Trung Quốc: Từ "anh công nhân của thế giới" đến "gã nhà giàu chịu chơi"

Nguyễn Lê - 09:51, 31/12/2017

TheLEADERHãy làm quen với điều này: Trung Quốc giờ đã không còn là "công xưởng của thế giới" nữa bởi Ngày hội mua sắm Lễ độc thân đã hoàn toàn 'thổi bay' Black Friday.

Trung Quốc: Từ "anh công nhân của thế giới" đến "gã nhà giàu chịu chơi"
Màn hình hiển thị doanh số bán hàng của Alibaba chỉ riêng trong ngày Lễ Độc thân. Ảnh: Qilai Shen/ Bloomberg.

Trung Quốc giờ đã thoát khỏi cái mác "nhà máy của thế giới". Đất nước này ngày càng trở thành một người tiêu dùng quan trọng của ‘ngôi làng’ toàn cầu. Mô hình tăng trưởng và đầu tư tập trung vào sản xuất và xuất khẩu đã trôi vào dĩ vãng, người Trung Quốc giờ thích tiêu xài hơn.

Tuy nhiên, một điều thậm chí còn quan trọng hơn đó là bản chất tiêu dùng của người Trung Quốc cũng đã thay đổi. Cách chi tiêu và mối quan tâm của họ không còn xoay quanh các mặt hàng thiết yếu, giờ đây, người Trung Quốc ngày càng có xu hướng dốc hầu bao vào phim ảnh, du lịch và chăm sóc sức khoẻ.

Trung Quốc: Từ "anh công nhân của thế giới" đến "gã nhà giàu chịu chơi"
Theo số liệu chính thức mới nhất, tiêu dùng của Trung Quốc chiếm 63,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng già và giàu hơn, dẫn đến một sự nâng cấp đáng kể trong các sản phẩm mà họ mua.

Thứ nhất, những sản phẩm mà người tiêu dùng Trung Quốc quan tâm đã dịch chuyển từ nhu cầu thiết yếu sang hàng hoá cao cấp. Tiêu dùng cho hàng may mặc và thực phẩm thiết yếu giảm, trong khi đó, mức chi cho thực phẩm sạch, điện thoại thông minh và máy tính bảng, hàng thể thao và đồ dùng gia đình, xe cộ và các sản phẩm làm đẹp đang chiếm ưu thế.

Thứ hai, người Trung Quốc đang quay lưng với các sản phẩm đại trà cấp thấp và dành sự ưu ái cho các thương hiệu cao cấp. Do sản phẩm trong nước dễ bị làm giả nên người Trung ưa thích các thương hiệu nước ngoài hơn. Họ coi việc sử dụng các thương hiệu nước ngoài đắt đỏ như một biểu tượng của sự giàu có và địa vị xã hội.

Thứ ba, người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu ít hơn đối với các sản phẩm vật chất thuần túy và chi nhiều hơn cho các trải nghiệm và dịch vụ bao gồm chăm sóc sức khoẻ, phim chiếu rạp, giáo dục, hòa nhạc, kế hoạch tài chính và du lịch (cả trong và ngoài nước).

Người Trung Quốc đang du lịch nước ngoài thường xuyên hơn, không chỉ tập trung ở các điểm đến xung quanh khu vực châu Á, mà còn mở rộng ở các nước phát triển như Úc, Mỹ, Canada, New Zealand và các nước châu Âu.

Trung Quốc: Từ "anh công nhân của thế giới" đến "gã nhà giàu chịu chơi" 1
Tiêu dùng hộ gia đình tăng trưởng theo cấp số nhân và tăng lên 4,5 nghìn tỷ USD

Tất cả những đặc điểm này sẽ ngày càng được thúc đẩy thông qua việc mua sắm đa kênh, bao gồm mua sắm trên điện thoại di động, trực tuyến và ngoại tuyến. Việc áp dụng nhanh chóng công nghệ Internet và điện thoại di động đã giúp Trung Quốc bắt kịp một số nước phát triển.

Người mua hàng coi trọng việc so sánh giá cả, đọc các đánh giá và dựa nhiều hơn vào các đề xuất từ phương tiện truyền thông xã hội.

Doanh số bán lẻ tăng trưởng với tốc độ khoảng 10%. Chi tiêu cho Lễ hội mua sắm Ngày độc thân năm nay (11/11) đạt con số ấn tượng 25 tỷ USD, gần gấp đôi doanh thu của ngày lễ mua sắm tương tự Black Friday của Mỹ, vào khoảng 14 tỷ USD (Biểu đồ 4).

Trung Quốc: Từ "anh công nhân của thế giới" đến "gã nhà giàu chịu chơi" 3

Khi tiêu dùng ngày càng gia tăng, mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không chỉ đến từ nội lực mà còn dựa vào nguồn lực từ bên ngoài. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cao cấp sẽ tăng lên và biến Trung Quốc thành thị trường hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia và các nhà đầu tư nước ngoài.

Một 'tác dụng phụ' quan trọng đó là thặng dư thương mại có phần nhạy cảm về chính trị của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm và thặng dư tài khoản vãng lai, thước đo luồng vốn hoàn chỉnh nhất, thậm chí còn giảm nhiều hơn. Điều này, lần lượt, có thể gây ra áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ.