Bảo tàng 11.000 tỷ đồng: Xây hay dừng hẳn?
Thay vì xây bảo tàng mới, có thể đầu tư, sắp xếp để sử dụng hợp lý các bảo tàng hiện có; ưu tiên ngân sách cho các dự án phục vụ người nghèo.
Cách hay hơn cả là chuyển Bảo tàng Cách mạng đi nơi khác, giao lại toàn bộ cơ sở đó cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia, ông Phạm Sỹ Liêm nêu quan điểm
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Theo đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án với tổng mức đầu tư 11.000 tỷ đồng do dự án này đã nhiều lần phải giãn tiến độ vì khó khăn về vốn.
Trước đề xuất của Bộ Xây dựng, tính cần thiết của dự án này lại một lần nữa dấy lên tranh cãi trong dư luận. TheLEADER đã có buổi trao đổi với TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng xung quanh vấn đề này,
Thưa ông, quan điểm của ông như thế nào về việc triển khai xây dựng dự án Bảo tàng Lịch sử quốc gia của Bộ Xây dựng?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Chủ trương của Chính phủ trong việc coi trọng công tác xây dưng bảo tàng là đúng và rất đáng hoan nghênh. Bảo tàng là nơi lưu giữ các ký ức trong quá khứ, giữ gìn bản sắc dân tộc và giáo dục các thế hệ tương lại về lòng yêu nước, truyền thống quý báu của dân tộc.
Hơn nữa, cũng cần nói thêm là bảo tàng không phải một ngành nghề để kinh doanh. Chính vì vậy, trước đề xuất xây bảo tàng của Bộ Xây dựng, nhiều ý kiến đặt câu hỏi: “Có cần thiết xây dựng thêm bảo tàng mới trị giá 11.000 tỷ đồng trong khi chính các bảo tàng hiện nay đang "ế" khách, chưa thể tự chủ kinh tế?” là chưa thực sự phù hợp.
Bảo tàng là công cụ để giáo dục con người, do đó, chi phí cho hoạt động của bảo tàng được lấy từ nguồn vốn xã hội là hợp lý và rất cần thiết.
Cũng như nhiều lĩnh vực đầu tư xây dựng khác, việc xây dựng bảo tàng phải phù hợp với năng lực kinh tế quốc gia trong từng giai đoạn. Nếu đất nước càng ngày càng giàu có thì việc chúng ta chi tiền cho các hoạt động phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của người dân là điều đương nhiên.
Thế nhưng, thực tế hiện nay là nhiều năm qua, ngân sách nhà nước luôn trong tình trạng rất căng thẳng, thâm hụt ngân sách, nợ công ngày càng tăng cao... Bên cạnh đó, Việt Nam đang chịu sự uy hiếp rất lớn từ nước ngoài trên biển Đông, chúng ta cần bỏ ra nhiều tiền để chi trả cho quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, còn nhiều chi phí khác như ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hôi, phát triển hạ tầng…
Từ thực tế đó, nói như nhân dân ta từ xưa là phải “liệu cơm gắp mắm”. Việc đầu tư của Chính phủ nên tập trung vào những gì quan trọng nhất cho phát triển quốc gia trong thời điểm hiện tại, tránh đầu tư dàn trải để dẫn đến cuối cùng làm gì cũng dở dang và đằng sau đó là lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực...
Vậy theo ông, đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Chính phủ và Bộ Xây dựng nên có giải pháp như thế nào?
TS. Phạm Sỹ Liêm: Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay trước đây là trụ sở của Bảo tàng Louis Finot (Học viện Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội) do Pháp để lại. Các học giả nổi tiếng của Việt Nam như cụ Nguyễn Văn Tố, Trần Văn Giáp đã từng ở đây. Do đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là nơi lưu giữ rất nhiều truyền thống tốt đẹp, nơi nghiên cứu nhiều vấn đề về lịch sử Việt Nam.
Đồng thời, đây cũng là một di sản kiến trúc đặc biệt, vô cùng quý báu của thành phố Hà Nội. Sau này chúng ta đã lấy một phần của Bảo tàng Lịch sử quốc gia làm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Hiện nay, nói theo cách của Bộ Xây dựng là số lượng hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang rất lớn, phải giữ trong kho, không có nơi để trưng bày, do đó, cần thiết phải xây dựng bảo tàng mới lớn hơn. Theo quan điểm của tôi, chúng ta có thể không phải xây một bảo tàng lịch sử mới, mà cách hay hơn cả là chuyển Bảo tàng Cách mạng đi nơi khác, giao lại toàn bộ cơ sở đó cho Bảo tàng Lịch sử.
Hiện bảo tàng Hà Nội đang rất vắng vẻ, Chính phủ có thể nghiên cứu thu gọn lại những gì quan trọng nhất và chia sẻ diện tích với Bảo tàng Cách mạng.
Làm như vậy vừa có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của Bảo tàng Lịch sử quốc qua, vừa lưu giữ được một nơi có truyền thống lâu đời mà không phải tốn chi phí quá lớn cho việc xây dựng.
Sau này, nếu Bảo tàng Lịch sử quốc gia muốn phát triển hơn nữa thì có thể học hỏi kinh nghiệm từ Bảo tàng Louvre của Pháp. Khi cần phát triển, họ làm ngầm, như vậy vẫn giữ được bảo tàng ở nơi đó.
Cái gì có truyền thống lịch sử thì phải giữ gìn chứ không phải vì phát triển quá lớn mà phá dỡ cái cũ đi để xây dựng cái mới ở nơi khác. Hơn nữa, với bối cảnh hiện nay của Việt Nam, chúng ta cũng không thể kham nổi.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006-TTg ngày 19/12/2006. Bảo tàng Lịch sử quốc gia có tổng mức đầu tư gần 11.300 tỷ đồng. Dự án được xây dựng tại ô đất số 7 khu đô thị mới tây Hồ Tây, Hà Nội với tổng diện tích sử dụng gần 10ha.
Theo Bộ Xây dựng, dự án đã giãn tiến độ nhiều năm qua do việc bố trí nguồn vốn gặp khó khăn. Cũng vì không được bố trí nguồn vốn nên Ban quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động và thanh toán cho các nhà thầu theo cam kết của hợp đồng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng cho biết, trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu có thể khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước cho phép.
Việc Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về hoạt động cho các Ban Quản lý dự án trong thời gian tới và có phương án bố trí ngân sách để các ban duy trì hoạt động, ông Nam cho biết.
Thay vì xây bảo tàng mới, có thể đầu tư, sắp xếp để sử dụng hợp lý các bảo tàng hiện có; ưu tiên ngân sách cho các dự án phục vụ người nghèo.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực