Tết Việt: Di sản văn hóa

Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt Tours - 10:00, 23/01/2020

TheLEADERCần phải có những nghiên cứu khoa học, khẳng định những giá trị văn hóa vĩnh cửu của Tết Việt, làm cơ sở trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Tết Việt: Di sản văn hóa
Tết, thứ gì cũng nhiều, nhất là hoa và bánh, trái.

Trên thế giới, nước nào cũng có Tết. Có Tết quốc gia và có tết từng dân tộc. Ngoài các nước phương Tây, những quốc gia còn lại đều có tết riêng, dù lịch dương được dùng phổ biến. Việt Nam cũng vậy. 

Có dịp nghiên cứu bước đầu về tết thiên hạ, tôi thấy chưa có tết nước nào kỳ công, phong phú và nhân văn như tết Việt. Cũng có những phần phải xem lại. Những thứ hỗn độn, lợi dụng tết để ăn chơi, quậy phá, cuồng tín… đều mới phát sinh từ vài chục năm nay và ngày càng biến tướng như cuộc chiến nội xâm hủy hoại gia phong và quốc hồn.

Tất bật trước Tết

Văn minh nông nghiệp lúa nước chia thời gian mỗi năm thành 24 tiết với thời khắc giao thừa riêng. Khởi đầu chu kỳ canh tác, gieo trồng là Tiết Nguyên Đán, đọc trệch là Tết Nguyên Đán. Tết, mọi thứ đều phải thật sớm và mới; kể cả nghĩa trang. Trước Tết khoảng hai tuần, là tổng vệ sinh, quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn... Những vật dụng không cần thiết hoặc đem lại điềm gở bị vứt bỏ. 

Tết, thứ gì cũng nhiều, nhất là hoa và bánh, trái. Nhiều nhất là đào và bánh chưng, bánh giầy (miền Bắc), mai (miền Trung), ô môi (miền Nam) và bánh tét. Con người cũng được làm mới. Từ sắm sửa quần áo, tóc tai đến việc tắm rửa thơm sạch.

Chợ Tết họp từ 25 - 30 tháng Chạp, bán các mặt hàng phục vụ cho Tết. Từ lá dong, dây lạt, gạo, nếp cho đến đủ thứ bánh mứt, trái cây, hoa, vật dụng gia đình, quần áo... Vùng nào cũng có chợ hoa đặc thù. Sức mua sắm vào dịp Tết có khi nhiều hơn cả năm gộp lại.

Nhà nào cũng có Mâm quả. Ngũ quả miền Bắc là ngũ hành với 5 màu Kim - trắng, Mộc - xanh, Thủy - đen, Hỏa - đỏ, Thổ - vàng; được bài trí, sắp xếp hài hòa, tinh tế. Miền Trung, có gì chưng nấy, miễn là tươi, ngon, đẹp. Miền Nam phóng khoáng; ước mong năm mới qua 5 loại quả: “Cầu (mãng cầu)- sung - vừa (dừa) - đủ (đu đủ) - xài (xoài). Nhiều nơi thêm khóm (dứa) và cặp dưa hấu. Mâm quả của miền Nam được nâng lên thành nghệ thuật với những “tác phẩm” độc, lạ, hoành tráng; để trên bàn thờ tổ tiên hoặc bên cạnh (nếu quá lớn). 

Trong nhà có tranh Tết, thường là tranh dân gian và câu đối Tết. Mở đầu Tết Việt là cúng và đưa ông Táo về trời với tục thả cá phóng sinh. Ông Táo là thần bếp, ghi chép tất cả mọi việc tốt xấu trong năm. Lễ cúng vào trưa hoặc chiều 23 tháng Chạp; gồm nhang, nến, hoa quả, vàng mã, hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm ba con cá chép để đưa ông Táo vượt Vũ Môn lên Thiên đình báo với Ngọc Hoàng. Cùng ngày có tục Dựng nêu; thường là cây tre cao, ngọn treo tỏi, xương rồng, hình nộm, lá dứa… để xua ma quỷ và điềm gở. 

Từng nhà chuẩn bị làm mứt, gói bánh chưng, bánh giầy (miền Bắc), bánh tét (miền Trung và Nam) cùng nhiều món ngon để dâng lên ông bà tổ tiên. Vui nhất là gói, nấu và chờ bánh chín.

Năm cũ kết thúc với tục cúng Tất niên, cám ơn trời đất và tổ tiên đã phù hộ suốt năm qua vào tối ngày cuối của năm. Đây là dịp gia đình sum họp, cùng nhau hàn huyên, tâm tình. Bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, gọi là Giao thừa. Mỗi nhà thường làm mâm cỗ cúng gia tiên tại bàn thờ trong nhà và mâm cúng thiên địa ở ngoài sân. Một số nơi có thêm mâm cỗ cúng chúng sinh và cô hồn lang thang.

Trong nhà người Việt luôn có bàn thờ tổ tiên, ông bà (ông Vải); thế giới thu nhỏ của người đã khuất. Phía trên treo tranh dân gian hoặc chữ Tâm, Phúc, Đức...Hai cây đèn tượng trưng mặt trời, mặt trăng. Hai bát nhang là tinh tú, để đối xứng. Phía sau thường có hai cành hoa cúc giấy với nhiều bông nhỏ bao quanh bông lớn. Có nhà cắm thêm “cành vàng lá ngọc” (hàng mã); cầu mong làm ăn phát đạt. Ở giữa có trục “vũ trụ”, là khúc trầm hương dưới dạng khúc khuỷu và vươn lên trong bát nhang. Phía trước có chén nước thiêng. Hai cây mía đặt ở hai bên để các cụ chống gậy về với con cháu và dẫn linh hồn tổ tiên từ trời xuống hạ giới.

Tết Việt, Di sản văn hóa
Ăn gắn liền với chơi nên Tết là dịp tổ chức nhiều trò dân gian vui nhộn, độc đáo.

Trong thời khắc giao thừa, pháo hoa bừng nở, mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Tục cúng Giao thừa, còn gọi là Trừ tịch đón các Thiên binh; tức 12 vị Hành khiển và Phán quan, tương ứng với 12 con giáp; đang ở hạ giới, rất vội không kịp vào nhà, nên bàn cúng đặt ngoài cửa chính. Hết một năm, Hành khiển và Phán quan cũ bàn giao cho người mới. Lễ vật tùy vùng miền và điều kiện mỗi nhà. Có cả món mặn và món chay. Gia chủ khấn Thổ Công, vị thần cai quản trong nhà cho tổ tiên về ăn Tết; xin các cụ phù hộ.

Rộn ràng ba ngày Tết

Mồng Một tháng Giêng, ngày Tân niên đầu tiên, quan trọng nhất của Tết; là ngày Chính đán, con cháu tụ họp ở nhà tộc trưởng để lễ tổ tiên và chúc tết, mừng tuổi ông bà, các bậc huynh trưởng. Con cháu lần lượt mừng tuổi người cao hơn theo thứ bậc dòng họ. Người được mừng tuổi, sẽ lì xì tiền mới cho người mừng tuổi. Tiền thường để trong những bao màu đỏ. Tục này diễn ra suốt mấy ngày Tết.Không chỉ với bà con họ hàng; mà còn ân nhân, bạn bè, đồng nghiệp.

Sau giao thừa, trẻ em nhà nghèo tụ tập thành nhóm, đến trước các nhà, vừa hát vừa gõ trống, gọi là Hát sắc bùa. Chủ nhà mở cửa, phát tiền mừng tuổi cho các em để hai bên cùng gặp hên. Đầu năm, người nhà mang thùng ra sông, giếng làng gánh nước về đổ đầy chum vại, với hy vọng năm mới “của cải như nước non”. Những người tốt số, hợp tuổi được mời đi xông đất, mở đầu một năm mới an khang, thịnh đạt. Mọi người quây quần, bày cỗ cúng Tân niên, ăn uống và chúc nhau trong gia đình.

Với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc Tết theo tục: Mồng Một Tết cha. Sáng sớm mồng Hai cúng lễ tại gia và chúc Tết theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Đàn ông chuẩn bị lập gia đình có tục Đi sêu, đến nhà cha mẹ vợ tương laichúc Tết. Mồng Ba, sau khi cúng cơm tại gia theo lệ đủ ba ngày Tết, các học trò đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy.

Đầu năm, còn có tục Xuất hành. Tùy theo tuổi mà có chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo, hướng tốt. Miền Bắc có tục Hái lộc; xin cành đa, đề, si…những lại cây tươi tốt về cắm ở bàn thờ. Tục này không nên duy trì vì hủy diệt mầm sống của cây xanh, chưa kể những biến tướng cực đoan. Mồng 4, ngày con nước, có lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu qua tục Hóa vàng. Gia chủ đốt vàng mã để tiền nhân ở cõi âm, độ trì cho con cháu. Nhiều vùng ở Đồng bằng Bắc Bộ, có tục hát chèo đò đưa tổ tiên trở lại thế giới bên kia. Ngày này, thường kiêng xuất hành vì không tốt.

Tết cũng là dịp Lễ nhà thờ, lễ chùa và xin xăm xem vận. Đầu năm, cầu khấn dễ được thần linh chứng giám. Mồng 7 với tục hạ cây nêu, gọi là Khai hạ, kết thúc dịp Tết và bắt đầu bước vào việc làm ăn trong năm mới từ ngày mồng 8.

Tết là dịp Khai ấn và Khai bút đầu Xuân. Người có chức tước khai ấn; học trò, sĩ phu khai bút; nhà nông khai canh; người buôn bán khai thương... Mọi người chọn ngày để khai nghề, làm lấy ngày. Riêng khai bút thì Giao thừa xong, chọn giờ Hoàng đạo. Thợ thủ công, chưa ai thuê mướn đầu năm, sẽ tự làm cho gia đình một sản phẩm gì đó. Phiên chợ đầu Xuân vẫn đông, dù người bán chỉ bán lấy lệ.

Ăn gắn liền với chơi nên Tết là dịp tổ chức nhiều trò dân gian vui nhộn, độc đáo; hát hò truyền thống hào hứngvà nhiều lễ hội dân tộc, vùng miền. Mồng 3, Phú Thọ khai hội Ném Chài. Mồng 4, Hà Nội khai hội Cổ Loa, Hà Tĩnh khai hội chùa Hương Tích (chùa gốc); Bắc Ninh có chợ Âm Dương. Mồng 5, có lễ hội Đống Đa ở Hà Nội và nhiều nơi. Mồng 6, Thanh Hóa có chợ Chuộng. Mồng7, Nam Định có chợ Viềng, Quảng Ninh khai hội Yên Tử... 

Vài ý đề xuất

Tết Việt đang bị lạm dụng thành dịp ăn nhậu với bao hệ lụy tai hại. Các phong tục và lễ hội biến tướng, thành dịp buôn bán niềm tin, hối lộ thần linh. Đã có ý kiến sát nhập Tết Ta vào Tết Tây. Tại sao lại không sát nhập Tết Tây vào tết Ta vì “nhập gia tùy tục”? Cần phải mạnh dạn loại bỏ những hủ tục lạc hậu và kiên quyết bảo tồn những giá trị nhân văn của Tết Ta. Văn hóa Việt, trong đó có Tết, chính là vũ khí hiệu quả, giúp tổ tiên mình chống lại sự đô hộ và đồng hóa của phương Bắc mấy ngàn năm qua.

Nước mất mà văn hóa còn thì trước sau cũng giành lại được. Nước còn mà văn hóa mất thì trước sau cũng diệt vong. Trong các loại diệt chủng thì diệt chủng văn hóa là nguy hiểm nhất. Đáng sợ nhất là tự mình hủy diệt văn hóa của dân tộc mình. Cần kíp phải có những nghiên cứu khoa học, khẳng định những giá trị văn hóa vĩnh cửu của Tết Việt, làm cơ sở trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại.

Ngành du lịch cần tận dụng tối đa tài nguyên văn hóa từ Tết Việt. Không chỉ quảng bá, phổ cập thông tin đến mỗi người dân, mỗi du khách; mà tổ chức TOUR TẾT VIỆT rộng khắp. Du khách nước ngoài sẽ được trải nghiệm và chủ động tham gia các hoạt động, đắm mình trong những phong tục Tết Việt của từng gia đình các vùng miền.

Ở TP. HCM, thay cho đường hoa Nguyễn Huệ là SÂN CHƠI TẾT, tái hiện không gian và phong tục Tết Việt. Du khách cùng người dân kết mâm ngũ quả, bày cỗ, gói và nấu bánh tét, bánh chưng... Sau giao thừa đi xông đất, tặng quà, chia Tết cho những người lang thang, nghèo khó. Thay cho việc trang trí đường phố vô hồn là thi đua làm đẹp cơ quan, nhà ở hai bên bờ sông; để kích hoạt du lịch đường thủy, tạo thêm sản phẩm mới cho du khách…