Thị trường lao động đang dần phục hồi

An Chi - 16:31, 18/04/2022

TheLEADERTrong quý I/2022, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động đang dần phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Số người lao động có việc làm và thu nhập bình quân đã tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Thị trường lao động đang dần phục hồi
Tình trạng thiếu việc làm trong 3 tháng đầu năm 2022 đã được cải thiện

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước trong quý I/2022 là 51,2 triệu người. Con số này đã tăng hơn 441.000 người so với quý trước và tăng gần 160.000 người so với cùng kỳ năm 2021. 

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động quý I/2022 là 68,1%. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả gia khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 200.000 người. Lao động có việc làm ghi nhận mức tăng ở cả khối doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Theo ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước, tuy vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng mức độ giảm dần. Đặc biệt, vấn đề thiếu việc làm ở khu vực dịch vụ đã được cải thiện đáng kể.

So với quý trước, số người thiếu việc làm quý I/2022 là 1,3 triệu người, giảm 135.200 người; tỉ lệ thiếu việc làm của lao động là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm.

Ông Nam cho rằng, Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết 126/NQ-CP của Chính phủ được triển khai kịp thời đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, bảo đảm duy trì việc làm cho người người lao động. Những chính sách này đã làm cho tình trạng thiếu việc làm 3 tháng đầu năm được cải thiện.

Bên cạnh số lượng người lao động có việc làm tăng, thông tin từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I đạt 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức. Lao động "tự sản tự tiêu" giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I/2022 là 4,8 triệu người (thấp hơn 0,1 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước), số lao động này chủ yếu biến động ở khu vực nông thôn. Khoảng 70% số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I/2022 là nữ giới (chiếm 62,4%).

Trong tổng số 4,8 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2,7 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,8%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. 

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới tình hình lao động việc làm, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi trong quý I/2022 là 7,93%, mặc dù đã giảm 0,85% so với quý trước nhưng vẫn tăng 0,49% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,3%, cao hơn 2,1% so với khu vực nông thôn.

Trước tình hình, ông Nam đề xuất Chính phủ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Trước đó, những tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là yếu tố giúp thị trường lao động phục hồi và tăng trưởng.

Cụ thể, trong quý I/2022, có 34,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng là 30.778 doanh nghiệp (chiếm 89% và tăng 18,9%) 

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới cao nhất với gần 14,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có 10.207 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,1%.

Tổng số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế 3 tháng đầu năm 2022 là 706,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2021. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 25,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 73,6% và tăng ở tất cả các lĩnh vực, trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng mạnh nhất (1.485 doanh nghiệp, tăng 105,4%) do tác động tích cực từ việc mở cửa đón khách quốc tế.

Cũng trong quý I/2022, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 4.355 doanh nghiệp, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm trước.