Truyền thông 'may đo' giữa khủng hoảng

Phương Linh - 11:31, 26/09/2023

TheLEADERYếu tố quyết định thành công của một chiến dịch truyền thông không nằm ở ngân sách hay thời gian thực hiện mà ở việc các nhà cung cấp phải có khả năng đầu tư đi tìm lời giải để thấu hiểu khách hàng, doanh nghiệp và sản phẩm.

Làm truyền thông nhiều năm, ông Đinh Đức Hoàng, một trong những người sáng lập dự án Scan cho rằng, dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ nhất để lại cho khách hàng sau sự kiện giới thiệu sản phẩm thường không phải thứ diễn ra trên sân khấu mà lại là thư cảm ơn trong giỏ quà lúc ra về.

Hay đôi khi chỉ một cành hoa Bạch Trinh, loài hoa được trồng rất nhiều tại các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, từ một miền biển xa xôi, vượt qua hàng nghìn kilometre để đến trên bài tiệc của buổi lễ giới thiệu dự án.

Những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt, nhưng theo ông Hoàng, lại là sự quan tâm, thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu dự án và sản phẩm truyền thông. Nhờ đó, chiến lược truyền thông có thể chạm tới cảm xúc của khách hàng, dẫn dắt họ đến quyết định trải nghiệm, mua sản phẩm.

Và theo ông Hoàng, kế hoạch kinh doanh của cả dự án thành công hay thất bại, chính là phụ thuộc vào yếu tố này.

Giải pháp truyền thông bền vững trong khủng hoảng
Ông Đinh Đức Hoàng chia sẻ tại lễ ra mắt dự án Scan - truyền thông bền vững trong kỷ nguyên đầy biến động. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng chỉ ra rằng, đây là điều không dễ thực hiện và nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu thực thi. Chiến lược truyền thông của doanh nghiệp thường được thực hiện phân mảnh, qua nhiều chiến dịch, bởi nhiều nhà thầu, trên nhiều nền tảng nên không nhất quán.

Các nhà thầu thực hiện có thể rất chuyên nghiệp về lĩnh vực của họ nhưng lại thiếu sự quan tâm đến sản phẩm, ngành hàng, danh tính công ty mà họ truyền thông.

Các chương trình sự kiện, chiến dịch tiếp thị nội dung được tổ chức rập khuôn. Đó chỉ là "phần cứng" trong khi lại thiếu quan tâm đến "phần mềm", thiếu đầu tư để thấu hiểu khách hàng và sản phẩm.

Bản thân mô hình ý tưởng của nhà cung cấp cũng theo một quy trình có sẵn để tối ưu nguồn lực, trong khi nếu đầu tư để "thấu hiểu", chi phí cả về thời gian, tiền bạc sẽ cao hơn rất nhiều.

Đơn cử như muốn cắm hoa Bạch Trinh lên bàn tiệc tại lễ mở bán dự án bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra tại Hà Nội, người làm truyền thông phải bay hàng nghìn km để đến tìm hiểu về dự án, sản phẩm mà mình muốn truyền thông và thông điệp muốn gửi đến khách hàng. 

Trong khi đó, việc sử dụng những mẫu cắm hoa có sẵn của khách sạn sẽ giúp họ tiết kiệm thời gian, chi phí hơn nhiều. 

Bên cạnh đó, một loạt rào cản khác trên hành trình của sự thấu hiểu được ông Hoàng chỉ ra như thiếu người lãnh đạo công ty truyền thông đủ tâm, đủ tầm và nhiệt huyết để "giữ lửa" cho toàn bộ đội ngũ nhân viên thực thi. Hay những khó khăn trong việc tìm nhà thầu thi công các hạng mục công việc đặc biệt, đặc thù. 

Nhớ lại lần làm truyền thông cho một sự kiện trong lĩnh vực quế hồi, ông Hoàng và các cộng sự đã quyết định thay tất cả hoa trên bàn tiệc bằng "hoa hồi quế" nhằm tạo ấn tượng cho khách hàng. 

Vốn là thứ được dùng nhiều trong các dự kiến giới thiệu dự án bất động sản, sa bàn cũng được sử dụng để kể câu chuyện về các vùng đất trồng quế hồi tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, những hạng mục như hoa sự kiện hay sa bàn quá đặc thù, số lượng lại nhỏ nên không có nhà cung cấp nào nhận thực thi. Thay vì thuê ngoài, ông Hoàng đành phải tự lấy số liệu để vẽ sa bàn và đặt hàng một kiến trúc sư thực hiện. 

Kết quả đạt được sau bao vất vả, sáng tạo là sự ấn tượng rất lớn đối với khách hàng trong sự kiện và thành công cho doanh nghiệp đặt hàng làm truyền thông. 

Cuối cùng, điều quan trọng nhất quyết định hiệu quả của một chiến dịch không nằm ở ngân sách hay thời gian thực hiện, mà ờ việc các nhà cung cấp phải có khả năng đầu tư đi tìm lời giải để thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu sản phẩm.

Lựa chọn truyền thông bền vững

Với tư cách là người làm sáng tạo, ông Hoàng luôn băn khoăn với câu hỏi "có lên tiếp tục những dự án như hoa Bạch Trinh hay sa bàn quế hồi hay không".

Ở góc độ nhà cung cấp, việc thực thi các chiến dịch truyền thông thấu hiểu sản phẩm, thấu hiểu khách hàng, thường ít mang lại lợi nhuận bởi ngốn quá nhiều các khoản chi phí, thời gian, nhân lực.

Vì thế, việc thấu hiểu khách hàng, thấu hiểu sản phẩm đang dần trở nên xa xỉ, chỉ dành cho các công ty tư vấn lớn có khả năng điều tra nghiên cứu kéo dài nhiều tháng về doanh nghiệp và sản phẩm doanh nghiệp đó cung cấp để xây dựng chiến lược truyền thông phù hợp. 

Theo ông Hoàng, mẫu thuẫn giữa cách làm truyền thông "may đo" với "sản xuất hàng loạt" sẽ vẫn ở đó và ngày càng được khắc sâu hơn, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, ngân sách của các doanh nghiệp hạn chế và có nhiều xu hướng mới xuất hiện.