Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu "Bia Sài Gòn" – Nhìn lại quy định về nhãn hiệu nổi tiếng

Nguyễn Thái Hải Lâm * - 23:02, 15/03/2023

TheLEADERGần đây, phiên tòa xét xử vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” diễn ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận được nhiều sự quan tâm của công chúng, từ đó gợi ra những vấn đề nhất định trong pháp luật sở hữu trí tuệ.

Từ vụ xâm phạm nhãn hiệu "Bia Sài Gòn" – Nhìn lại quy định về nhãn hiệu nổi tiếng
Sản phẩm "Bia Saigon" của Sabeco bị làm nhái bởi "Bia Saigon Vietnam" (bên trái)

Bên cạnh điểm chú ý về chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là pháp nhân (bên cạnh cá nhân), nhiều người cũng quan tâm liệu “Bia Sài Gòn” có phải là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định pháp luật. Vấn đề này cũng được cơ quan tiến hành tố tụng và các luật sư trong vụ án tập trung làm rõ tại phiên toà.

Ưu thế của nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định hiện hành, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ phận công chúng có liên quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam[1]. Khác với nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu nổi tiếng xác lập quyền trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký với Cơ quan Nhà nước[2].

Bên cạnh các ưu thế của việc được bảo hộ như một nhãn hiệu thông thường, một nhãn hiệu khi được công nhận là nổi tiếng có một lợi thế lớn về phạm vi bảo hộ. Đối với nhãn hiệu thông thường, nếu đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ, phạm vi bảo hộ sẽ bao gồm: dấu hiệu có khả năng phân biệt trên nhãn hiệu + danh mục hàng hóa, dịch vụ đi kèm nhãn hiệu

Tuy nhiên, nếu là nhãn hiệu nổi tiếng, phạm vi bảo hộ sẽ không bị giới hạn ở nhóm hàng hóa, dịch vụ đi kèm mà bao gồm tất cả hàng hóa, dịch vụ (Có 45 nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Bảng phân loại quốc tế hàng hóa, dịch vụ Nice). Điều đó cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng ngăn cấm người khác đăng ký nhãn hiệu trùng/tương tự với nhãn hiệu của mình cho tất cả các nhóm sản phẩm/dịch vụ[3].

Vì vậy, nếu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu có được rất nhiều ưu thế về pháp lý, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu và chống lại các hành vi xâm phạm quyền hiệu quả hơn.

Khi luật yêu cầu chứng minh…nổi tiếng

Vì xác lập quyền trên cơ sở sử dụng, nhãn hiệu nổi tiếng có thể không trải qua thủ tục đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ. Tuy nhiên, chủ sở hữu nhãn hiệu phải chứng minh nhãn hiệu thỏa mãn một hoặc một số tiêu chí luật định[4], như: số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu, phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu,….

Do không có cơ chế hành chính rõ ràng để công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng, việc chứng minh nêu trên thường chỉ xuất hiện trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Việc chứng minh thỏa mãn các tiêu chí nhãn hiệu nổi tiếng cũng là một trong các nghĩa vụ của nguyên đơn[5]

Tuy nhiên, pháp luật chỉ đưa các tiêu chí dùng để xem xét, đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng chứ không “chốt” các tiêu chí này được hiểu như thế nào. Vì thế, việc xem xét một nhãn hiệu có thỏa mãn các tiêu chí này hay không phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ mà chủ sở hữu nhãn hiệu đệ trình và đánh giá của Tòa án trong quá trình giải quyết. 

Theo cách tiếp cận này, dường như cơ chế xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng khá bị động, tức phải đợi có tranh chấp thì lúc này chủ sở hữu mới chứng minh và sau đó chờ phán quyết của Tòa án để nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng.

Liệu Công ty SABECO có đang chờ Tòa án công nhận nhãn hiệu nổi tiếng?

Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã từng tuyên trả hồ sơ để xác minh làm rõ Bia Sài Gòn có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Tháng 9/2022, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thông báo kết quả giám định nhãn hiệu Bia Sài Gòn (của Công ty SABECO) đủ điều kiện được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Từ đây, tranh cãi “Bia Sài Gòn” có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không bắt đầu.

Theo thông tin tra cứu từ Thư viện số về sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu “Bia Sài Gòn, hình” dưới các biến thể khác nhau đã được Công ty SABECO đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ. Vì vậy, chỉ cần xác định có hay không hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu mà Công ty SABECO đã được cấp văn bằng bảo hộ. 

Cụ thể, chỉ cần làm rõ nhãn hiệu trên các lon bia do Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung sản xuất có chứa yếu tố xâm phạm (trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn, có khả năng gây nhầm lẫn) với các nhãn hiệu của Công ty SABECO không là đủ. 

Việc cho rằng Công ty cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam hay cá nhân ông Trung có hành vi xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng là đặt vấn đề quá mức cần thiết, từ đó gây nên những tranh cãi. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng Công ty SABECO thông qua vụ việc này, vừa xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, đồng thời mong muốn được Tòa án công nhận “Bia Sài Gòn” là nhãn hiệu nổi tiếng thông qua Bản án.

Có thể thấy, pháp luật đã đưa ra định nghĩa cũng như quy định một số tiêu chí để xem xét, đánh giá về nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, để vận dụng các quy định này trên thực tế là không dễ dàng, nhất là ngoài nghĩa vụ chứng minh tại thời điểm xảy ra tranh chấp, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng phải đảm bảo duy trì liên tục sự “nổi tiếng” của nhãn hiệu trong quá trình sử dụng.

Vì vậy, giải pháp “an toàn” là doanh nghiệp cần nhanh chóng nộp đơn đăng ký để xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu. Song song với quá trình này, doanh nghiệp cũng cần lưu giữ các tài liệu, hồ sơ theo tiêu chí luật định để chứng minh mức độ “nổi tiếng” của nhãn hiệu khi cần thiết.

(*) Luật sư cộng tác tại Văn phòng Luật sư NGUYỄN & TRẦN

[1] Điều 4.20 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[2] Điều 6.3a Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[3] Điều 74.2i Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[4] Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.

[5] Điều 203.2b Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.