Sếp Indochina Capital chỉ ra 'miền đất hứa' cho đầu tư bất động sản du lịch

Khánh Chi - 09:55, 09/12/2019

TheLEADERÔng Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital cho rằng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng đột biến từ các nhà phát triển dự án trong nước khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại rót vốn vào lĩnh vực du lịch và khách sạn ở Việt Nam.

Mặc dù lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh nhưng theo ông vì sao có ít dự án du lịch nước ngoài được cấp phép trong những năm gần đây?

Vốn ngoại dè dặt với lĩnh vực du lịch - khách sạn
Ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital

Ông Michael Piro: Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam ghi nhận 16,74 tỷ USD vốn FDI. Khoảng 1.363 dự án mới đã được cấp phép với tổng số vốn đăng ký đạt 6,46 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1-5/2019, tăng 38,7% so với năm trước

Trong số 19 lĩnh vực tiếp nhận vốn, bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn thứ hai đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng ghi nhận hơn 14 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Tất cả những số liệu này cho thấy tiềm năng cho lĩnh vực kinh doanh khách sạn của Việt Nam.

Tốc độ gia tăng chậm trong các dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép trong lĩnh vực du lịch có thể xuất phát từ sự tăng trưởng đột biến của các nhà đầu tư trong nước ở phân khúc này.

Đây không phải là tín hiệu xấu bởi Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, và vẫn còn nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp thông qua quan hệ đối tác trên cơ sở thành lập dự án hoặc liên doanh dài hạn.

Theo ông, đâu là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch trong những năm tới?

Ông Michael Piro: Ngành du lịch tại Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng ổn định, và vẫn còn tiềm năng phát triển hơn nữa nhờ các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, sự bùng nổ của các hãng hàng không giá rẻ (như Vietjet).

Tôi đã tham gia với tư cách là diễn giả tại Hội nghị Đầu tư khách sạn, nghỉ dưỡng châu Á - Thái Bình Dương (HICAP) lần thứ 30, ở đó nhiều nhà đầu tư nước nước ngoài đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.

Để thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, chúng tôi khuyến khích các nhà phát triển địa phương nghiên cứu sản phẩm và các xu hướng mới trên thị trường và tìm kiếm các nhà tư vấn để hiểu đầy đủ những khái niệm mới và làm thế nào để thực thi và vận hành các sản phẩm này tại Việt Nam.

Với tư cách là một nhà phát triển bất động sản, Indochina Capital hiểu được mối quan tâm thực tế của nhà phát triển địa phương, khả năng mang lại thông lệ quốc tế và sự kết nối tốt nhất cho các đối tác toàn cầu

Chúng tôi có một cái nhìn rất tích cực đối với sự phát triển của ngành bất động sản du lịch và khách sạn tại Việt Nam trong những năm tới, và chắc chắn rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm nổi bật trên bản đồ du lịch quốc tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài có quan tâm đến việc xây dựng hoặc mua lại các dự án condotel - căn hộ khách sạn tại Việt Nam hay không, thưa ông?

Ông Michael Piro: Nhiều dự án condotel có nguồn cung lớn đã được tung ra nhưng đây vẫn là một sản phẩm bất động sản tương đối mới ở Việt Nam. Vẫn chưa có khung pháo lý để điều chỉnh loại hình bất động sản lai như condotel hoặc officetel.

Ở Mỹ hoặc Bắc Mỹ, những sản phẩm này trở nên rất phổ biến, xuất hiện ở những điểm đến hấp dẫn như bãi biển Miami, Las Vegas hay vùng biển Caribbean.

Có sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài đối với sản phẩm condotel, tuy nhiên, cho đến khi khung pháp lý được thiết lập rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó xây dựng hoặc mua lại các dự án condotel tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có uy tín tiếp tục gặt hái thành công trong các phân khúc khác của ngành bất động sản, cho thấy họ không thấy cần thiết phải đầu tư vào condotel.

MIỀN ĐẤT HỨA: VÂN ĐỒN, QUY NHƠN, TUY HOÀ VÀ BÀ RỊA-VŨNG TÀU

Cũng có rất nhiều người tin tưởng Phú Quốc sẽ trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng giống như tin rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu. Nhưng thực tế cho thấy có rất ít nhà đầu tư nước ngoài có mặt ở Phú Quốc, vì sao vậy?

Ông Michael Piro: Phú Quốc được định hướng trở thành một khu kinh tế đặc biệt và đang triển khai các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư và doanh nghiệp song song với phát triển cơ sở hạ tầng.

Tính đến tháng 7/2019, hòn đảo đã thu hút 31 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 293 triệu USD, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài nhận thức rất rõ về tiềm năng phát triển của Phú Quốc. 

Các liên doanh và các doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư hoặc tìm cách đầu tư vào Phú Quốc không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn cả bất động sản thương mại. Cam kết của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội hòn đảo này cũng đã thúc đẩy tiềm năng cho đầu tư nước ngoài.

Tất cả các nhà phát triển phải nhìn xa hơn vào các chiến lược phát triển bền vững ở Phú Quốc vì hiện tại chúng tôi nhận thấy một số bãi biển đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó.
Ông Michael Piro
Giám đốc điều hành Indochina Capital

Tuy nhiên, theo tôi, tất cả các nhà phát triển phải nhìn xa hơn vào các chiến lược phát triển bền vững ở Phú Quốc vì hiện tại chúng tôi nhận thấy một số bãi biển đã mất đi vẻ đẹp tự nhiên của nó.

Đây có thể là một lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài dường như không muốn đầu tư vào Phú Quốc nếu các giải pháp và chiến lược xây dựng bền vững hơn chưa được thực hiện để đảm bảo vấn đề về môi trường.

Ông đã từng nói rằng tỉnh Ninh Thuận sẽ thu hút các nhà điều hành khách sạn quốc tế mới. Ông có nghĩ rằng Ninh Thuận sẽ có thể trở thành một địa điểm du lịch và điều gì đang thu hút các nhà điều hành khách sạn ở đó? Những thách thức trong việc phát triển khách sạn và condotel tại Ninh Thuận là gì, thưa ông?

Ông Michael Piro: Ngoài sở hữu số lượng bãi biển đẹp nhất cả nước, Ninh Thuận được biết đến với các di tích Champa, làng nghề truyền thống và năm 2018 đã đón 2,19 triệu lượt khách, tăng 15,2% so với năm trước.

Quy hoạch triển kinh tế xã hội đến năm 2030 của Ninh Thuận nhấn mạnh du lịch, bất động sản và năng lượng sạch là những lĩnh vực phát triển chính. Tỉnh hiện đang có 61 dự án du lịch với tổng số vốn đăng ký gần 20 nghìn tỷ đồng.

Ninh Thuận có rất nhiều tiềm năng để trở thành một điểm đến du lịch nhưng vẫn có những yếu tố kìm hãm việc các nhà đầu tư nước ngoài bước chân vào đây.

Ví dụ, đối với các nhà điều hành khách sạn, nguồn cung ở mức thấp của các bất động sản 4-5 sao đang cản trở lối vào của các nhà đầu tư ngoại, vì họ nghĩ rằng thị trường vẫn còn kém phát triển và do đó có rủi ro.

Để thu hút nhiều nhà phát triển hơn nữa, Ninh Thuận nên phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối với các điểm đến có bờ biển nổi tiếng khác gần đó như Nha Trang và Mũi Né. Điều này có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển tương tự như khu vực Đà Nẵng - Hội An - Huế và Ninh Thuận sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển và sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Nha Trang.

Trước đây ông đã từng nói về tỉnh Quảng Bình như một điểm đến đầu tư khả thi nhưng gần đây ông lại cho rằng bây giờ không phải thời điểm thích hợp để đầu tư vào Quảng Bình. Tại sao ông lại thay đổi quan điểm?

Ông Michael Piro: Quảng Bình có đường bờ biển dài thứ hai ở khu vực miền Trung với hơn 300 hang động và cảnh quan độc đáo và đã trải qua một thời tăng trưởng nhảy vọt về du lịch khi bộ phim bom tấn King Kong đã giới thiệu Quảng Bình ra thế giới.

Các nhà phát triển địa phương lớn đã đầu tư vào Quảng Bình như FLC và Sun Group với các dự án nghỉ dưỡng và Vingroup với dự án khách sạn và bán lẻ. Các nhà quản lý khách sạn quốc tế như Pullman, Movenpick, Best Western Premier cũng đã tham gia thị trường tại Quảng Bình.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Quảng Bình đã đón 2,45 triệu khách du lịch trong đó có hơn 133.000 khách nước ngoài, tăng lần lượt 20% và 31% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh cũng đã đầu tư vào các chương trình xúc tiến du lịch mang lại kết quả tốt.

Quảng Bình cũng đang trở thành một điểm trên bản đồ cho các dự án năng lượng tái tạo.

Nhưng với cảnh quan độc đáo, Quảng Bình cần một quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững toàn vùng, để phát triển bất động sản khách sạn tiêu chuẩn quốc tế, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, tổ hợp năng lượng tái tạo trong khi bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Các nhà đầu tư quan tâm đến Quảng Bình nên thực hiện các bước đi thận trọng để đảm bảo các dự án của họ không chỉ có khả năng tài chính mà còn được lên kế hoạch cẩn thận để đảm bảo sự phát triển bền vững và duy trì vẻ đẹp tự nhiên của nó.

Theo quan điểm của ông, khu vực nào ở Việt Nam là tốt nhất để phát triển khách sạn và khu nghỉ dưỡng?

Việt Nam đón 12,8 triệu khách du lịch quốc tế trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 11% so với cùng kỳ và 66 triệu khách du lịch nội địa, tăng 6% so với cùng kỳ, cho thấy thị trường du lịch vẫn tăng trưởng với tốc độ ấn tượng.

Trong phân khúc khách sạn 3-5 sao, dù chỉ có 10-15% là khách sạn có thương hiệu, đây vẫn là cơ hội đáng kể để phát triển các khách sạn có thương hiệu, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM và các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc.

Đối với các khu nghỉ dưỡng phức hợp, giao thông được cải thiện đã mở ra các điểm đến ven biển mới.

Vân Đồn: Với sự khác biệt về khu kinh tế kinh tế đặc biệt, một sân bay mới đang hoạt động và cơ sở hạ tầng tốt kết nối với Hạ Long và Hà Nội, Vân Đồn đang thu hút rất nhiều đầu tư và các nhà phát triển địa phương lớn đã lên kế hoạch cho các dự án tích hợp lớn trên đảo.

Quy Nhơn - Bình Định, Tuy Hòa - Phú Yên: Doanh thu du lịch Quy Nhơn tăng 54,7% trong năm 2018 so với năm 2017. Đối với Tuy Hòa, doanh thu từ du lịch ở Phú Yên tăng 25% trong năm 2018. Cả Quy Nhơn và Tuy Hòa đều được kết nối với các thành phố lớn bằng đường hàng không và sẵn sàng cho các chuyến bay quốc tế.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Kết nối tốt với TP. HCM và có hai sân bay đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Thành phố đã có kế hoạch biến du lịch thành một ngành trọng điểm với 155 dự án đầu tư du lịch bao gồm cả đầu tư trong và ngoài nước.

Nhìn chung, khách sạn ven biển Việt Nam có triển vọng phát triển rất tích cực vì nhu cầu mua các dự án rất cao, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Hồng Kông.