Tự chủ đại học: Cần thực hiện đúng hướng và đúng quy luật

Phương Linh - 21:15, 10/11/2020

TheLEADERTheo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, để thực hiện tự chủ đại học cần đúng hướng và đúng quy luật. Tất cả các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức.

Tự chủ đại học: Cần thực hiện đúng hướng và đúng quy luật
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh VGP

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, về vấn đề tự chủ đại học, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tự chủ đại học là một quá trình. Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước và đã có kết quả rất tốt nhưng còn phải thực hiện tiếp tục.

Ông Đam cho biết, đối với tự chủ đại học có 5 điểm mang tính nguyên tắc trên toàn thế giới và một điểm cũng có tính nguyên tắc cho Việt Nam mà Chính phủ phải quán triệt, hiểu thông suốt và phải luật hóa, thực hiện trong chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra tri thức mà là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức xã hội cao hơn mức bình thường. Cả thế giới coi đại học phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo tính dân chủ, tính sáng tạo, tính khoa học.

Thứ hai, đại học đã tự chủ luôn gắn với trách nhiệm giải trình. Mọi hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải được thực hiện theo pháp luật, theo những quy chế công khai cho toàn xã hội giám sát rất chi tiết.

Thứ ba, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư tiền nữa. Ở tất cả các nước, các trường đại học tự chủ nhà nước vẫn phải tiếp tục đầu tư không chỉ đặt hàng đào tạo, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất.

Thứ tư, tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo pháp luật, không chỉ riêng về lĩnh vực giáo dục. Chính phủ, Thủ tướng rất cẩn trọng với yêu cầu tự chủ đại học phải theo đúng các quy định của pháp luật. Tinh thần là Chính phủ, Thủ tướng sẽ rất công minh và ủng hộ tự chủ đại học, tạo điều kiện cho các trường phát triển.

Thứ năm, thực hiện tự chủ nhưng phải có cơ chế để đảm bảo các đối tượng như người nghèo, khuyết tật, hay một số đối tượng đặc thù không bị giảm bớt cơ hội tiếp cận giáo dục đại hộc, nhất là đại học chất lượng cao. Việt này Việt Nam chú trọng hơn các nước.

Thứ sáu, đối với những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì khái niệm chủ sở hữu của đại học cũng thay đổi vì đóng góp vào trường đại học không chỉ là tiền, cơ sở vật chất mà còn là trí tuệ, đóng góp học phí của người dân và vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu trường đại học không đơn thuần của một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn xã hội. 

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh về có nên bỏ cơ quan chủ quản trường đại học không, Phó thủ tướng cho biết, thực ra trong luật pháp của nước ta không có khái niệm cơ quan chủ quản mà chỉ còn khái niệm cơ quan quản lý và cơ quan chủ sở hữu. Hiện nay cơ quan quản lý chủ yếu sẽ quản lý về công tác cán bộ, và theo các quy định của Đảng.

Với 6 điểm mang tính nguyên tắc trên, theo ông Đam việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn những bất cập. 

Ví dụ, về kinh tế vẫn còn vướng mắc rất nhiều như việc thu tiền tài trợ, học phí và chi học phí vẫn bị coi như ngân sách nhà nước, thủ tục còn vướng mắc. 

Câu chuyện tuổi giữ chức vụ của cán bộ trong trường đại học cũng liên quan đến các quy định pháp luật, các quy định của Đảng, hay về mặt quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, khi trường đại học mở ngành mới vẫn còn các quy định ràng buộc về tỷ lệ giáo viên, tiến sỹ, giáo sư. Những điểm này dần dần cần phải điều chỉnh.

Trước mắt có hai việc theo Phó thủ tướng là rất quan trọng, để thực hiện tự chủ đại học đúng hướng và đúng quy luật. Theo đó, các trường đại học phải kiện toàn, thành lập mới hội đồng trường với tư cách là cơ quan thực quyền chứ không phải có tính hình thức. 

Tất cả các trường đại học đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ, tài chính nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo quy định của pháp luật, công khai cho toàn dân biết và giám sát.

“Tự chủ đại học là một quá trình chuyển đổi, có nhiều điểm chưa có tiền lệ thì khi xử lý chúng ta hết sức bình tĩnh và xu hướng phải ủng hộ”, Phó thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo, tự chủ đại học được đang được thúc đẩy và mở rộng quyền đối với các cơ sở giáo dục đại học, tạo điều kiện để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

Các trường đại học được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiện toàn Hội đồng trường theo hướng thực chất, thực quyền.

Sau thành công của 23 trường đại học được tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, Bộ Giáo dục và đào tạo đã rà soát, xây dựng và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học gắn chặt với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định.

Tính đến ngày 31/5/2020, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có 139 cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện kiểm định cơ sở đào tạo; 110 cơ sở đại học công lập và 62 cơ sở đại học ngoài công lập đã thành lập được hội đồng trường. Các cơ sở đào tạo đã chủ động chuẩn bị và hoàn thiện căn cứ pháp lý đảm bảo điều kiện để thực hiện tự chủ theo quy định.

Về vấn đề sai phạm của Đại học Tôn Đức Thắng về công tác đầu tư xây dựng, nhân sự và tài chính, không minh bạch trong công bố thu nhập, Phó thủ tướng cho biết đã trao đổi thẳng thắn với Bộ Tư pháp nhiều lần.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lập một đoàn công tác, có sự tham gia của Bộ Tư pháp, vào xem xét, phân tích, báo cáo về Đại học Tôn Đức Thắng. Tinh thần là Chính phủ ủng hộ tự chủ, tạo điều kiện cho trường phát triển.

Đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục đại học và tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TP. HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có hiệu trưởng rất đáng trân trọng. 

Việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (tỉnh Cà Mau) về việc cách chức hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng quy định theo Luật Giáo dục đại học hay không, Phó thủ tướng cho biết, Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất ở trường. 

Các chức danh lãnh đạo, bao gồm hiệu trưởng, do hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phê chuẩn. Như vậy, trong trường hợp nếu có hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là không đúng luật. 

Tuy nhiên, đây là trường hợp rất đặc thù do hội đồng trường của Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chậm trễ do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.

Đến thời điểm ban giám hiệu Đại học Tôn Đức Thắng bao gồm hiệu trưởng, nhận kỷ luật về mặt Đảng thì trường vẫn không có hội đồng trường. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục vào cuộc và trực tiếp lập một đoàn do một thứ trưởng làm trưởng đoàn, làm việc trực tiếp để làm rõ đúng, sai và có hướng dẫn. Trước hết phải thành lập lại hội đồng trường theo đúng quy định của pháp luật.