Tết Việt trong mắt một quan chức thương mại Liên bang Nga

Quỳnh Chi - 09:43, 22/01/2020

TheLEADERHai mươi năm học tiếng Việt, mười lăm năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam là những con số đã làm nên chất Việt trong ông Alexander Kardo – Sysoev, Phó trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam.

Tết Việt trong mắt một quan chức thương mại Liên bang Nga
Ông Alexander Kardo – Sysoev, Phó Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam

Một người Nga nói tiếng Việt rất sõi là chân dung của ông Alexander Kardo – Sysoev, Phó Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam, mà ai cũng sẽ cảm thấy rất ấn tượng trong lần đầu gặp gỡ.

Để có thể sử dụng thành thạo thứ tiếng được nhiều người mô tả là còn khó học hơn cả vượt qua phong ba bão táp, khoảng 20 năm về trước, ông Alexander đã phải trải qua những ngày đầu đầy gian nan. Những năm đầu, ông tập trung hết sức mỗi ngày với sự hỗ trợ của cả giáo viên người Nga và giáo viên người Việt.

Khi có cơ hội sang Việt Nam thực tập, ông Alexander cảm nhận được một sự thân thiết, gắn bó với mảnh đất hình chữ S và muốn ở lại làm việc. Với mong muốn đó, ông cật lực phấn đấu học tiếng Việt thật giỏi để ra trường có bằng tiếng Việt và đi làm.

“Đến bây giờ tôi vẫn đang học tiếng Việt. Một khi đã bắt đầu học cái gì thì sẽ không bao giờ dừng lại, đó là nguyên tắc của tôi”, Phó Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam chia sẻ.

Những vị khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau thường có những ấn tượng khác nhau về dải đất hình chữ S. Trong những cảm nhận ban đầu của ông Alexander, người Việt Nam rất thân thiện và cởi mở với người nước ngoài. 

Ông Alexander cho biết, một số người nước ngoài thường nói về thói quen mặc cả khi mua bán của người Việt, nhưng trên thực tế, ông cho rằng đó là công việc kinh doanh của họ. Còn trong mối quan hệ giữa người với người, ông luôn cảm nhận được sự gần gũi, chăm sóc lẫn nhau.

Bước chân trên đường phố Việt mười lăm năm về trước, mọi thứ đều khác lạ so với nước Nga trong con mắt của ông Alexander và rồi ông bắt đầu tìm hiểu về văn hoá Việt để thích ứng dần. Ông Alexander nhớ lại những bữa ăn bối rối khi mâm cơm của người Việt luôn rôm rả tiếng nói chuyện, trong khi ở Nga, người ta chỉ tập trung vào việc ăn, không hề nghe thấy tiếng trao đổi.

Ông Alexander cho biết không quen lắm với việc người Việt thường ngại ngùng, không dám nói thẳng những điều mà người đối diện có thể không muốn nghe và cũng rất ngại nói từ “không”. Ông Alexander cho rằng những điều này diễn ra do người Việt biết thông cảm và không muốn làm mất lòng đối phương.

Khi cảm nhận về văn hoá Việt, vị đại diện thương mại Nga nhìn nhận, người Việt rất biết giữ gìn văn hoá tuyền thống. Đó là điều đáng mừng, nhất là "trong bối cảnh các nước phía Tây đang mất dần bản sắc văn hoá của mình".

Người Việt ý thức được nhiệm vụ duy trì văn hoá thế hệ trước đã tạo ra và truyền lại cho các thế kế tiếp bởi họ nhận thức được rằng văn hoá truyền thống là kinh nghiệm hàng nghìn năm chắt chiu. Văn hoá giúp dân tộc đoàn kết hơn, đoàn kết là một bản sắc nổi bật của người Việt trong con mắt bạn bè quốc tế.

Mười lăm năm sinh sống và làm việc ở Việt Nam cũng là 15 ăn Tết Việt của ông Alexander. Từ góc độ của một người nước ngoài, Tết là một dịp rất quan trọng với người Việt bởi đó là lúc họ được nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành ở quê nhà và đoàn tụ với gia đình, bạn bè sau một thời gian dài làm việc cật lực, đặc biệt là những người phải đi tha hương tại các thành phố lớn.

Năm nào ông Alexander cũng có một cảm giác rất kỳ lạ khi đường phố của Hà Nội mỗi dịp Tết đến thường rất vắng người, khác hẳn những ngày thường đông đúc. Những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của người Việt như cúng ông Công, ông Táo, thờ cúng tổ tiên, đi chợ hoa, đi chùa là những hoạt động khiến ông Alexander rất ấn tượng.

“Kỷ niệm tôi nhớ nhất là đi chùa Hương và chùa Yên Tử. Ban đầu chưa biết trên đỉnh núi có gì và leo cũng rất mệt nhưng khi đã đặt chân lên đỉnh núi, dù có rất nhiều người, tôi vẫn cảm nhận được một bầu không khí rất tĩnh lặng, linh thiêng”, ông Alexander kể lại và cho biết Tết năm nay dự tính sẽ đi du lịch ở một trong số các điểm đến của Việt Nam, có thể là Huế vì ông khá ấn tượng về những kiến trúc rất đặc trưng của thành phố này.

Phó trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam chia sẻ, món ăn xuất hiện đều đặn trên mâm cơm của ông vào dịp Tết là bánh chưng và xôi vì việc tìm cửa hàng bán đồ ăn dịp Tết dường như rất khó. Dù vậy, ông Alexander rất thích thú với điều này vì đây là những món ăn khoái khẩu của ông. Tết nào ông cũng được tặng rất nhiều bánh chưng, tất cả đều được cất trong tủ lạnh để ăn dần.

Trong không khí người Việt rộn ràng chào đón Tết nguyên đán, Phó trưởng Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam gửi lời chúc đến các độc giả: “Chúc các bạn có sự tăng trưởng cả về vật chất và tinh thần. Chúc các bạn có sức khoẻ dồi dào để cùng nỗ lực đạt những mục tiêu chiến lược của cả đất nước. Chúc năm mới vạn sự như ý, an khang, thịnh vượng”.