Thaco 'giải cứu' thủy sản Hùng Vương

Kim Yến - 10:06, 10/01/2020

TheLEADERCú bắt tay chiến lược của Thaco với Công ty CP Hùng Vương (HVG) một lần nữa cho thấy quyết tâm của tỷ phú Trần Bá Dương khi tham gia vào tái cấu trúc nền nông nghiệp, tạo lực đẩy mạnh mẽ bằng sự liên kết, hợp tác với những doanh nhân cùng chí hướng và tâm huyết, để mang lại sự khởi sắc căn cơ cho nông nghiệp, nhằm cân bằng cán cân thương mại cho quốc gia.

Thaco 'giải cứu' thủy sản Hùng Vương
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa HVG và Thadi.

Ngày 9/1/2020, tin vui đầu năm mở màn cho mùa xuân mới đầy hy vọng với ngành nông nghiệp quốc gia vốn đang chịu thử thách khắc nghiệt của cả thiên nhiên và cạnh tranh hội nhập, đó là cú bắt tay chiến lược giữa HVG và Thadi (thuộc Thaco), để giúp cho con cá da trơn và con heo Việt Nam vượt qua khúc quanh ngặt nghèo, vươn ra thị trường toàn cầu một cách bền vững hơn.

Kế hoạch doanh thu xuất khẩu ngay trong năm 2020 của liên doanh này gồm Thadi 600 triệu USD, Hoàng Anh Gia Lai 400 triệu USD và Hùng Vương 550 triệu USD, chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu nông nghiệp của cả nước.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco chia sẻ rất tâm huyết: Trường Hải với chiến lược trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hàng đầu khu vực ASEAN, trong đó ngành cơ khí và ô tô là chủ lực, và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chuỗi giá trị khép kín theo loại sản phẩm cây trồng, vật nuôi, hình thành nền sản xuất kinh doanh mang tính tích hợp cao, với giải pháp liên doanh liên kết và tự đầu tư linh hoạt. 

Đồng thời ứng dụng công nghệ, áp dụng phương pháp quản trị công nghiệp trên nền tảng số hoá với lộ trình phù hợp hướng đến trở thành doanh nghiệp dẫn đầu và góp phần nâng tầm ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp Thaco cân bằng ngoại tệ, góp phần cân bằng cán cân thương mại cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thaco đã thành lập Công ty Thadi với vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng và vốn đầu tư đến nay là 11.000 tỷ đồng, đang sở hữu diện tích đất 29.600ha, mua lại từ CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG). 

Trong đó đã và đang triển khai trồng cây ăn trái trên diện tích 10.000ha, gồm 5.000ha chuối và trang trại nuôi 90.000 con bò thịt. Đồng thời, Thadi chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm của HNG với diện tích cây ăn trái 26.500ha (chuối là 11.000 ha). Dự kiến tổng doanh thu năm 2020 khoảng 1 tỷ USD, trong đó Thadi 600 triệu USD, HNG ước đạt 400 triệu USD.

Công ty CP Hùng Vương có kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam, với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời HVG còn sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch, đầu tư xây dựng các trại heo giống công nghệ cao tại An Giang, Bình Định. HVG cũng sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp heo giống theo quy trình công nghệ châu Âu an toàn và chất lượng cao cho người dân tham gia chăn nuôi.

"Thời gian qua HVG đã gặp những khó khăn nhất định và chủ động mời chúng tôi tham gia hợp tác. Qua trao đổi, đàm phán, Thaco và HVG đi đến thoả thuận hợp tác chiến lược. Theo đó, Thadi đầu tư vào HVG với tỷ lệ 35% cổ phần, tham gia quản trị, hỗ trợ tái cấu trúc, chấn chỉnh chiến lược, hỗ trợ khó khăn tài chính trong thời gian tới.

Thadi đầu tư 65% vào liên doanh Thadi - HVG trong mảng sản xuất heo giống (bố mẹ) với quy mô 45 ngàn con trong năm 2020 với tổng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng, được triển khai tại An Giang và Bình Định. Đợt đầu trong tháng 3/2020 là 15.000 con. Thadi đầu tư chăn nuôi heo thịt theo tiêu chuẩn thực hành của cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) với quy mô 1.200.000 con/năm, nhằm cung cấp sản phẩm sạch, chất lượng cho xuất khẩu và thị trường trong nước", ông Dương nói.

Đưa ra lời cam kết vô cùng mạnh mẽ về sự hợp tác này, ông Dương cho biết: “Tôi cam kết thực hiện kế hoạch tốt nhất, cẩn trọng, tránh đổ vỡ, vì làm lớn mà đổ vỡ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Cam kết với những ngân hàng giúp đỡ chúng tôi là quản lý dòng tiền minh bạch, theo đúng yêu cầu của ngân hàng. Tôi xin hứa sẽ gỡ ra từng nút thắt, hình thành nền sản xuất nông nghiệp mà anh Minh đã gầy dựng mấy năm qua một cách nền tảng. Người đi tiên phong thường có nhiều rủi ro, nhưng tôi hứa sẽ cung cấp thông tin một cách đầy đủ đến truyền thông báo đài”.

Mối nhân duyên hợp tác dựa trên “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”

Chia sẻ về mối nhân duyên đưa đến cú bắt tay rất nhanh chóng và quyết liệt này, Chủ tịch Thaco cho biết: “Cách đây hơn 2 tháng chúng tôi đã ký thoả thuận bước đầu. Thaco đến với nông nghiệp đầu tiên là nhân duyên, cụ thể là khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường kêu gọi chúng tôi tham gia vào lĩnh vực máy móc nông nghiệp, nhân duyên thứ hai là anh Đoàn Nguyên Đức với Hoàng Anh Gia Lai, và nhân duyên thứ ba là Hùng Vương mảng cá và heo…Thực hiện sứ mệnh nâng tầm giá trị nông nghiệp Việt Nam qua hợp tác, chia sẻ, chúng tôi ngộ ra mình là đối tượng có thể liên kết được với những nhà nông nghiệp lớn như anh Đức, anh Minh, nhờ vào yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà".

Thiên thời chính là khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, có cơ hội xuất khẩu lớn, hiệu quả. Nhất là khi dịch tả châu Phi với heo chưa kiểm soát được, cần chăn nuôi bài bản, mô hình chi phí đầu tư cao của Hùng Vương sẽ phát triển thời gian tới.

Về địa lợi, HAGL có diện tích đất lớn triển khai trồng cây ăn trái, Thaco chỉ vào hỗ trợ giải quyết khó khăn, và đến nay mỗi ngày đã xuất khẩu được 20 container chuối. Với Hùng Vương, có sẵn xưởng chế biến, nuôi cá, đặc biệt công nghệ nuôi heo, Thaco vào hỗ trợ khó khăn, hy vọng năm nay có kết quả khả quan.

"Về nhân hoà, cả anh Đức, anh Minh đều tâm huyết với nghề, rất chân chất, bởi có tâm huyết mới giữ được nghề, giữ được thương hiệu. Nghiên cứu đội ngũ của anh Đức, anh Minh, chúng tôi thấy họ rất tận tâm, có nghề. Về phía chúng tôi, may mắn khi tiếp cận sản xuất ô tô, học được cách quản trị công nghiệp một cách chuyên nghiệp, hy vọng sẽ giúp cho các anh có quản trị nông nghiệp hiệu quả. Đến hôm nay, cùng với đội ngũ nhân sự mới tuyển dụng được, đã chứng minh hiệu quả ban đầu.

Nhân hoà lớn nhất là tôi và anh Đức, anh Minh đều biết chia sẻ, biết lắng nghe. Vì chúng tôi hiểu mình có thể làm tốt mười thứ, chỉ có hai thứ không làm tốt cũng gây ra đổ vỡ. Phải hợp tác, chia sẻ mới phát triển được, hình thành cộng đồng doanh nghiệp hợp tác trong hội nhập là xu thế trong thời gian tới, để đủ sức cạnh tranh thương trường quốc tế, không chỉ Việt Nam”, ông Dương nhấn mạnh.

Thaco đầu tư vào Hùng Vương 35% để giải cứu cá và heo
Việt Nam xuất khẩu 41,3 tỷ USD nông lâm thuỷ sản, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu.

Về phía Hùng Vương, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT tỏ ra vô cùng “tâm đầu ý hợp” với ông Trần Bá Dương: “Lúc nãy, có nhà báo hỏi tôi, hai anh gặp nhau có một ngày là quyết định bắt tay nhau rồi phải không? Tôi nói chúng tôi gặp nhau có 1 giờ là quyết định. Anh Trần Bá Dương nhìn bề ngoài vậy nhưng vô cùng cẩn trọng, không đùa được. Đó là người nói là làm, có tư tưởng lớn để làm việc lớn. Chúng tôi là đối tác và hợp tác với nhau".

Ông Minh cho biết, nhìn chung ngành nông nghiệp Việt Nam chậm phát triển là do cơ chế, nhất là về tài chính. HVG cũng gặp vô cùng khó khăn trong vai trò người tiên phong. Đan Mạch chuyển giao cho Việt Nam bằng hình thức chuyển giao công nghệ và con giống heo từ đời cụ, kỵ. Hùng Vương độc nhất sở hữu con giống heo cụ, kỵ của Đan Mạch. Đan Mạch được mệnh danh có “con heo 5 sao” trên toàn thế giới. Tổ chức rất nhiều đoàn đi Đan Mạch, Hà Lan, Mỹ, Canada, cuối cùng quyết định lấy con giống Đan Mạch về chuyển giao con giống cho Việt Nam. Giá heo hơi của Đan Mạch chỉ 1,1-1,2 Euro/kg, vì sao giá thành rẻ thế? Vì con giống Đan Mạch đẻ sai nhất thế giới, con heo nái “cấy” được 15 vú, trong khi con heo bình thường chỉ có 12 vú…

Từng dẫn đầu cả nước về xuất khẩu, với khoảng 350ha nuôi cá tra, tuy nhiên thời gian qua, HVG chìm trong khó khăn. Thứ nhất là cơ chế đầu tư cho nông nghiệp Việt Nam chưa có. Xây dựng quy trình chuẩn cho con heo giá trên 20 triệu đồng/1m2, hơn cả đầu tư cho con người! Đứng về góc độ ngân hàng, cho vay vô chuồng heo lấy gì để thu? Đó là một trong những nguyên nhân khiến công ty bị lỡ rất nhiều nhịp. 

"Tôi vẫn tin nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển, vì chúng ta là nước nông nghiệp nhiệt đới. Chúng tôi gặp nhau cùng một quan điểm, cùng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, cùng xây dựng chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm. Hơn 2 tháng qua chúng tôi có bước phát triển mạnh mẽ, với hơn 20 ngàn con giống vào chuồng, 4 tháng nữa sẽ là 40 ngàn con. Trong năm nay, chúng tôi xây dựng kho lạnh 60 ngàn tấn, kho tự động hoá lớn nhất của Việt Nam. Ngày hôm nay tôi rất cảm động vì được gặp lại những khách hàng trong và ngoài nước đã đồng hành với Hùng Vương suốt 15 năm qua. Độ tin cậy của khách hàng với Hùng Vương rất cao, trong lúc khó khăn không bỏ mình", ông Minh nói.

Về con cá tra, năm 2020 đặt chỉ tiêu tổng xuất khẩu 120 ngàn tấn, dự kiến doanh số 500 triệu USD, với các thị trường chủ lực của châu Âu như Đức, Đan Mạch, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Nga…Thị trường châu Á như Trung Quốc, Nhật, Singapore, Ả rập, Thái Lan… Châu Mỹ như Canada, Panama, Chi Lê, Mexico…

Nói về hệ thống sản xuất chế biến cá tra, ông Minh trăn trở, người nuôi cá tra cả Đồng bằng sông Cửu Long đều trông chờ vào sự bật dậy của Hùng Vương. Bao nhiêu năm nay người nuôi cá tra ở khu vực này giàu lên nhờ chính sách của Hùng Vương về sản lượng, giá cả, nguyên liệu… Diện tích nuôi trồng ở Bến Tre gần 500ha, HVG sẽ làm tiếp kho lạnh 50 ngàn tấn nữa.

Về con heo, HVG có nền tảng 20 ngàn con heo giống cụ-kỵ-ông bà, 45.000 con heo bố mẹ. Trong điều kiện khó khăn công ty vẫn giữ được hệ thống con giống để cung cấp cho thị trường. Dự kiến tháng 8 có heo thương phẩm ra thị trường…. Với sự hợp tác này, Hùng Vương đặt kế hoạch tổng doanh thu tất cả các ngành là 12.500 tỷ đồng cho năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp

Cam kết đồng hành với các doanh nghiệp dẫn đầu trong cú bắt tay chiến lược này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ba năm gần đây, chúng tôi chứng kiến rất nhiều lần các doanh nghiệp ký kết hợp tác với nhau. Ngay tại hôn trường này, lần thứ ba tôi được chứng kiến các doanh nghiệp nối dài bàn tay cùng bạn bè doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Giai đoạn một Thaco đầu tư vào rau quả, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân hàng ngày, với cú bắt tay chiến lược cùng Bầu Đức. 

Hôm nay Thaco bắt tay cùng Hùng Vương lĩnh vực mới chăn nuôi thuỷ sản. Chiến lược này vô cùng đúng, vì an ninh lương thực sắp tới trong điều kiện biến đổi khí hậu là vô cùng cấp thiết. Chưa bao giờ thế giới chứng kiến nạn cháy rừng khủng khiếp như vừa qua. Năm 2019 thế giới chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch tả lợn châu Phi. Việt Nam nằm ở rốn bão thế giới, an ninh lượng thực càng là vấn đề nóng bỏng

Việt Nam xuất khẩu 41,3 tỷ USD nông lâm thuỷ sản, đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu. Ngành cá tra, tôm, heo là thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên người làm nghề lại vô cùng khó khăn. Tôi rất mừng khi thấy anh Đức, anh Minh đều tâm huyết, vì con đường có gập ghềnh mới có cơ duyên gặp nhau, bao khó khăn anh Đức anh Minh đã từng trải hết rồi, giờ gặp anh Dương, nếu thuần tuý tính về tiền thì làm gì anh ấy phải nhảy vô lãnh vực nông nghiệp này? Đám cưới của cả hai bên cần hoan nghênh là vì vậy.

Tuy nhiên còn rất nhiều khó khăn phía trước. Anh Minh đã từng đúc rút kinh nghiệm xương máu, đặc biệt với cá tra. Đây chỉ là bước đầu, chúng ta đã có thị trường, đã có thương hiệu, nhưng để không thất bại, chăm lo lớn nhất là công tác quản trị cụ thể. Nếu săn được ông CEO đủ tâm huyết, trình độ, tôi vẫn đau đáu điều này trong “đám cưới” hôm nay… Cố gắng đầu tư nhiều nhất trong quản trị, vì nông nghiệp là làm ngoài trời, đầy rủi ro, biến động.

Anh Dương nói không được phép thất bại, tôi hoàn toàn tin tưởng. Phía bộ, các thành viên Chính phủ, về cơ chế chính sách cần gì sẽ đứng cùng các anh, cố gắng liên kết thật tốt từ chuỗi nguyên liệu, chế biến. Anh Dương nhất quyết phải xây dựng chuỗi, phải có nhà máy chế biến giết mổ hiện đại để hình thành chuỗi từ nguyên liệu, tổ chức chăn nuôi với các hộ gia đình, các nông trại, giết mổ, chế biến.

Thứ hai cần mở rộng con bò, tạo hệ sinh thái cần thiết vào chuỗi giá trị, bò mới chiếm 8% rổ thức ăn Việt Nam, làm sao phát triển đàn bò mạnh hơn để chúng ta không phải nhập khẩu về. Muốn thế, doanh nghiệp phải có nhiều khát vọng để liên kết, xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam vững mạnh, làm giàu cho đất nước”.