Vì đâu vốn cổ phần tư nhân liên tục đổ vào Việt Nam và Đông Nam Á?

Hoàng Quân - 14:35, 28/06/2018

TheLEADERThị trường vốn Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đang đón nhận dòng tiền sôi động từ các quỹ đầu tư tư nhân nhờ vào nhiều yếu tố thuận lợi.

Vì đâu vốn cổ phần tư nhân liên tục đổ vào Việt Nam và Đông Nam Á?
Các quỹ đầu tư tư nhân "đổ bộ" ngày càng nhiều. Ảnh: Eric Chow/ Asian Nikkei

Sự hấp dẫn của Việt Nam với các quỹ đầu tư tư nhân của phương Tây xuất phát từ nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, thị trường chứng khoán hoạt động tốt và gần đây là những kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Những yếu tố này đang tạo ra điều kiện lý tưởng cho các quỹ đầu tư tư nhân như Warburg Pincus, KKR hay TPG bơm tiền vào Việt Nam.

Warburg Pincus được xem là quỹ đứng đầu nhóm này với 1 tỷ USD cam kết vào các doanh nghiệp Việt. 200 triệu USD, và sau đó được nâng lên mức 300 triệu USD vào Vincom Retail là khoản đầu tư đầu tiên của Warburg tại Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Warburg Pincus đã rót 370 triệu USD vào Techcombank, đánh dấu thương vụ đầu tư tư nhân lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.

KKR cũng hướng dần sự chú ý của mình đến Việt Nam khi quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu của Mỹ rót tiền vào Masan Group. Ashish Shastry, người đứng đầu KKR Đông Nam Á đánh giá: "Việt Nam đang nắm trong tay một cơ hội lớn nhờ vào nền kinh tế đang phát triển và xu hướng nhân khẩu học thuận lợi".

Sự bùng nổ của Việt Nam là một phần trong xu hướng diễn ra trên khắp châu Á. Tại khu vực này, tổng số vốn đầu tư từ quỹ tư nhân đã tăng tới 38% trong năm ngoái, đạt 158 tỷ USD và lần đầu tiên vượt qua châu Âu.

Nhưng con số này vẫn sẽ lớn lên khi dòng tiền tiếp tục đổ về. Carlyle Group đã thành lập quỹ lớn nhất tại châu Á với 6,65 tỷ USD và Blackstone Group hồi giữa tháng 6 cũng công bố việc sở hữu quỹ đầu tư cho châu Á với 2,3 tỷ USD.

Cùng với các cam kết toàn cầu, Blackstone dự kiến sẽ đầu tư ít nhất 3,8 tỷ USD vào khu vực châu Á. Joe Baratta, Giám đốc Blackstone cho rằng: "Khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh so với các thị trường khác, thể hiện ở cơ hội đầu tư hấp dẫn tại các ngành".

Tại châu Á, Đông Nam Á là nơi đang trải qua sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ khi tổng vốn đầu tư tư nhân đã tăng gần gấp 3 trong năm 2017, đạt 23,5 tỷ USD. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, gia tăng đầu tư vào công nghệ và sự đi lên của tầng lớp trung lưu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo mức tăng trưởng ổn định cho 5 quốc gia ASEAN, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

Mặc dù mức tăng trưởng dự kiến cho Trung Quốc và Ấn Độ thậm chí còn cao hơn, nhiều chuyên gia cho rằng việc giao dịch các cổ phiếu đã tương đối cao tại những thị trường này sẽ tạo ra ít lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn tại Đông Nam Á khi đổ tiền vào những công ty đầy hứa hẹn.

Một trong những khác yếu tố thu hút các quỹ đến với Đông Nam Á chính là sự cải cách thị trường vốn rộng khắp.

Cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997 đã tấn công một số quốc gia tại đây, buộc họ đưa ra các quy định mới và đi kèm với các biện pháp nhằm ngăn chặn khả năng tài diễn, bao gồm việc cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Những cải cách này chủ yếu bắt đầu vào những năm 2000, đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thâm nhập của các quỹ đầu tư tư nhân.

Tại Việt Nam, sự cải cách tập trung vào khu vực công, bao gồm việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Số lượng doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ con số 1.500 của năm 2010 xuống còn 583 vào năm 2016 và Bộ Tài chính dự báo sẽ giảm xuống còn 120 năm 2020.

Trong khi đó, số lượng các công ty niêm yết đã tăng vọt kể từ năm sàn chứng khoán đầu tiên của Việt Nam mở cửa, từ 2 công ty năm 2000 lên mức 686 cuối năm 2015.

Đầu tư tư nhân có nguồn gốc từ những năm 1970 tại châu Âu nhưng chỉ đến khi sang châu Á, hình thức này mới có được cái nhìn tốt hơn vì những lợi ích mang lại như nhân lực, quản trị và vốn để tăng trưởng.

Không chỉ vậy, dòng tiền từ quỹ đầu tư tư nhân còn ảnh hưởng trực tiếp tới chính ngành công nghiệp đó cũng như gián tiếp tới toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt trong những thương vụ có giá trị lớn.