Thị trường dầu căng thẳng theo vụ tấn công Syria

Kim Ngân - 17:49, 16/04/2018

TheLEADERSau khi có tuần tăng trưởng cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, giá dầu hiện đã suy giảm do sự gia tăng sản xuất tại Mỹ.

Thị trường dầu căng thẳng theo vụ tấn công Syria
Vụ không kích tại Syria được đánh giá chỉ mang lại tác động nhất thời cho thị trường dầu toàn cầu. Ảnh: Kaveh Kazemi | Getty Images

Tuần trước, giá dầu thô toàn cầu được đẩy lên mức đỉnh kể từ tháng 12/2014 khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành tấn công Syria, gia tăng căng thẳng tại khu vực xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.

Thứ sáu tuần trước, thời điểm diễn ra vụ không kích, giá dầu Brent tại phiên đóng cửa đạt 72,58 USD một thùng, tăng 0,56 USD và cùng với đó, giá dầu WTI của Mỹ đạt 67,39 USD, tăng 0,32 USD/ thùng.

Reuters tính toán rằng, cả hai loại dầu trên đều tăng khoảng 8% so với thời điểm đầu tuần trước, tạo ra tuần tăng trưởng mạnh nhất trong khoảng 9 tháng trở lại đây. Theo số liệu mới nhất, giá dầu hiện đã có sự suy giảm nhẹ với khoảng 1,1%.

Nhiều nhà giao dịch cho biết thị trường châu Á bắt đầu trở nên thận trọng hơn sau cuộc không kích cuối tuần trước và không ít người đánh giá rằng, sự tăng trưởng sau đó sẽ khó có thể được kéo dài hơn.

CNBC cho rằng cuộc công kích Syria chỉ tạo ra một phản ứng nhỏ trong thị trường dầu mỏ. Giá dầu có tiến đến ngưỡng 80 USD một thùng hay không còn phụ thuộc vào cách Syria và các đồng minh của Nga phản ứng cũng như việc Mỹ lựa chọn liệu có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt lệnh trừng phạt lên các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hay không.

Mặc dù Syria chỉ sản xuất lượng dầu nhỏ nhưng diễn biến tăng lên của giá dầu trong tuần qua cho thấy mối lo ngại rõ ràng đối với sự bất ổn của khu vực Trung Đông.

Chuyên gia phân tích dầu tại Energy Aspects, ông Amrita Sen nhận xét: "Tính đến thời điểm này, dầu thô đã vượt qua hầu hết kỳ vọng và thậm chí đã tăng quá nhanh. Không có nghi ngờ gì về những tác động của cuộc tấn công vào tuần trước nhưng trong tuần này, khả năng sẽ xảy ra một đợt bán tháo khi cuộc không kích đã kết thúc và những cái đầu lạnh chiếm ưu thế ở Washington".

Không chỉ chịu tác động từ vấn đề địa chính trị, dầu thô toàn cầu còn phải gánh áp lực từ hoạt động giàn khoan của Mỹ.

Trong tuần vừa qua, tính đến ngày 13/4, các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung thêm 7 giàn khoan, nâng con số tổng cộng lên 815, đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Việc tăng nguồn cung này từ Mỹ có thể khiến nỗ lực vực dậy giá dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) thành “công cốc”.

Trong khi Nga cùng OPEC cam kết kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung nhằm giảm mức tồn kho toàn cầu thì các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ, những người không tham gia vào thỏa thuận cũng như có chi phí thấp hơn, lại đang gia tăng sản xuất trong bối cảnh giá lên cao.

Sản xuất dầu đá phiến hiện vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi không ít nhà hoạt động môi trường cho rằng quá trình này có thể gây ra ô nhiễm nước ngầm và thậm chí, tạo ra các trận động đất nhỏ.

Đánh giá về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, OPEC dự đoán rằng nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 khi nền kinh tế dần hồi phục.

Dự kiến nhu cầu thế giới sẽ tăng lên mức 98,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm nay, tăng so với con số 97,01 triệu thùng của năm ngoái.