TP. HCM đứng 'áp chót' xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu

Hoàng An - 14:14, 29/09/2023

TheLEADERTheo Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu (GFCI), TP. HCM hiện đứng thứ 120 trong tổng số 121 thành phố được xếp hạng, giảm 8 bậc so với năm trước đó.

TP. HCM đứng 'áp chót' xếp hạng trung tâm tài chính toàn cầu
Dù tăng điểm so với năm ngoái, TP. HCM vẫn giảm 8 bậc trên bảng xếp hạng GFCI (Ảnh: Hoàng Anh)

Chỉ số GFCI lần thứ 34 (GFCI 34) vừa được công bố bởi Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc vào ngày 28/9 vừa qua.

GFCI được tính điểm dựa trên 147 yếu tố đầu vào, do các tổ chức bên thứ ba như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Liên Hợp Quốc và tổ chức nghiên cứu Economist Intelligence cung cấp.

Các yếu tố công cụ được sử dụng trong mô hình GFCI được nhóm thành năm lĩnh vực cạnh tranh lớn: Môi trường kinh doanh, vốn nhân lực, cơ sở hạ tầng, phát triển ngành tài chính và danh tiếng.

Năm nay, TP. HCM đã ghi nhận 10 điểm tăng trưởng trong chỉ số GFCI, đạt mức 577 điểm. Trong đó, mặc dù số điểm về phát triển công nghệ tài chính tăng 6 điểm, xếp hạng của TP. HCM giảm 9 bậc.

Tuy nhiên, với nhóm các chỉ số khác, sự cải thiện ở đầu tàu kinh tế Việt Nam diễn ra vẫn chậm hơn nhiều so với nhiều thành phố khác trên thế giới, dẫn đến sự tụt giảm trên bảng xếp hạng.

TP. HCM đã có sáng kiến xây dựng trung tâm tài chính quốc tế từ gần 20 năm trước, bắt đầu từ những năm 2000. Mục tiêu "đưa TP. HCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế" đã được đưa ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tại cuộc họp vào tháng 2/2022, TP. HCM đã định hướng phát triển thành trung tâm tài chính khu vực từ năm 2026 đến 2045. Mục tiêu của Thành phố là lọt vào Top 50 trong GFCI vào năm 2030 và Top 20 vào năm 2045.

Địa phương đã xây dựng ra bốn chương trình hành động đến năm 2025, bao gồm: phát triển công nghệ tài chính, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy tích hợp tài chính khu vực; phát triển Khu Tài chính - Thương mại Thủ Thiêm; và phát triển thị trường giao dịch hàng hóa.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP. HCM 2023 diễn ra gần đây, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã đề xuất rằng thành phố nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ của dự án trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng với sự tập trung vào kinh tế xanh và kinh tế số.

Trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tất cả các trung tâm tài chính đều cải thiện về xếp hạng với mức tăng xếp hạng trung bình là 3,7%. Singapore tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 toàn cầu, hơn Hồng Kông một điểm xếp hạng. Thượng Hải cũng có mặt trong Top 10 thế giới.

Các trung tâm hàng đầu Trung Quốc ổn định trên bảng xếp hạng nhưng nhiều trung tâm khác ở Trung Quốc đã thăng hạng trong khi bên ngoài Trung Quốc, 5 trung tâm tụt 10 bậc trở lên trên bảng xếp hạng.

Tại các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á, Manila tăng 3 điểm, cải thiện vị trí lên 6 bậc, đứng ở hạng 102. Trong khi đó, các thành phố như Bangkok, Kuala Lumpur và Jakarta đều đã tăng từ 12 đến 14 điểm, nhưng đồng thời cũng trượt từ 12 đến 22 bậc. Tuy nhiên, tất cả ba thành phố này vẫn đứng cao hơn TP. HCM, với xếp hạng lần lượt là 86, 80 và 95.

Về xếp hạng toàn cầu, New York tiếp tục duy trì vị trí thứ nhất với 763 điểm. London, Singapore và Hong Kong đứng ở các vị trí tiếp theo trong Top 10. Đáng chú ý, trong Top 10 này, Washington DC và Geneva đã thay thế vị trí của Seoul và Boston.