Sếp Vinhomes: Chủ đầu tư có trách nhiệm đi đến tận cùng với khách hàng

Thu Phương - 15:14, 24/06/2019

TheLEADERPhó Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes Trần Thị Mỹ Lộc cho rằng, dù cam kết lợi nhuận hay không, chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng không thể rũ bỏ trách nhiệm mà phải gắn bó với khách hàng như mối quan hệ vợ chồng lâu dài.

Sếp Vinhomes: Chủ đầu tư có trách nhiệm đi đến tận cùng với khách hàng
Bà Trần Thị Mỹ Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes.

Sau một thời gian bùng nổ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng dường như chững lại. Bà nhìn nhận thế nào về triển vọng của thị trường này trong thời gian tới?

Bà Trần Thị Mỹ Lộc: Tuy lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng ngành du lịch của Việt Nam chỉ mới chỉ đang ở giai đoạn sơ khai, còn rất nhiều dư địa tăng trưởng. Số lượng các khu nghỉ dưỡng cao cấp tích hợp các dịch vụ vui chơi giải trí lớn chưa đủ để đáp ứng và phục vụ lượng du khách khổng lồ, nhất là vào những dịp lễ tết.

Sự tăng nhanh của khách du lịch chính là đòn bẩy giúp thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát trển. Trong những năm tới, với tốc độ tăng trưởng du lịch tại Việt Nam có thể đạt trung bình 30%/năm và cùng với sự chi tiêu vượt trội của tiêu dùng, tôi tin rằng, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ còn bùng nổ hơn nữa.

Thực tế cũng cho thấy, thị trường bất động sản ven biển của Việt Nam đang “nóng” lên từng ngày. Bất động sản nghỉ dưỡng đang trở thành thị trường mở, đầy tiềm năng cho các tập đoàn bất động sản trong và ngoài nước. 

Đối với các nhà đầu tư, đây là thời điểm vàng để sở hữu ngôi nhà thứ hai với giá chỉ bằng 1/3 so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, để bất động sản nghỉ dưỡng thực sự tăng trưởng bền vững, cần sự chung tay của nhà nước và các chủ đầu tư để thị trường phát triển một cách lành mạnh.

Bên cạnh nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng thành công cũng đã xuất hiện một số dự án đánh mất niềm tin từ phía nhà đầu tư do không thực hiện được cam kết lợi nhuận, dự án vận hành không hiệu quả. Thực tế này sẽ dẫn thị trường về đâu?

Bà Trần Thị Mỹ Lộc: Với tư cách là một người trong cuộc và thực sự đam mê với bất động sản nghỉ dưỡng, đây cũng là điều mà tôi đang hết sức trăn trở. 

Vingroup hiện đang chiếm 47% thị phần trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nhưng rõ ràng, chỉ một mình Vingroup không thể xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh. Bất động sản nghỉ dưỡng cần những chủ đầu tư có năng lực, thực sự tâm huyết và quyết tâm làm đến cùng. Khi tất cả các chủ đầu tư cùng tham gia, cùng có tiếng nói chung, khi đó mới đủ sức mạnh để xây dựng một thị trường bền vững, phát triển.

Trong năm năm vừa qua, bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến sự phát triển ồ ạt, song không ít chủ đầu tư đã chịu thất bại trong lĩnh vực này. Nguyên nhân phần lớn là do họ chưa nhìn kỹ, chưa thấu rõ tất cả những điều phải làm trong từng bước một để đưa dự án đến thành công.

Các chủ đầu tư dường như mới chỉ đang nhìn vào bề ngoài, "mặt nổi" của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng là xây dựng, chứ chưa nhìn vào vấn đề cốt lõi là vận hành, kinh doanh để dự án hoạt động, sinh lời hiệu quả.

Đâu đó hiện nay, mọi người vẫn quan niệm một dự án bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản nhà ở na ná như nhau. Chủ đầu tư có thể huy động một số tiền nào đó thì họ xây dựng dự án và gọi nó là bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác biệt.

Hàng loạt những câu hỏi sau khi xây dựng một dự án nghỉ dưỡng được đặt ra như chủ đầu tư sẽ thực hiện cam kết lợi nhuận với khách hàng như thế nào? Làm sao để dự án thu hút khách du lịch? Nếu không trả lời được những câu hỏi này, dự án sẽ khó có thể thành công. 

Trong khi đó, để trả lời được lại không hề đơn giản. Việc cần thiết đối với các chủ đầu tư không phải chỉ là lời nói, là cam kết với khách hàng mà còn phải là những hành động thực sự quyết liệt.

Vậy theo bà, chủ đầu tư phải làm thế nào để vận hành một dự án bất động sản nghỉ dưỡng thành công?

Bà Trần Thị Mỹ Lộc: Thời gian vừa qua, bất động sản nghỉ dưỡng đã nổi lên là xu hướng thu hút các nhà đầu tư. Đây được xem là kênh đầu tư an nhàn, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, kênh đầu tư này chỉ "hiệu quả" khi nhà đầu tư chọn được đúng chủ đầu tư để "chọn mặt gửi vàng".

Bất động sản nghỉ dưỡng không giống một dự án nhà ở. Với các dự án nhà ở, chủ đầu tư chỉ cần hoàn thiện dự án và đưa vào sử dụng, bàn giao cho khách hàng. Song đối với một bất động sản nghỉ dưỡng, xây dựng xong công trình chỉ là bước đầu của quá trình đầu tư. Bước thứ hai quan trọng hơn nhiều là chủ đầu tư đưa công trình đi vào khai thác, vận hành và kinh doanh lâu dài. 

Điều này yêu cầu chủ đầu tư phải có khả năng vận hành “tự thân”. Nếu chủ đầu tư có khả năng vận hành, tự chủ được kinh doanh và tạo được lượng khách hàng  ổn định thì lợi nhuận cho các nhà đầu tư là không khó. Nhưng nếu chủ đầu tư chỉ thực hiện dự án mà không lường hết được khả năng tự vận hành kinh doanh thì sẽ gặp rủi ro trong thuê công ty vận hành. 

Mặt khác, nhiều trường hợp chủ đầu tư không đảm bảo được hệ thống các tiện ích đi kèm của dự án, không thu hút được khách du lịch cũng như nâng cao được lượng chi tiêu và sự quay trở lại của du khách. Một dự án như vậy cũng không đảm bảo được lượng khách du lịch ổn định, không mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư.

Lấy ví dụ như Vingroup, thực tế có thể thấy, những khu nghỉ dưỡng Vinpearl mở ra ở đâu thì khách đến đó. Bên cạnh một phần "hữu xạ tự nhiên hương" của dự án do điểm đến đẹp, cảnh sắc tự nhiên quá ấn tượng thì sâu xa đằng sau, Vingroup đã không ngừng đầu tư cho chất lượng và tiện ích dịch vụ.

Đồng thời, Vingroup cũng đã phát triển mảng du lịch lữ hành chuyên nghiệp để đảm bảo nguồn khách phù hợp, phủ kín các đêm phòng. Gần đây, Vinpearl có Vinpearl Travel, công ty này ký kết hợp tác với các đối tác chiến lược toàn cầu và chủ động khai thác như một công ty lữ hành, du lịch, đảm bảo dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. 

Vingroup luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư mua các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng và tạo lợi nhuận ổn định cho họ.

Thời gian gần đây, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng xuất hiện một số dự án không cam kết lợi nhuận với khách hàng. Bà nhận định như thế nào về xu hướng này?

Bà Trần Thị Mỹ Lộc: Việc các dự án bất động sản nghỉ dưỡng không cam kết lợi nhuận có thể chia thành hai nhóm. Một là các dự án không thể cam kết lợi nhuận và hai là các chủ đầu tư tự tin với chất lượng dịch vụ, cơ sở hạ tầng giao thông và tiện ích của dự án sẽ giúp khách hàng có thể tự kinh doanh hiệu quả mà không cần tới cam kết lợi nhuận.

Với nhóm thứ hai, tôi cho rằng, đây là xu hướng rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, dù dự án có cam kết hay không cam kết cũng không thể rũ bỏ được trách nhiệm của chủ đầu tư với dự án của mình để cho khách hàng muốn vận hành kiểu gì thì vận hành. Đó không phải bản chất của bất động sản nghỉ dưỡng.

Khi tham gia thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, chủ đầu tư phải đi tận cùng với khách hàng trong suốt một chặng đường dài. Dù dự án không cam kết lợi nhuận thì chủ đầu tư cũng phải vận hành khai thác chỉn chu để những nhà đầu tư cá nhân có thể dựa trên nền tảng chung của dự án để tự kinh doanh, khai thác hiệu quả.

Mối quan hệ giữa chủ đầu tư và khách hàng trong bất động sản nghỉ dưỡng phải là mối quan hệ như vợ chồng, gắn kết mật thiết, vì lợi ích của nhau. Có như vậy, dự án mới có thể thành công và có được niềm tin của khách hàng trên thị trường.

Xin cảm ơn bà!