Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số

Việt Hưng - 17:00, 11/11/2022

TheLEADERTheo Cisco, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, chủ yếu do khó khăn về chi phí và công nghệ.

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến trên 87% doanh nghiệp, khiến doanh thu sụt giảm từ 50-90%, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong tình huống khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Báo cáo do Cisco thực hiện chỉ ra rằng, có đến 70% doanh nghiệp trong khu vực đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, 86% doanh nghiệp được khảo sát tin rằng chuyển đổi số sẽ giúp phục hồi hậu khủng hoảng.

Theo đó, năm 2020, có tới 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, một mức tăng đáng kể so với con số 32% của năm 2019. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP trong năm 2024.

Meta - công ty mẹ của Facebook vừa chia sẻ những nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng. Tại Việt Nam, có tới với 73% người dùng được khảo sát sử dụng hội thoại để tiếp cận các nhãn hàng; trong đó phổ biến nhất là nhóm đối tượng thuộc độ tuổi GenZ (nhóm thanh niên ở độ tuổi 20 ưa thích sử dụng công nghệ).

Bên cạnh đó, có hơn 70% doanh nghiệp đánh giá kinh doanh hội thoại là hình thức quan trọng. Ngoài ra, 63% người tiêu dùng cho rằng họ cần phải nhắn tin với doanh nghiệp trước khi ra quyết định đăng ký mua sản phẩm.

Thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số
Việt Nam cũng là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á đối với việc ứng dụng công cụ số

Hiện nay, các doanh nghiệp trong mọi ngành nghề đã và đang tìm thêm nhiều cách để sử dụng tin nhắn kết nối với khách hàng, như trả lời những yêu cầu cơ bản, tạo khách hàng tiềm năng, tư vấn một-một, dịch vụ hậu mãi và nhận phản hồi, remarketing và thu thập dữ liệu về khách hàng...

"Meta khuyến nghị các doanh nghiệp nên xác định rõ mục đích của sử dụng và ưu tiên đưa kinh doanh hội thoại vào chiến lược marketing. Ngoài ra, các doanh nghiệp nên sử dụng các bên đối tác thứ ba để triển khai giải pháp kỹ thuật, qua đó phát triển mô hình kinh doanh hội thoại một cách hiệu quả nhất, đem lại tỉ lệ chuyển đổi cao và tương tác có chiều sâu", ông Khôi Lê - Giám đốc Quốc gia thị trường Việt Nam của Meta chia sẻ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước đi đầu trong khu vực Đông Nam Á đối với việc ứng dụng công cụ số của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Theo một báo cáo gần đây, nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN (31%). Trong vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển nền kinh tế số của Việt Nam cũng thuộc top đầu trong khu vực.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số, chủ yếu do khó khăn về chi phí và công nghệ. Cũng theo báo cáo của Cisco, 17% doanh nghiệp còn thiếu nhân lực có kỹ năng số; 16,7% doanh nghiệp thiếu nền tảng công nghệ thông tin; 15,7% doanh nghiệp thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa trong doanh nghiệp.

Liên quan đến những thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, qua cuộc khảo sát gần đây do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID thực hiện về chuyển đổi số cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số.

Cụ thể 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Trong khi đó, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.