TS. Nguyễn Đức Thành: Kinh tế 2020 đối diện nguy cơ tăng trưởng âm

An Chi - 17:38, 06/04/2020

TheLEADERChuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành cho rằng, dưới tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 có thể bằng 0, thậm chí là đối diện nguy cơ tăng trưởng âm.

TS. Nguyễn Đức Thành: Kinh tế 2020 đối diện nguy cơ tăng trưởng âm
Nhiều dự báo không mấy lạc quan đã được các chuyên gia đưa ra khi nhìn nhận về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020

Theo ông Thành, dịch bệnh Covid-19 tác động rất nặng nề đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dịch bệnh sẽ khiến nền kinh tế rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, thậm chí để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng gần đây nhất là giai đoạn 2008 - 2011.

"Nếu như cuộc khủng hoảng năm 2008 giống như một vụ đâm xe khiến doanh nghiệp ngay lập tức bị thương do lạm phát, lãi suất tăng vọt thì cuộc khủng hoảng lần này lại giống như việc thiếu o xy làm cho doanh nghiệp chết dần", ông Thành so sánh.

Dịch bệnh kéo dài dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu ngưng trệ, doanh nghiệp không có nguồn thu, trong khi các chi phí về tiền thuê đất, thuê mặt bằng, lương nhân viên, người lao động, lãi vay ngân hàng vẫn phải trả. 

Các doanh nghiệp hiện đang cố gắng "cầm cự" song do sức chịu đựng rất yếu, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, hàng loạt doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản. Hệ quả của nó để lại đối với nền kinh tế là rất lớn. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm mạnh về mức bằng không, thậm chí là tăng trưởng âm, ông Thành dự báo.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2020 chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ năm trước với sự sụt giảm của cả ba khu vực công nghiệp, xây dựng; dịch vụ; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. 

Điều này đang cho thấy tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều so với dự báo. Bởi trong các kịch bản tăng trưởng được đưa ra trước đó, dù kém lạc quan nhất, tăng trưởng GDP quý I cũng được ước tính ở mức trên 4,2%.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, sự suy giảm kinh tế này không chỉ xảy ra với Việt Nam mà xuất hiện trên toàn cầu. Ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã liên tục có những kịch bản khác nhau về tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế thế giới. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay nhiều khả năng sẽ bằng 0. 

Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF thậm chí còn cho rằng, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái với mức độ tồi tệ hơn năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm trong quý vừa qua là thành công bước đầu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, bức tranh kinh tế trong quý I mặc dù đã có sự suy giảm nhưng vẫn tương đối khả quan. Tăng trưởng kinh tế quý I chưa bị tác động quá lớn bởi dịch bệnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà suy giảm, con số tăng trưởng 3,82% vẫn là điểm sáng tích cực khi giúp nền kinh tế tạm thời thoát khỏi nguy cơ đóng băng. Vẫn có một số ngành dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định như tài chính ngân hàng, bảo hiểm; thông tin truyền thông; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội.

Tuy nhiên, không giữ sự lạc quan này đến hết năm nay, ông Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, với dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, số ca lây nhiễm và tử vong ngày càng gia tăng, nhất là những quốc gia phát triển như Mỹ và EU, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý II và các quý tiếp theo sẽ chịu tác động rất nặng nề. 

"Kinh tế Việt Nam có thể sẽ rơi vào khủng hoảng, GDP giảm sâu. Dịch bệnh sẽ ảnh hưởng toàn diện lên mọi mặt của nền kinh tế, không chỉ du lịch, mà cả giao thông, giải trí, dịch vụ ăn uống, tình hình kinh tế sẽ rất tệ hại”, ông Hiếu nhận định.

Nguyên nhân được ông Hiếu đưa ra là do quý I năm nay, nền kinh tế vẫn đang được hưởng lợi từ “đà tăng trưởng” của năm ngoái. Các hợp đồng xuất khẩu, sản xuất cũng được ký kết từ trước, phải sang tháng 3, các doanh nghiệp mới khó khăn hơn. 

Tuy nhiên, sang đến quý II, tình hình sẽ khác khi nhiều nước đã thực hiện biện pháp “bế quan, tỏa cảng”. Ngay ở Việt Nam, lệnh đóng cửa các cửa hàng, các dịch vụ không thiết yếu cũng sẽ được thực hiện tới giữa tháng 4. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

"Kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu, dịch vụ du lịch. Trong khi đó, đây là những ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Do đó, mặc dù rất muốn lạc quan nhưng với tình hình hiện tại thì rất khó có thể lạc quan được", ông Hiếu nói.

Dự báo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2020, ông Lâm cũng cho rằng, nhìn vào tốc độ tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế trong quý I, rất khó có thể kỳ vọng kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong năm nay.

Tổng cục Thống kê đã xây dựng ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế năm 2020. Cụ thể, với kịch bản 1, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý II, tăng trưởng GDP cả năm được dự báo ở mức trên 5%. Kịch bản 2, dự báo dịch Covid-19 sẽ kéo dài tới hết quý III, tăng trưởng GDP cả năm vẫn được dự báo ở mức trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1. Kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8% như chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức lớn, rất khó đạt được. Bởi Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn, phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài trong khi các nước đối tác lớn đều đang đóng cửa thương mại, biên giới để ưu tiên phòng tránh dịch bệnh.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ông Lâm cho rằng, nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 5% đã là thành công rất lớn.