Thép Nhật Quang bật mí bí quyết trở thành nhà cung ứng của Honda, Canon và GE

Đặng Hoa - 10:17, 30/05/2018

TheLEADERTheo phó tổng giám đốc công ty TNHH Thép Nhật Quang, chất lượng sản phẩm không phải là rào cản của doanh nghiệp Việt trên con đường trở thành nhà cung ứng của các doanh nghiệp đa quốc gia.

Thép Nhật Quang bật mí bí quyết trở thành nhà cung ứng của Honda, Canon và GE
GE là tập đoàn đa quốc gia đầu tiên Thép Nhật Quang cung ứng sản phẩm.

Trong thời gian gần đây, có lẽ câu chuyện về sự mờ nhạt của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu đã không còn quá lạ lẫm. Trong một lần chia sẻ gần đây, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) nhận định, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hết sức hạn chế.

“Sau 3 lần tham dự kết nối với khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, các công ty nước ngoài chỉ tìm được 2 doanh nghiệp trong nước đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi cung ứng của mình”, bà Thủy cho biết.

Như vậy, ước tính Việt Nam có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có khoảng 0,4% trong số đó đáp ứng đủ yêu cầu để trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia.

Một trong những nguyên nhân chính được bà Thủy đưa ra là năng lực nội tại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam còn yếu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng đầu ra còn thấp dẫn đến không đủ tiêu chuẩn để trở thành thầu phụ của các công ty nước ngoài như Samsung, Canon hay Sony.

Nằm trong 0,4% doanh nghiệp này, công ty TNHH Thép Nhật Quang sau 19 năm thành lập đã có thể gia nhập chuỗi cung ứng của nhiều ‘ông lớn’ như General Electric (GE), Canon và Honda.

Ước tính mỗi tháng, công ty này cung ứng khoảng 1.300 – 1.500 tấn ống thép và các sản phẩm thép xẻ cho các đơn vị sử dụng với tổng giá trị đạt khoảng 1 triệu USD.

Trở thành nhà cung ứng cho General Electric, Canon và Honda, đâu là bí quyết của doanh nghiệp này?
Thép Nhật Quang hiện là nhà cung ứng cho GE, Canon và Honda.

Chia sẻ về bí quyết trở thành một trong những doanh nghiệp Việt hiếm hoi trở thành nhà cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia này, ông Nguyễn Trung Thành, phó tổng giám đốc Thép Nhật Quang cho biết, để gia nhập được chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài, việc dám và sẵn sàng thay đổi là điều quyết định.

“Ban đầu doanh nghiệp nước ngoài sẽ có bộ phận chuyên tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp với chủng loại hàng hóa và sản phẩm của họ; từ đó tiếp cận và tiến tới đặt vấn đề kể cả khi mình chưa sản xuất được sản phẩm đáp ứng được yêu cầu”, ông Thành cho biết.

“Chẳng hạn một doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất cốc pha lê, doanh nghiệp của bạn chỉ sản xuất cốc thủy tinh như bình thường nhưng nếu thấy phù hợp và có tiềm năng, họ sẽ tiếp cận và đặt vấn đề từ đó sẽ hỗ trợ, hướng dẫn trong quá trình hợp tác”, lãnh đạo doanh nghiệp này lấy ví dụ.

Theo ông Thành, cái vướng nhất của Việt Nam không phải là không sản xuất ra được sản phẩm đạt chất lượng như công ty nước ngoài yêu cầu; vấn đề nằm ở quy trình kiểm soát hệ thống sản xuất.

Ông Thành cho biết trên thực tế, các thị trường lớn như Mỹ hay Nhật đều không đòi hỏi cao đến mức doanh nghiệp Việt không làm được; các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được và thậm chí là so với sản phẩm đặc thù của công ty cung ứng, yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài còn không cao bằng.

Doanh nghiệp nước ngoài đòi hỏi gì ở các nhà cung ứng Việt Nam?

Theo lý giải của ông Thành, điều các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu là khi sản xuất ra một triệu sản phẩm, cần đảm bảo cả một triệu sản phẩm đó phải giống nhau.

“Chẳng hạn công ty GE có quan điểm là hệ thống quản trị phải đáp ứng được yêu cầu về hệ thống chất lượng ‘Zero defect’ có nghĩa là không cho phép sản phẩm lỗi”, lãnh đạo Thép Nhật Quang cho biết.

Tất nhiên, ông Thành nhấn mạnh điều này vẫn còn mang tính lý thuyết để làm mục tiêu cho các doanh nghiệp hướng đến. Khi mới được lựa chọn là nhà cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài, bất kỳ sai sót ban đầu nào cũng sẽ có cách tiếp cận và xử lý để đảm bảo không xảy ra một lần nữa; hoặc sẽ được theo sát để giới hạn mức độ lỗi và dần hướng tới con số 0.

“Khi làm việc với các công ty nước ngoài, cái mà doanh nghiệp cung ứng học được nhiều nhất là cách tiếp cận. Từ lúc trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên là GE cho đến nay đã qua 8 năm, Thép Nhật Quang đã có thể thích nghi tốt hơn và quen hơn rất nhiều”, ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, một trong những yếu điểm của người Việt là thường có tâm lý ‘làm chủ’, nghĩa là khó chấp nhận việc các doanh nghiệp nước ngoài là ‘khách’ tìm đến mình mà lại đặt ra điều kiện cho mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài tìm đến nhà cung ứng sẽ không hứa hẹn bất kỳ điều gì mà chỉ đưa ra các yêu cầu. Nếu chấp nhận và cố gắng, các doanh nghiệp Việt mới có được cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng của các công ty này.

Bên cạnh đó, vị doanh nhân này cho rằng quan điểm của người Việt với nhà cung cấp nước ngoài cũng khác nhau dẫn đến các công ty Việt Nam còn mờ nhạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, người Việt chú trọng nhiều hơn vào sản phẩm trong khi người nước ngoài chú trọng hơn vào quy trình và tính ổn định của sản phẩm.

“Chẳng hạn, quan điểm của GE là khi làm ra một sản phẩm thì việc sản phẩm đó có chất lượng tốt là điều đương nhiên. Do đó, điều khiến họ quan tâm hơn là môi trường như thế nào, doanh nghiệp Việt có tuân thủ các yêu cầu pháp lý hay không, việc sử dụng lao động được thực hiện như thế nào, cơ chế quản lý và hệ thống kiểm soát của mình đối với sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp có ổn định và tài chính có đảm bảo hay không...”, ông Thành chia sẻ.

Lấy dẫn chứng khi Thép Nhật Quang làm nhà cung ứng cho Canon, ông Thành cho biết tập đoàn này yêu cầu mỗi ngày phải cung cấp cho họ một sản lượng sản phẩm nhất định, ngày nào cũng như ngày nào bởi một sản phẩm lỗi có thể ảnh hưởng đến nhiều việc khác.

“Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tới việc doanh nghiệp cung ứng có cung cấp ổn định được hay không nhiều hơn là có cung cấp được sản phẩm đấy hay không”, lãnh đạo Thép Nhật Quang nhấn mạnh.

Sẵn sàng thay đổi vẫn là yếu tố quyết định

Trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ hơn, tính độc quyền của doanh nghiệp nước ngoài không còn như xưa nữa buộc các tập đoàn đa quốc gia phải tìm đến các nhà cung ứng nội địa để giảm thiểu chi phí.

Nói như vậy không có nghĩa việc gia nhập chuỗi cung ứng của các tập đoàn này là dễ dàng bởi lẽ phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của họ.

“Mới đầu chúng tôi không quá băn khoăn trong đề nghị hợp tác từ phía GE tuy nhiên cũng cần phải xem xét liệu rằng điều kiện cũng như nguồn lực của mình ở thời điểm đó có phù hợp để thay đổi và thích nghi với những yêu cầu của họ hay không”, lãnh đạo Thép Nhật Quang chia sẻ.

Ông Thành cho rằng nhiều doanh nghiệp Việt quy mô còn nhỏ trong khi đó muốn tồn tại và bắt tay với các ‘ông lớn’ nước ngoài thì bắt buộc phải có được những sản phẩm và thị trường sẵn có để duy trì hoạt động trong khi mạo hiểm thay đổi và đầu tư mà chưa có lợi nhuận ngay tức thì.

“Thị trường nội địa của Thép Nhật Quang ở thời điểm đấy tương đối ổn định cho việc tách ra một phần để đầu tư và sẵn sàng thay đổi nội tại của mình mà chưa tính đến vấn đề thu lợi nhuận ngay trước mắt hay sản xuất được sản phẩm cung cấp ngay cho đối tác”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.

Trở thành nhà cung ứng cho General Electric, Canon và Honda, đâu là bí quyết của doanh nghiệp này? 1
Ông Nguyễn Trung Thành (thứ 3 từ trái sang).

Theo lãnh đạo Thép Nhật Quang, để có thể cung cấp được sản phẩm mẫu cho GE, công ty này phải mất tới khoảng 6 tháng đến 1 năm. Sau đó, khi đã đáp ứng được yêu cầu, GE mới bắt đầu lấy hàng ổn định hơn.

“Có thể hoạt động hiện tại của mình là 9 phần, và việc hướng tới vấn đề của các doanh nghiệp kia chỉ chiếm 1 phần thôi nhưng để đáp ứng được 1 phần đấy, đôi khi phải thay đổi cả 9 phần còn lại”, ông Thành cho biết.

Nhìn lại dấu mốc 8 năm về trước khi Thép Nhật Quang quyết định dám thay đổi mình để trở thành nhà cung ứng cho GE, ông Thành cho biết đã bước một bước đi liều lĩnh bởi lẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và chi phí để thay đổi toàn bộ hệ thống sau hơn 10 năm được thành lập và đi vào hoạt động ổn định.

Dù vậy, sự liều lĩnh trong việc dám chuyển dịch rõ ràng đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận cho công ty này với sự phát triển mạnh mẽ trong suốt hơn 8 năm qua cùng với việc trở thành nhà cung ứng của nhiều tập đoàn đa quốc gia khác như Canon hay Honda bên cạnh GE.