đang đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino trên diện tích 2.500 ha, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD được triển khai từ quý III/2017 đến quý I/2022. Dự án là một tổ hợp khu dân cư, trung tâm hội nghị, kinh doanh khách sạn, casino, sân golf, trường đua ngựa... sẽ được xây dựng tại khu vực đảo Cái Bầu và đảo Trà Ngọ.

CEO Group, một tập đoàn cũng đang đầu tư nhiều dự án lớn ở Phú Quốc cũng không bỏ qua Vân Đồn. CEO Group đã mua lại một dự án du lịch nghỉ dưỡng rộng 94ha và dự kiến sẽ đầu tư 5.000 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp khách sạn 5.000 phòng, công viên nước, trung tâm mua sắm, bến tàu, bãi biển công cộng.

Các nhà đầu tư khác như FLC Group, HD Mon Holdings cũng đang xúc tiến đầu tư các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị và sân golf.