Tìm cách giúp nông nghiệp Việt tiếp tục là trụ đỡ kinh tế

Kiều Mai - 20:37, 12/06/2023

TheLEADERTheo chuyên gia HSBC, dù bối cảnh hiện tại có nhiều thách thức, triển vọng nông nghiệp Việt Nam vẫn tươi sáng trong vài năm tới, nhờ sáng kiến của chính phủ và các hiệp định thương mại tự do.

Bệ đỡ lớn từ chính phủ

Ông Surajit Rakshit, Giám đốc Trung tâm Thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của HSBC Việt Nam, nhận định để ngành nông nghiệp tiếp tục tỏa sáng, phát triển, và đóng góp vào sự phát triển bền vững cũng như mục tiêu cân bằng phát thải của Việt Nam, chính phủ chắc chắn đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Theo ông, các nhà làm chính sách của Việt Nam đã rất tích cực thể hiện vai trò này.

Đơn cử, nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp và nông thôn, năm 2018, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, chè…

Những sản phẩm này thuộc nhóm áp dụng các biện pháp hỗ trợ ưu đãi như miễn, giảm tiền thuê đất, mặt nước, ưu đãi về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực…

Tìm cách giúp nông nghiệp Việt tiếp tục là trụ đỡ kinh tế
Nông nghiệp từ lâu đã là một ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như diện tích đất canh tác, độ phủ của rừng, các vùng lãnh hải, khí hậu nhiệt đới, lực lượng lao động dồi dào và chi phí hiệu quả. Ảnh: Hoàng Anh/TheLEADER.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai các chính sách, nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, để nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Chính phủ cũng đang chú trọng giải quyết một trong những thử thách khó khăn nhất – biến đổi khí hậu – để giúp ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Việt Nam đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải khí nhà kính, và ra quyết định nhằm hiện thực hóa mục tiêu, bao gồm các hoạt động thích ứng và giảm thiểu trong ngành nông nghiệp.

Sau khi đưa ra cam kết mạnh mẽ tại COP26 về cân bằng phát thải, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Đây là một chính sách quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của Việt Nam, vạch ra những mục tiêu cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính, ông Surajit Rakshit đánh giá tại diễn đàn kết nối đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao mới đây.

Vai trò của các tổ chức tài chính

Theo ông Surajit Rakshit, các cam kết về vốn của các tổ chức tài chính sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp, giúp các doanh nghiệp này tiếp cận tài chính xanh, hỗ trợ tăng trưởng cũng như chiến lược bền vững của họ.

Đại diện HSBC cho biết, các ngân hàng như HSBC đang sẵn sàng hỗ trợ hoặc cân nhắc các giải pháp thương mại xanh (được hỗ trợ bởi một số chứng nhận nhất định), hoặc giải pháp tài trợ chi phí vốn/máy móc nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất bền vững.

Hiện tại, ngân hàng này đang chuẩn bị thông qua một khoản vay xanh cho một doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành trồng trọt và thủy hải sản.

Trước đó, HSBC đã thu xếp giao dịch bảo lãnh khoản vay không ràng buộc đầu tiên ở ASEAN, nhằm hỗ trợ chi phí vốn và vốn lưu động cho Nutifood. 

Đầu năm 2022, HSBC Việt Nam công bố cam kết thu xếp lên đến 12 tỷ USD tài chính bền vững trực tiếp và gián tiếp cho Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam tới năm 2030.

Doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò trung tâm

Ông Surajit Rakshit nhận định các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp Việt Nam đang ngày càng chủ động và nghiêm túc hơn trong phát triển, thực hiện chiến lược bền vững, từ mô hình kinh tế tuần hoàn, chuỗi cung ứng bền vững, tới các chương trình về môi trường và hỗ trợ cộng đồng khác.

Các doanh nghiệp chú trọng hơn đến nông nghiệp xanh không chỉ để giúp Việt Nam giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp, mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản từ các thị trường xuất khẩu (Mỹ, EU).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ngày càng linh hoạt và thành thạo hơn trong quản lý hoạt động nguồn vốn, dịch chuyển từ giao dịch tiền mặt sang sử dụng nền tảng trực tuyến.

Cùng với đó, doanh nghiệp tích cực tìm kiếm giải pháp số hóa các hoạt động bên trong doanh nghiệp và cải tiến cũng như tối ưu hóa vốn lưu động.

“Tôi muốn nhấn mạnh vào điểm này, vì nông nghiệp ở Việt Nam được coi là một ngành thiên về tiền mặt. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang dần thay đổi, và chính phủ đã nỗ lực hiện đại hóa ngành nông nghiệp bằng nhiều sáng kiến”, ông cho biết thêm.

Có rất nhiều giải pháp tài chính trên thị trường, như khoản vay để thanh toán cho người nông dân cung cấp đầu vào, cũng như khoản vay đối với tín dụng xuất khẩu/đóng gói ở đầu ra.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp muốn hỗ trợ thêm cho hệ sinh thái của họ, và quan tâm hơn đến những giải pháp như tài trợ chuỗi cung ứng hay tài trợ nhà phân phối. Đó cũng là một trong những lợi thế cạnh tranh của họ trong môi trường cạnh tranh gay gắt về giá như hiện nay, ông nhấn mạnh.