Startup du lịch xoay sở thế nào trong đại dịch?

Việt Hưng - 15:15, 29/09/2020

TheLEADERKhi khủng hoảng xảy ra, startup du lịch buộc phải tìm con đường mới, mô hình mới. Không thể phục vụ theo cách cũ mà cần tạo ra giá trị mới cho xã hội

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hình thành từ năm 2016 và phát triển mạnh mẽ trong 3 năm gần đây. Trong đó lĩnh vực du lịch đã xuất hiện nhiều startup du lịch như Luxstay, VnTrip, Liberzy, Triphunter, Triip.me…

Tuy nhiên, trong bối cảnh chung ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các startup du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Sông Hàn Icubator nhận định trong tình hình hiện nay nếu các startup cứ ngồi chờ hỗ trợ thì rất khó, vì bản thân nhà đầu tư đang ở thời kỳ bảo tồn nguồn tiền.

"Khi khủng hoảng xảy ra thì startup phải làm lại, tìm con đường mới, mô hình mới. Nó đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp thay đổi tư duy mà cả điểm đến là địa phương, quốc gia thay đổi tư duy. Không thể phục vụ theo cách cũ mà cần tạo ra giá trị mới cho xã hội", ông Quân nhận định.

Bà Võ Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM khẳng định dịch Covid-19 đã tác động thay đổi hành vi tiêu dùng của du khách, hướng đến du lịch thông minh.

Từ năm 2017, thống kê của Economy Planet cho thấy 67% du khách thế giới đang chọn hình thức solo traveler - du lịch độc hành, tức là không cần thông qua đơn vị lữ hành mà thông qua những ứng dụng công nghệ để tự lên kế hoạch du lịch tới điểm đến yêu thích.

Khẳng định đây là xu hướng tất yếu và bà Thúy cho rằng các doanh nghiệp lữ hành nói riêng và doanh nghiệp du lịch nói chung cần nắm bắt và xác định đây là cơ hội.

Startup du lịch xoay sở thế nào trong đại dịch?
Startup du lịch xoay sở thế nào trong đại dịch?

Trong bối cảnh hậu Covid-19, Chính phủ, các địa phương và bản thân các đơn vị lữ hành, du lịch xác định ngành du lịch tập trung vào du lịch nội địa với rất nhiều chương trình kích cầu ưu đãi. Bên cạnh đó, các startup du lịch cũng ứng dụng công nghệ vào quảng bá thương hiệu và giá trị điểm đến. 

Triip.me - một startup du lịch tại Việt Nam đã gọi vốn được tổng cộng 835.000 USD từ Quỹ đầu tư mạo hiểm Gobi Partner và một quỹ đầu tư Bồ Đào Nha, đã liên tục xoay sở để có thể tồn tại, thông qua hợp tác chiến lược với GlobalTix và Tour Operators United.

Đích đến của hợp tác này là tạo ra nền tảng quản lý tour du lịch kỹ thuật số và mạng lưới du lịch được cung cấp bởi Triip.me, GlobalTix và Tour Operators United - nhằm thiết lập một nền kinh tế du lịch công bằng hơn phục vụ các chủ doanh nghiệp du lịch với tỷ lệ hoa hồng thấp hơn OTA hiện có.

Với người dùng hay khách hàng, với sự kết nối trực tiếp với các đại lý và nhà điều hành ở những địa điểm họ sẽ đến, bạn sẽ loại bỏ được người trung gian và phí người trung gian. Điều này sẽ làm cho các giá dịch vụ du lịch hợp lý hơn.

Nhà đồng sáng lập và CEO Triip.me - Hải Hồ cho rằng, công nghệ của Triip.me sẽ giúp startup mở rộng thị phần ở các nước phát triển. Nhờ mô hình kinh doanh khác biệt, Triip.me đã chứng minh được các mô hình hiện tại trong ngành du lịch có nhiều điểm yếu, đặc biệt là chi phí thu về từ khách hàng là quá lớn.

"Sau Covid-19, chúng ta sẽ cần một thị trường phi tập trung và hệ thống quản lý du lịch toàn cầu cho hàng nghìn nhà điều hành tour kết nối trực tiếp với đại lý du lịch và khách du lịch. Đây là cơ hội cho Triip.me, bởi ngành du lịch phải tiến lên theo hướng bền vững hơn cho cả khách du lịch và nhà cung cấp", CEO Triip.me nói.

Hiện Triip.me đang tăng tốc giúp triển khai các giải pháp số hoá cho các công ty tour và các điểm tham quan lớn tại Việt Nam. Việc ra mắt bộ giải pháp nói trên cũng nằm trong chiến lược hỗ trợ số hóa ngành du lịch toàn cầu của startup này.