Diễn đàn quản trị
'Trận chiến' 30 ngày ở nhà máy Foxconn
Văn hoá tôn trọng con người và luôn đặt lợi ích con người ở vị trí quan trọng là yếu tố làm nên sức mạnh của cả đội ngũ cán bộ nhân viên Fushan Technology Việt Nam trong “trận chiến” chống dịch khi Bắc Ninh trở thành “điểm nóng” Covid-19 hồi đầu tháng 6/2021.
Nằm trong tâm dịch Bắc Ninh khi đợt dịch thứ tư diễn ra, tâm lý hoang mang là điều không thể tránh khỏi với các công nhân viên làm việc ở nhà máy Fushan tại khu công nghiệp VSIP (phường Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn) trực thuộc tập đoàn Foxconn với quy mô lên đến 5.000 nhân sự. Rủi ro cũng rất lớn khi nhà máy này có nhiều cán bộ nhân viên (CBNV) đến từ trung tâm thành phố Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang.
Để không bị động, ban lãnh đạo của nhà máy Fushan đã chủ động lên các kịch bản tình huống xấu nhất kèm phương án đối phó. May mắn không ghi nhận F0 nhưng nhà máy vẫn luôn trong tinh thần ‘căng cứng’ để khoanh vùng truy vết kịp thời khi có vấn đề phát sinh.
Không chỉ vậy, một ban chỉ huy phòng chống dịch gồm: đội phản ứng nhanh (ERT), công đoàn, nhân sự, hành chính, truyền thông nội bộ cùng đại diện các phòng, ban chức năng đã sớm được thành lập để phụ trách triển khai toàn bộ công tác chống dịch một cách đồng bộ. Nhờ vậy, tâm lý của công nhân phần nào được trấn an.
Dù bị đặt trong bối cảnh rủi ro cao nhưng sự quyết liệt, nhanh nhạy và sáng tạo trong cách làm là những lời khen được đoàn chuyên gia của Bộ Y tế dành cho Fushan và nhiều nhà máy tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh lúc bấy giờ.
Khởi động “cuộc chiến” 30 ngày
Thay vì thực hiện yêu cầu “3 tại chỗ” trong vòng hai tuần như yêu cầu của tỉnh Bắc Ninh, ban lãnh đạo Fushan đã có tầm nhìn về việc “chống dịch” có thể kéo dài một tháng. Doanh nghiệp này đã chuẩn bị mọi nguồn lực và củng cố tinh thần cho nhân viên. Mỗi người cũng được nhận thêm một khoản hỗ trợ từ công ty trong những ngày ở và làm việc tại nhà máy.
“Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chúng tôi đã dốc toàn lực thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ để chuẩn bị sẵn sàng cho 2.500 cán bộ công nhân viên vào ở trong nhà máy”, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, giám đốc bộ phận hành chính Fushan cho biết.
Ban chỉ huy phòng chống dịch Fushan đã nhanh chóng thiết lập khu lưu trú cho công nhân như một ‘khách sạn mini’ với đầy đủ dịch vụ ăn, ngủ, nghỉ, vệ sinh… Trong nhà máy cũng có sẵn hai siêu thị sẵn sàng phục vụ hết công suất để đáp ứng nhu cầu mua sắm vật dụng thiết yếu của công nhân viên.
Chị Hiền cho biết, nhiều cải tiến đã được thực hiện để đáp ứng đủ nhu cầu cho 2.500 con người. Đơn cử, toàn bộ vòi xịt trong nhà vệ sinh được chuyển thành vòi hoa sen để gia tăng số lượng buồng tắm.
Khi mọi thứ đã được thiết lập sẵn sàng cũng là lúc nhà máy tổ chức ‘buổi ra quân’ để đón CBNV. Buổi lễ diễn ra với khí thế hào hùng như đang bước vào một trận chiến mà mỗi công nhân mang trong mình tâm thế của một chiến sĩ đang sát cánh cùng ‘đồng đội’ chiến đấu với Covid.
Chị Lê Hoàng Phương Liên, nguyên phụ trách bộ phận truyền thông Fushan tin rằng, khi có chung mục tiêu và cảm nhận được đóng góp của mình trong thành quả đáng tự hào của tổ chức thì mọi người sẽ có động lực hơn. Đó cũng là tư duy làm truyền thông của chị và đội ngũ.
Vào đời điểm CBNV hoang mang nhất, bộ phận truyền thông nội bộ đã kịp thời phát hành ‘lời kêu gọi toàn quân kháng chiến’ từ Tổng giám đốc Fushan Technology Việt Nam Herbert Meng để trấn an, tạo động lực, giúp mọi người có niềm tin và sẵn sàng cùng nhau vượt qua thử thách lần này.
Đồng thời, toàn bộ màn hình của CBNV được chuyển sang hình ảnh với thông điệp “ngày quốc tế thiếu nhi đặc biệt nhất, nhập ngũ thành công”. Những sản phẩm truyền thông này đã được CBNV hưởng ứng nhiệt thành thể hiện qua sự gia tăng mạnh mẽ về lượng tương tác, lượt thích và chia sẻ trên các kênh.
Cũng trong buổi “nhập ngũ”, ban lãnh đạo và ban chỉ huy phòng chống dịch Fushan một lần nữa nhấn mạnh những đóng góp, cống hiến của từng CBNV khi tham gia vào đợt “nhập ngũ” lần này.
Đồng thời, để đảm bảo an toàn và duy trì sự tiện nghi, thoải mái, CBNV cũng được hướng dẫn quy trình và các nội quy cần tuân thủ nghiêm ngặt vị trí ngủ, lịch trình ăn uống, tắm rửa, trang phục.
Công ty cũng chú trọng hoạt động phòng cháy chữa cháy khi có người lao động lưu trú tại nhà máy, diễn tập phòng cháy chữa cháy khi người lao động bắt đầu vào lưu trú, đào tạo thoát nạn thoát hiểm, thiết lập khu vực sạc pin điện thoại riêng, lắp đặt thêm các thiết bị chữa cháy tại chỗ, có tổ tuần tra ca đêm đảm bảo người lao động luôn trong tình trạng an toàn cao. Nhà máy cũng phân luồng người lao động làm việc và lưu trú theo phương châm: ăn cùng ca, làm cùng dây chuyền, lưu trú cùng khu…
Duy trì sự hài lòng và liên tục gắn kết
Là người đảm nhiệm công tác truyền thông cho nhà máy, chị Liên và đội ngũ đã tận dụng tốt đa hiệu quả của loa phát thanh và hệ thống màn hình trình chiếu trong nhà máy.
Chị Liên chia sẻ, bản thân đã phải thu âm rất nhiều để dặn dò và phổ biến thông tin hàng ngày cho CBNV. Bây giờ nhắc lại, nhiều người cho biết rất nhớ giọng của chị và thậm chí “ám ảnh” vì ngày nào cũng được nghe tiếng chị trên loa “chào buổi sáng, đã đến giờ đi làm” hay “đã đến giờ nghỉ ngơi, chúc mọi người ngủ ngon”.
Với chị Liên, đó là một trải nghiệm thú vị vì lần đầu được thu bản tin chúc ngủ ngon bằng ba thứ tiếng: Anh, Trung và Việt. Nhà máy có nhiều nhân sự đến từ các quốc gia khác nhau nên đội ngũ truyền thông cũng phải cố gắng tạo cảm giác gần gũi cho nhân sự cả trong và ngoài nước.
Thế nhưng, vì phải chuẩn bị nơi ăn chốn ở cho 2.500 con người chỉ trong một thời gian rất ngắn nên không thể tránh khỏi những vấn đề nhỏ phát sinh ở trong giai đoạn đầu khiến nhiều người khó chịu. Công ty xác định nhanh chóng giải quyết bằng việc sử dụng kênh lắng nghe và tương tác hai chiều để ghi nhận góp ý của CBNV.
Thứ nhất là duy trì nhóm facebook dành cho công nhân để họ có cơ hội phản ánh vấn đề và tương tác. Ngoài ra, CBNV có thể nhắn tin riêng cho bộ phận truyền thông, công đoàn hoặc quản lý trực tiếp để chuyển thông tin về cho Ban chỉ đạo phòng chống Covid nhằm tìm cách khắc phục. Toàn bộ quá trình này cần sự phối hợp chặt chẽ của bộ phận truyền thông và đội ngũ cán bộ công đoàn nằm rải rác tại nhiều bộ phận.
“Bạn sẽ không thể tin được là có những hôm chỉ mới 3 giờ sáng tôi đã nhận được cuộc gọi từ công nhân. Ban chỉ huy phòng chống Covid gần như phải sẵn sàng tinh thần làm việc 24/7. Có những vấn đề như người nằm gần điều hoà thì lạnh mà nằm xa thì nóng hay tranh cãi vì người muốn bật đèn trong khi người khác muốn tắt đèn đi ngủ”, chị Liên chia sẻ.
Chị Liên cũng nhấn mạnh, công tác truyền thông kịp thời với nội dung, thông điệp rõ ràng và nhất quán đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo tinh thần cho CBNV. Có những khi vừa họp xong bằng tiếng Anh, chị và đội ngũ đã phải nhanh chóng viết bản tin và chuyển ngữ ra nhiều thứ tiếng để truyền đạt đến CBNV sớm nhất có thể vì theo chị, “hàng nghìn con người đang ngóng chờ thông tin từ mình nên phải làm việc hết công suất, không thể chậm trễ”.
Sau một tuần, mọi thứ đã đi vào ổn định hơn. Fushan bắt đầu tổ chức các hoạt động cho nhân sự đỡ buồn chán vì trong nhà máy vốn dĩ không có dịch vụ vui chơi giải trí. Wifi trước đây chỉ dành cho công việc văn phòng thì nay mở cho tất cả mọi người để đáp ứng nhu cầu giải trí và liên lạc với gia đình.
Các hoạt động thể dục thể thao được đẩy mạnh với các hoạt động của câu lạc bộ “Running” chạy quanh nhà máy hay ngày ‘Chủ nhật hạnh phúc”... Thậm chí, với đặc thù số lượng người lao động trẻ (chưa kết hôn) chiếm tỉ lệ cao, Fushan còn tạo điều kiện cho các cặp đôi có khoảng không gian và thời gian riêng để gặp gỡ và chia sẻ với nhau.
Sau ba tuần, một “tiệm cắt tóc soái ca” được hình thành ngay trong chính nhà máy mà công nhân viên đóng hai vai: khách hàng và thợ cắt tóc. Đó thực sự là một trải nghiệm khó quên.
Đáng chú ý, nếu nói về trải nghiệm đáng nhớ nhất của CBNV Fushan những ngày chiến đấu chống dịch thì không thể không kể đến ngày tiêm phòng vaccine. Do tiêm cùng lúc, có tới 20% số lượng người bị sốt cao nên công ty phải huy động thêm lực lượng y tế và xe cấp cứu trực sẵn. Bên cạnh đó, công ty cũng vận động CBNV động viên tinh thần và hỗ trợ nhau, người khoẻ chăm sóc người sốt cao.
“Khi mọi người ở cùng nhau và chăm sóc cho nhau, tinh thần đoàn kết và yêu thương được đẩy mạnh và thể hiện rõ nét”, chị Liên chia sẻ.
Trong quá trình ở nhà máy, đội ngũ truyền thông của Fushan cũng liên hệ với người nhà của công nhân để ghi lại những chia sẻ của họ với những ‘chiến sĩ’, làm thành một clip tổng kết. Nhiều câu chuyện cảm động đã được ghi lại và công chiếu cho toàn nhà máy. Đó là câu chuyện của một anh cán bộ có bốn người con, vợ vừa sinh đôi, nhưng cũng sẵn sàng hy sinh vì công ty và lợi ích chung. Đó là câu chuyện tập làm người trưởng thành của những em thiếu niên trong một tháng mẹ vắng nhà…
Quá trình lưu trú tại nhà máy cũng ghi lại những khoảnh khắc vô cùng xúc động của CBNV. Có những trường hợp người thân như: mẹ mất, em gái mất mà không thể về chịu tang. Trước những hoàn cảnh của CBNV, Ban chỉ huy phòng chống Covid và Công đoàn Fushan đã đề xuất phương án xét nghiệm PCR cho cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt, tạo điều kiện để họ được đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, trong giai đoạn “nước sôi, lửa bỏng” của dịch Covid, CBNV đã từ chối quay về cùng gia đình mà quyết tâm ở lại nhà máy. Fushan cũng tìm cách bố trí một khu tưởng niệm người thân ngay trong nhà máy nhưng người lao động không muốn làm ảnh hưởng tới tinh thần CBNV khác nên đã khéo léo từ chối.
Khi niềm mong mỏi vụt tắt
Khi mọi người hào hứng chuẩn bị trở về nhà sau một tháng làm việc tại nhà máy, tỉnh Bắc Ninh lại chỉ đạo doanh nghiệp cho công nhân ở trong nhà máy thêm một tuần nữa. Tinh thần của CBNV cũng vì vậy mà đi xuống.
Lúc này, ban chỉ đạo phòng chống Covid, đặc biệt là công đoàn và bộ phận truyền thông, xác định phải vực dậy tinh thần cho CBNV. Một bữa tiệc sinh nhật chung cho những người có sinh nhật vào tháng 6 được tổ chức ngay trong nhà máy. 170 CBNV được nhận từng chiếc bánh sinh nhật dành riêng cho mình.
Khi lệnh phong toả được gỡ bỏ, toàn bộ nhân viên được quay lại nhà máy làm việc như bình thường, Fushan đã tổ chức một ngày đoàn tụ. Đó là lúc mọi người được gặp lại nhau và chia sẻ cảm nghĩ về quá trình hơn một tháng sống trong nhà máy. Những món quà chào mừng cũng được chuẩn bị và trao tận tay từng người.
“Sau một tháng quay lại, chúng tôi thấy mọi người quá dũng cảm và hăng hái tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Khi được phỏng vấn, mọi người nói rất nhiều về tình người. Việc gắn kết với công ty rõ hơn trong giai đoạn khó khăn vì họ cảm nhận rằng công ty biết quan tâm đến người lao động và luôn đặt việc thoả mãn nhu cầu của người lao động lên hàng đầu. Hơn thế nữa, một tháng ăn, ngủ, nghỉ cùng nhau cũng khiến cho họ thêm hiểu và yêu quý nhau hơn”, chị Liên chia sẻ.
Động lực từ người lãnh đạo
Để duy trì động lực cho nhân viên nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép – vừa đảm bảo chống dịch, vừa duy trì sản xuất trong nhà máy – chị Liên cho rằng, chìa khoá nằm ở sự ủng hộ của lãnh đạo doanh nghiệp. Chính chị cũng nhiều lần gọi điện trực tiếp cho vị Tổng giám đốc người Đài Loan khi có vấn đề và đều được hướng dẫn.
“Cách ứng xử của lãnh đạo với những phản ánh của nhân viên trước hết là lắng nghe và phản hồi nhanh khi có vấn đề diễn ra. Họ luôn tuân thủ những chỉ đạo, chính sách của Nhà nước nhưng cũng sẽ cân đối với quyền lợi của CBNV không để nhân sự chịu thiệt thòi. Chẳng hạn như quyết định hỗ trợ thêm cho công nhân một khoản tiền ngoài tiền lương trong thời gian ở lại nhà máy làm việc”, chị Liên cho biết.
Hơn một tháng công nhân ở lại nhà máy ‘chiến đấu’ với dịch để duy trì sản xuất cũng là chừng ấy thời gian ban lãnh đạo nhà máy đồng cam cộng khổ cùng họ thay vì về nhà chỉ đạo từ xa. Khi có bất cập, lãnh đạo đều trực tiếp chỉ đạo đội phản ứng nhanh ERT giải quyết nhanh chóng.
Chị Liên cho biết, không chỉ trong đợt dịch mà ở mọi thời điểm, lãnh đạo Fushan luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên và tìm cách cải thiện.
“Duy trì các kênh lắng nghe đa chiều là việc của đội truyền thông nhưng lãnh đạo có ghi nhận và sửa đổi hay không mới là vấn đề. Điều quan trọng là tiếng nói của CBNV được tiếp nhận. Khi họ đề xuất bất cập với công đoàn và bộ phận hành chính thì đều được tổng giám đốc tiếp thu và có chỉ đạo để cải thiện”, chị Liên nói.
Sự có mặt của ông Hertbert Meng từ đầu tháng 5/2021 khiến những cán bộ quản lý tại Fushan cảm thấy được trao quyền nhiều hơn, mọi thứ rõ ràng hơn và từng cá nhân cảm thấy được hỗ trợ tốt hơn. Về lãnh đạo Fushan, ông Herbert Meng duy trì văn hoá cũ và dần đưa thêm các cải tiến vào để hướng đến một phiên bản tốt hơn.
Nói về vị tổng giám đốc của Fushan, chị Liên mô tả, đó là một nhà lãnh đạo tài năng, luôn điềm tĩnh trong mọi trường hợp để nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo và tìm cách giải quyết. Chưa khi nào ông tỏ ra hoảng loạn hay xuống tinh thần ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng nhất.
Văn hoá ở Fushan luôn đề cao tính nhân văn, tôn trọng con người, tính cá nhân. Lãnh đạo doanh nghiệp này hiểu rằng, mức độ thành công của nhà máy được quyết định bởi yếu tố con người. Tính “người” cũng là yếu tố cốt lõi trong công tác xây dựng và phát triển thương hiệu của Fushan.
Thương hiệu được con người hoá, thương hiệu xuất phát từ con người thay vì được tô vẽ bởi những hình ảnh màu mè, những ngôn từ hoa mỹ.
Tăng sức chiến đấu cho doanh nghiệp trong 'bão' Covid-19
Doanh nghiệp sản xuất thích ứng với bình thường mới
Trong giải đoạn bình thường mới, các hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang tiếp tục được tăng tốc. Nhiều tỉnh thành đã ghi nhận trên 90% doanh nghiệp hoạt động, khôi phục chuỗi sản xuất trở lại.
Liều thuốc thử cho nhà lãnh đạo kiên tâm
Nhà lãnh đạo giỏi là người xử lý được khủng hoảng ngay sau khi khủng hoảng xảy ra. Nhà lãnh đạo kiên tâm là người quản lý được khủng hoảng thậm chí từ trước khi nó xảy ra.
Lãnh đạo kiên tâm để vượt qua làn sóng Covid-19 thứ hai
Hành trình phục hồi và hưng thịnh của các doanh nghiệp sẽ dài và khó khăn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu khi làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại Việt Nam với quy mô rộng và diễn biến phức tạp hơn.
Hậu đại dịch Covid-19 cần những nhà lãnh đạo 'kiên tâm'
Để tăng thêm niềm tin cho mọi người với tâm lý bất ổn trong và sau khủng hoảng, cần có những nhà lãnh đạo thực sự kiên tâm để vượt qua những thách thức tưởng chừng không thể vượt qua, đồng thời đưa doanh nghiệp vươn mình trỗi dậy sau đại dịch.
Diễn giả quốc tế: VinFuture thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ toàn cầu
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách mua căn hộ Newtown Diamond
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Mù Cang Chải sẽ có thêm khu nghỉ dưỡng thương hiệu quốc tế
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB trong Top 10 có báo cáo thường niên tốt nhất ngành tài chính
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Hà Nội thống nhất xây 3 cầu mới qua sông Hồng
Hà Nội đã họp bàn triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng bằng nguồn vốn công.
Kiến tạo nền quản trị hiện đại: Nền móng vững chắc cho khát vọng vươn mình
Xây dựng một nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả, linh hoạt chính là nền móng để hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam.
Bamboo Capital thắng lớn tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.