Tăng cường bảo mật thời thanh toán không tiền mặt

Việt Hưng - 13:55, 15/06/2024

TheLEADERThanh toán không tiền mặt ngày một phát triển cũng đi kèm với sự xuất hiện càng nhiều những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền, ăn theo những tiện ích tài chính.

Thanh toán không tiền mặt đang bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong bốn tháng đầu năm 2024, giao dịch không tiền mặt tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển này là xuất hiện ngày một nhiều những chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền tinh vi, ăn theo những tiện ích không tiền mặt. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, thành phố cũng đang gặp một số khó khăn, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Để khắc phục thực trạng này, lãnh đạo TP. HCM đề cập một số nhóm giải pháp. Đầu tiên là việc bổ sung và hoàn thiện các hành lang pháp lý để đảm bảo an toàn cho người dân khi giao dịch không tiền mặt.

Bên cạnh đó là đầu tư phát triển hạ tầng, giải pháp thanh toán hiện đại, bảo mật. Đồng thời, TP. HCM sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tới người dân.

Mặt trái của thanh toán không tiền mặt
Giao dịch không tiền mặt tăng 57,11% về số lượng - Ảnh: HP

Về phía Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng ghi nhận những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân.

Để tăng cường bảo mật, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng trở lên, hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng.

Đặc biệt, việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ căn cước công dân.

Bên cạnh đó, khi khách hàng lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng, hoặc trên thiết bị mới đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học.

Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện MoMo cho biết, đã ra mắt dự án "cùng học an toàn bảo mật với MoMo" từ cuối tháng 5/2024 với mục đích trang bị và cung cấp kiến thức về an toàn bảo mật một cách trực quan, dễ hiểu cho người dùng.

Đây là nỗ lực đổi mới, sáng tạo của MoMo trong cách tăng cường nhận thức cho người dùng, bên cạnh việc luôn đặt an toàn bảo mật làm trọng tâm khi chủ động phòng vệ nhiều lớp xuyên suốt quá trình thanh toán không tiền mặt.

Dự án được MoMo hợp tác với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), bao gồm chuỗi các video ngắn xoay quanh các nội dung hướng dẫn quản lý mật khẩu, OTP, cảnh giác trước các đường dẫn lạ, tầm quan trọng của xác thực sinh trắc học...

Điểm đặc biệt của dự án chính là việc MoMo phát sóng, cung cấp rộng rãi những kiến thức này đến với nhiều người dùng.

"MoMo mong muốn góp sức vào các hoạt động nâng cao nhận thức an toàn bảo mật cho người Việt, thay vì chỉ truyền thông các sản phẩm, tính năng và dịch vụ mới. Trong đó nâng cao nhận thức về an toàn bảo mật khi sử dụng các dịch vụ tài chính, thanh toán là một trọng tâm", ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo khẳng định.