Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về số lượng đơn đăng ký sáng chế

Hương Giang - 09:47, 12/12/2022

TheLEADERSố lượng đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam đứng thứ 5 ASEAN vào năm 2019, và đứng thứ 3 trong các năm 2020 và 2021. Đây là một trong những kết quả rất khả quan về tình hình đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về số lượng đơn đăng ký sáng chế
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan trưng bày các sản phẩm ứng dụng công nghệ sáng tạo (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Hội thảo “Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0”, bà Thitapha Wattanapruttipaisan cho biết, nhờ có những nỗ lực không ngừng nghỉ, trong những năm tới, Việt Nam cũng có khả năng trở thành nước có số lượng nộp đơn đăng ký sáng chế hàng đầu ASEAN”.

Trả lời Tạp chí Sở hữu trí tuệ, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam bày tỏ quan điểm: "Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, dựa trên những căn cứ dưới đây:

Năm 2019, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chiến lược sở hữu trí tuệ (SHTT) đến năm 2030, với mục tiêu Việt Nam sẽ thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ vào năm 2030.

Theo đó, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cũng đặt ra mục tiêu số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế sẽ tăng trưởng trung bình 16-18%/năm.

Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về số lượng đơn đăng ký sáng chế
Ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu Trí tuệ Việt Nam (Ảnh: Tạp chí Sở hữu trí tuệ)

Để đạt được những mục tiêu này, các cơ quan ban ngành của Việt Nam đã và đang phối hợp thực hiện các nhóm nhiệm vụ và giải pháp như: hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tập trung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền, phát triển các hoạt động hỗ trợ, tăng cường nguồn nhân lực, hình thành văn hóa, tích cực, chủ động hợp tác và hội nhập quốc tế sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, những nhiệm vụ về thúc đẩy các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ; khuyến khích, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ cũng đang được triển khai một cách hiệu quả.

Với việc triển khai các giải pháp về sở hữu trí tuệ ở trên, Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng kể.

Cụ thể, trong 10 năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt đã tăng trưởng rõ rệt. Nếu như vào khoảng những năm 2011, số lượng đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam chỉ có vài trăm đơn thì đến 2020, con số này đã tăng gấp ba lần.

Đặc biệt, trong năm 2020, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam đã tăng lên 35% so với năm 2019. Đặc biệt, một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký sáng chế ở các thị trường tiên tiến như Mỹ, châu Âu.

Với sự tăng trưởng nhanh cả về số lượng và chất lượng, số lượng đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam đã xếp hạng thứ 5 vào năm 2019, và xếp hạng thứ 3 vào các năm 2020 và 2021 trong khu vực ASEAN.

Gần đây, theo báo cáo của Cục sở hữu trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế liên quan đến lĩnh vực công nghệ truyền thông như giao diện người, máy tính tốc độ cao và phân tích dữ liệu chiếm khoảng một nửa danh mục sáng chế của Việt Nam.

Với nền tảng đổi mới sáng tạo phát triển nhanh chóng, những mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới của Việt Nam cũng đã xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Hiện tại, Việt Nam đang sở hữu 4 kỳ lân, chiếm đến hơn 10% trong tổng số khoảng 36 kỳ lân trong ASEAN vào năm 2021.

Kết quả trên cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo vệ quyền đối với sáng chế nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức của tất cả các cơ quan, ban ngành, hiệp hội.

Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế và chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện R&D và đổi mới sáng tạo. Để thu hút đầu tư vào R&D, hoạt động đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã quyết định xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo….

Với nỗ lực đó, nhiều doanh nghiệp, viện, trường đã đầu tư mạnh mẽ cho các hoạt động R&D và đạt được hiệu quả cao, nhờ đó năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng trong những năm gần đây.