Tại sao lại giới hạn du khách chỉ trong 15 ngày trong khi họ có thể ở 3 hoặc 4 tuần?

Kiều Mai - 11:51, 23/03/2019

TheLEADERĐó là câu hỏi của Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham, ông Martin Koerner, đặt ra với chính sách thị thực của Việt Nam.

Tại sao lại giới hạn du khách chỉ trong 15 ngày trong khi họ có thể ở 3 hoặc 4 tuần?
Việc miễn thị thực chỉ trong 15 ngày đang khiến du lịch Việt Nam bất lợi so với các quốc gia trong khu vực. Ảnh: baodulich.net.vn

Nhiều năm gần đây, du lịch Việt Nam luôn tăng trưởng với tốc độ cao. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018 ước đạt gần 15,5 triệu lượt, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có tới quá nửa trong số đó đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo báo cáo của Hội đồng Tư vấn Du lịch lên Thủ tướng Chính phủ trong Cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 7/2017, du khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc thường lưu trú trung bình 7 – 9 ngày với mức chi tiêu 500 – 950 USD.

Trong khi đó, khách du lịch châu Âu thường lưu trú 14 – 16 ngày với mức chi tiêu 1.200 – 1.600 USD, cho thấy sự đóng góp không hề thua kém các thị trường trọng điểm của Việt Nam.

Thực trạng này đặt ra bài toán về gia tăng thu hút khách từ những thị trường lớn và có mức chi tiêu cao như châu Âu.

Đầu tháng 5/2018, Việt Nam tiếp tục miễn thị thực (visa) cho 5 nước châu Âu, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha với hiệu lực chính sách kéo dài 3 năm, gia hạn mỗi năm một lần.

Việc tạo điều kiện để du khách châu Âu nhập cảnh dễ dàng hơn đã mang lại những lợi ích rõ ràng cho Việt Nam khi lượng khách từ 5 quốc gia này đã tăng mạnh trong năm 2018. Số du khách từ Tây Ban Nha, Đức, Ý, Vương quốc Anh và Pháp lần lượt tăng 10,8%, 7,1%, 13%, 5,1% và 9,5%, theo số liệu của Tổng cục Du lịch.

Tuy nhiên, thị trường châu Âu với 500 triệu dân không chỉ dừng lại ở con số 5 quốc gia.

Chia sẻ với TheLEADER bên lề lễ công bố Sách trắng 2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham), đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn Martin Koerner cho rằng, Việt Nam nên mở rộng chính sách miễn visa cho tất cả quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

EuroCham trong Sách trắng cũng khuyến nghị mở rộng danh mục các quốc gia được miễn thị thực, bao gồm tất cả quốc gia Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do, các nước thành viên EU, các đối tác thương mại hoặc đầu tư quan trọng cũng như những thị trường mục tiêu của du lịch trong nước.

Thị thực: Nút thắt ngăn dòng khách du lịch châu Âu ‘chảy mạnh’
Ông Martin Koerner, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham

Bên cạnh đó, ông Martin Koerner cho rằng Việt Nam nên kéo dài thời gian miễn thị thực bởi vị trí địa lý của EU xa Việt Nam và “nếu một người du lịch tới Việt Nam, họ sẽ muốn ở lại dài hơn 2 tuần”.

“Việt Nam là một đất nước trải dài từ Sapa, Hà Nội tới Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Phiết, đồng bằng sông Cửu Long… Đây là một địa điểm lớn và việc du khách châu Âu được cho đủ thời gian để tham quan đất nước này là điều rất quan trọng”.

“Tại sao lại giới hạn du khách chỉ trong hai tuần trong khi họ có thể ở 3 hoặc 4 tuần, mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Martin Koerner nhấn mạnh.

Trong cuộc cạnh tranh tại khu vực Đông Nam Á, việc giới hạn trong vòng 15 ngày là một bất lợi cho Việt Nam khi các quốc gia khác miễn thị thực cho du khách châu Âu lên tới 30 ngày, thậm chí 90 ngày như Singapore.

“Nếu một người muốn du lịch Đông Nam Á, họ thậm chí không cần nghĩ đến Việt Nam. Họ sẽ đến các đại lý du lịch và sẽ được đề nghị một số địa điểm như Bali, Thái Lan, Singapore vì du khách được miễn thị thực 30, 60 và thậm chí là 90 ngày”.

Ông Martin Koerner khẳng định: “Thị trường du lịch châu Âu có rất nhiều cơ hội và nếu Việt Nam mong muốn trở thành địa điểm nổi bật tại khu vực Đông Nam Á, việc có khuôn khổ giống như các quốc gia khác rất quan trọng”.

Ngoài phạm vi quốc gia áp dụng và thời gian miễn thị thực, chính sách liên quan đến việc quay trở lại Việt Nam đối với du khách được miễn thị thực được đánh giá vẫn tạo ra rào cản.

Theo quy định của Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH2013, người nước ngoài thuộc các quốc gia được phép miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam thì phải sau ít nhất 30 ngày mới có thể nhập cảnh trở lại. Nếu muốn nhập cảnh trong vòng 30 ngày, người nước ngoài phải trả mức phí 5 USD.

EuroCham trong Sách trắng 2019 nhận định đây là một trở ngại lớn đối với những du khách bay đến, bay về từ Việt Nam nhưng trong quá trình, muốn đến thăm các nước láng giềng.

Chia sẻ cùng quan điểm, vị đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn cho rằng chính sách trên không thực tế, ảnh hưởng đến kinh doanh của những tour đi nhiều quốc gia, từ đó làm mất cơ hội kinh doanh du lịch của Việt Nam.

Không chỉ vậy, ông Martin Koerner cũng cho rằng quy trình thị thực của Việt Nam còn nhiều vấn đề dù visa điện tử (e-visa) đã được thực hiện.

“Một cách thành thật, những người khoảng 50 hoặc 55 tuổi tại Đức sẽ không lên mạng, đăng kí visa trực tuyến. Họ luôn thích những địa điểm có thể đến một cách dễ dàng. Ví dụ một người Đức phải có visa để đến Nga hay Trung Quốc, họ sẽ không tới hai nước này mà lựa chọn các nước được miễn visa. Đơn giản là họ cảm thấy phiền với quy trình visa”, ông giải thích.

Ngoài visa, kết nối hàng không giữa Việt Nam với châu Âu còn yếu, khiến du khách từ thị trường này chưa đổ về nhiều.

Với những thị trường gần như Trung Quốc, Hàn Quốc, các chuyến bay trực tiếp đến các thành phố của Việt Nam rất nhiều, tạo ra kết nối tốt. Trong khi đó, các sân bay của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc, Cam Ranh chưa có nhiều chuyến bay quốc tế, khiến du khách từ châu Âu mất nhiều thời gian di chuyển, giảm sức hấp dẫn của điểm đến.

“Việt Nam sở hữu thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa tuyệt vời, khách sạn, dịch vụ tốt, là điểm đến tuyệt vời cho kỳ nghỉ. Tuy nhiên sự kết nối và quy định về thị thực đang khiến Việt Nam chưa thể tận dụng được hết tiềm năng”, Martin Koerner nhấn mạnh.