Thêm 9.000 tỷ đồng đổ vào Bình Định

Nguyễn Cảnh - 15:23, 07/03/2023

TheLEADER2 tháng đầu năm, tỉnh Bình Định thu hút mới 14 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 6.300 tỷ đồng, thực hiện tăng vốn cho 2 dự án với tổng vốn thực hiện tăng khoảng 2.700 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, đây đều là các dự án có vốn đầu tư trong nước. Trong đó gồm: 4 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp (tổng vốn đầu tư 290 tỷ đồng); 7 dự án trong cụm công nghiệp (tổng vốn khoảng 545 tỷ đồng); 3 trường hợp ngoài KKT, KCN, CCN (tổng vốn khoảng 5.500 tỷ đồng).

Phần lớn các dự án đều thuộc lĩnh vực công nghiệp (8 trường hợp), còn lại là thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng hạ tầng.

Về quy mô, ghi nhận một số dự án có vốn đầu tư lớn như: Khu đô thị và du lịch An Quang tại huyện Phù Cát (vốn đăng ký gần 5.230 tỷ đồng) của Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung, Công ty CP Đầu tư Bất động sản Đông Đô - BQP, Công ty TNHH Thương mại và phát triển công nghệ Hoàng Thành; Chợ truyền thống và khu thương mại dịch vụ Bồng Sơn tại thị xã Hoài Nhơn của Liên danh Công ty TNHH Thủy Hà, Công ty CP Xây dựng thương mại Hải Đăng Thái Bình (khoảng 198 tỷ đồng).

Liên quan tới thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Định chưa phát sinh dự án mới từ đầu năm đến nay. Tính đến nay, địa phương này có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN (khoảng 843 triệu USD) và 48 dự án ngoài KKT và KCN. Nhật Bản vẫn là đối tác có số dự án đầu tư nhiều nhất (18 dự án, vốn đăng ký khoảng 89 triệu USD); lần lượt xếp sau là Singapore (15 dự án, 139 triệu USD), Hồng Kông (10 dự án, 91 triệu USD)…

Nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Định đang thực hiện rà soát, bổ sung thêm các dự án mới vào danh mục dự án ưu tiên mời gọi đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, theo dõi, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động nhằm đảm bảo tăng trưởng sản xuất theo kế hoạch.

Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành và đi vào hoạt động các dự án đã đăng ký đầu tư, nhất là Dự án Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định, Khu liên hợp gang thép Long Sơn, các dự án năng lượng tái tạo, công nghiệp, du lịch, khu vui chơi giải trí...

Được biết, Bình Định đang tổ chức đấu thầu, đấu giá hàng loạt dự án đáng chú ý.

Cụ thể một số như: Khu đất Tây Nam cầu Long Vân, TP Quy Nhơn (xây dựng nhà ở và thương mại dịch vụ) rộng khoảng 9,8ha; khu đất thu hồi của Công ty CP Muối và Thương mại Miền Trung (đất ở, xây dựng nhà chung cư hỗn hợp) rộng 1,2ha; khu đô thị 01 thuộc khu đô thị phía Đông đầm Thị Nại rộng 19ha có vốn đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng; khu đô thị A1 (chuyển đổi một phần đất KCN A sang đất ở đô thị) rộng 49ha (trong 230 ha) có vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng;khu du lịch sinh thái Eo Gió (thương mại du lịch) rộng khoảng 9,6ha, vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng …

Tháng 11/2022, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thị xã Hoài Nhơn.

Với diện tích 468 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng, dự án chia thành 3 giai đoạn, công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Nhà đầu tư đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng 497ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai. Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Quy mô đầu tư được chia làm 2 giai đoạn (2021-2025 và sau năm 2025).

Cảng Hoài Nhơn hình thành sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của Khu liên hợp gang thép Long Sơn, đảm bảo tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa. 2 công trình dự án (khi đi vào hoạt động) được kỳ vọng góp phần quan trọng vào phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, cũng như tăng trưởng kinh tế của Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.