Trên thế giới, hành vi xem và tải phim lậu có thể bị phạt tù đến 20 năm

Hương Giang - 14:24, 01/11/2022

TheLEADERNạn phim lâu không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, để nâng cao ý thức của người dân về bản quyền và sở hữu trí tuệ, nhiều quốc gia đã đặt ra mức phạt tiền rất cao và thậm chí là phạt tù đối với hành vi phát tán và xem phim lậu.

Trên thế giới, hành vi xem và tải phim lậu có thể bị phạt tù đến 20 năm
Game of Throne là một trong những bộ phim bị tải lậu và phát tán trên mạng Internet nhiều nhất trên thế giới (Ảnh: HBO)

Tình trạng xem phim lậu trên thế giới

Chỉ cần tìm kiếm một cách đơn giản trên mạng, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy rất nhiều nguồn chiếu phim lậu. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng hành vi phát tán phim lậu này sẽ gây tổn thất nặng nề về doanh thu đối với các nhà sản xuất.

Trong khi đó, các trang web chiếu phim lậu lại có thể thu về hàng trăm triệu USD mặc dù không phải trả bất cứ xu nào để sản xuất hay mua bản quyền. Theo số liệu của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ (MPAA), hiện có 710 triệu bộ phim và truyền hình đang được chia sẻ trên các web một cách phi pháp, gây thiệt hại hàng tỷ USD.

Theo luật Bản quyền Mỹ, việc phát tán phim, nhạc hoặc tải tài liệu mà không được sự cho phép của nhà sản xuất là hành vi bất hợp pháp. Người đăng tải hay xem lại nội dung đều bị xem là phạm pháp vì đã xâm phạm quyền tác giả và sở hữu trí tuệ.

Theo thống kê của trang All Connect, bộ phim Game of Thrones là phim bị tải lậu và phát tán trên mạng Internet nhiều nhất, với hơn 78,5 tỷ lượt truy cập để tải phim vào năm 2015. Theo một nghiên cứu của Business Insider, trong số đó, 23% người nói rằng họ không biết việc tải phim là bất hợp pháp, còn 32% cho rằng họ không muốn trả phí để xem phim nên phải truy cập lậu.

Trong khi đó, Ấn Độ là một trong năm quốc gia đứng đầu về nạn xem và tải phim lậu. Những bộ phim nổi tiếng của nước này như Udta Punjab, Mohalla Assi, Paanch, Tera Kya Hoga Johnny… đều bị tải lậu và được phát tán miễn phí trên mạng. Thậm chí, có phiên bản HD của những bộ phim này còn bị rò rỉ trên mạng trước khi được công chiếu.

Do đó, Ấn Độ đã coi việc chống lại nạn phim lậu là cuộc chiến quyết định sống còn đối với sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh Bollywood.

Các quốc gia trên thế giới xử lý vi phạm thế nào?

Theo tờ USA Today, tháng 8/2019, 8 người đàn ông đã bị bắt giữ với tội danh vi phạm bản quyền thông qua việc sao chép và phát tán phim trên các trang web cá nhân. Nếu bị bắt vì tội chia sẻ phim trên các trang web ở Hoa Kỳ, người chia sẻ có thể đối mặt với mức phạt từ 750 USD (17,3 triệu đồng) trở lên.

Mặc dù đã sử dụng nhiều phương pháp để che giấu thông tin, các cơ quan liên bang Hoa Kỳ vẫn có thể tìm được địa chỉ IP của người dùng. Qua đó, những nhà cung cấp dịch vụ Internet có thể xác định được thiết bị nào đang truy cập web lậu để xem phim, từ đó có thể đưa người xem phim lậu ra hầu tòa.

Trong khi đó, ở châu Á, cụ thể là Ấn Độ đã giảm thuế dịch vụ, từ đó giảm giá vé xem phim, để giải quyết nạn phát tán và xem phim lậu bất hợp pháp. Điều này cho thấy Ấn Độ rất xem trọng những sáng tạo nghệ thuật và quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất. Vì vậy, các nhà làm phim đã coi đây là một bước tiến lớn trong hành trình đẩy lùi nạn phim lậu vốn đang hoành hành ở quốc gia này.

Hành vi xem và tải phim "lậu" có thể bị phạt tù lên đến 20 năm
Người dùng Ấn Độ có thể bị ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu truy cập và phát tán phim lậu (Ảnh: Viettimes.vn)

Ngoài ra, người dùng Ấn Độ thậm chí sẽ phải vào tù nếu như cố tình truy cập hoặc phát tán phim lậu trên nền tảng Internet khi chưa có sự đồng ý của chủ sở hữu bản quyền bộ phim. Tùy từng trường hợp cụ thể, người truy cập sẽ phải đối mặt với nhiều hình phạt khác nhau. Cụ thể, khi vi phạm lần đầu tiên, người dùng có thể bị ngồi tù từ 6 tháng đến 3 năm, hoặc bị phạt từ 50.000 đến 200.000 rupee.

Hình phạt sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu người dùng tiếp tục hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nếu chứng minh được rằng hành vi vi phạm của mình không nhằm mục đích thương mại mà chỉ để sử dụng cá nhân, người dùng sẽ phải chịu mức phạt thấp hơn.

Trong khi đó, ở Malaysia, hành vị phát trực tuyến bất hợp pháp sẽ phải đóng tiền phạt rất cao. Một báo cáo của TorrentFreak cho thấy, Malaysia đã sửa đổi luật bản quyền để trừng phạt hành vi phát trực tuyến các bộ phim, tác phẩm lậu.

Những người cung cấp những dịch vụ phát trực tuyến và thiết bị gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu bản quyền có thể phải nộp mức tiền phạt tương đương từ $2,377 trở lên, hoặc đối mặt với án tù lên đến 20 năm, hoặc chịu phạt đồng thời cả hai.

Luật sửa đổi bản quyền của Malaysia cũng khuyến khích các doanh nghiệp không thực hiện các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến hoặc dung túng sự hiện diện của nó. Trừ khi các nhà quản lý không biết về hành vi vi phạm và đã thực hiện "tất cả mọi trách nhiệm" để ngăn chặn các hành vi đó, nếu không họ sẽ bị coi là phạm tội có liên quan.

Luật bản quyền trên toàn thế giới thường đề cập đến hành vi vi phạm bản quyền kỹ thuật số, cũng như hoạt động tải xuống và khai thác phim lậu. Tuy nhiên, Đạo luật bản quyền của quốc gia này lại không thể chống lại những người bán thiết bị phát trực tuyến với mục đích vi phạm bản quyền trước khi Tòa án cấp cao đưa ra quyết định về vấn đề này.

Tuy nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều biện pháp để phòng, chống hành vi xâm phạm bản quyền của các tác phẩm sáng tạo. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt của mạng Internet, sự thiếu phối hợp trong việc xử lý những hành vi vi phạm luật bản quyền của các quốc gia, tình trạng vi phạm bản quyền sẽ còn là một vấn đề nhức nhối ở nhiều nơi trên thế giới.