Việt Nam là quốc gia có hiệu quả đầu tư cao nhất trong nhóm nước đang phát triển

Kim Yến - 09:03, 17/11/2018

TheLEADERViệt Nam có lợi thế là nước ổn định nhất trong nhóm các nước đang phát triển, có hiệu quả đầu tư cao nhất, thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cao,

Việt Nam là quốc gia có hiệu quả đầu tư cao nhất trong nhóm nước đang phát triển
Giáo sư Ian Alexander Eddie, đại diện của VinaCapital & RMIT

“So với Trung Quốc, Việt Nam cũng đang trải qua quá trình đô thị hóa nhưng khác biệt vì mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, thị trường còn nhiều cơ hội hấp thụ dòng vốn và nhu cầu tiêu dùng lớn. 

Cùng với đặc tính dân số trẻ, xếp hạng tương đối cao về môi trường, ổn định về chính trị, ít bị tranh chấp bởi các vụ kiện thương mại mức tăng trưởng GDP dưới 7% là mức ổn định nhìn về tương lai gần và trung hạn, không gặp mất cân bằng trong tài khóa, không chịu tác động từ những cú sốc bên ngoài”.

Giáo sư Ian Alexander Eddie, đại diện của VinaCapital &RMIT đã đưa ra nhận định khá lạc quan như thế về triển vọng kinh tế Việt Nam 2019 trong Hội nghị Giám đốc tài chính (CFO) thế giới lần thứ 48 với chủ đề “Chuyển đổi tài chính trong kỷ nguyên số” tại TP. HCM ngày 15/11 vừa qua.

“Dòng tiền của Việt Nam rất mạnh trong toàn nền kinh tế, đứng đầu trong các nước đang phát triển, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ “đạp ga” để tăng tốc quá nhanh, chọn con đường phát triển ổn định hơn là tăng trưởng mạnh mẽ bằng mọi giá. Mức độ ổn định về chính trị của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. 

Giai đoạn 2008 - 2012 lạm phát Việt Nam rất cao nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi, giữ mức ổn định, tỷ lệ công ăn việc làm ổn định, 54 triệu người lao động có kỹ năng ổn định. 

Xuất khẩu là ngành kinh tế mũi nhọn, còn phân bổ tài sản và sự giàu có tương đối cân bằng so với các quốc gia khác, xếp hạng 10 trên toàn thế giới trong tốc độ những cá nhân có giá trị tài sản ròng siêu cao, không kém so với toàn cầu. 

Môi trường đầu tư Việt Nam theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số nghiêm khắc ngặt nghèo thấp nhất, có nghĩa là môi trường thuận lợi nhất, giúp tăng sự tự tin của nhà đầu tư.

Về bức tranh công nghiệp 4.0, trong tương lai Chính phủ sẽ thực hiện chương trình số hóa chính phủ điện tử, xóa bỏ giới hạn trần về tỷ xuất đầu tư cho khu vực FDI, dự tính 2020 sẽ bỏ tỷ lệ chiếm 49%. Nâng cấp thị trường chứng khoán, thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài cũng như thúc đẩy quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước”.

Nhận định trên của Giáo sư Ian Alexander Eddie đã nhận được sự đồng thuận của nhiều diễn giả quốc tế đến tham dự sự kiện CFO thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Tuy nhiên, áp lực đến từ lạm phát, bong bóng giá đến từ đầu cơ là thách thức lớn mà Ngân hàng nhà nước Việt Nam cần quản lý chặt chẽ để giảm thiểu nguy cơ đầu cơ trong bất động sản. 

Là người gắn bó với Việt Nam trong thời gian khá dài, Giáo sư Eddie đã có những nghiên cứu sâu về kinh tế vĩ mô và đưa ra cảnh báo lớn cho kinh tế Việt Nam 2019 về thị trường tài chính và chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán trong 10 năm qua tăng chậm, vài tháng vừa qua tăng trưởng mạnh nhưng còn nhiều giao động lớn. HOSE chiếm 80 - 90% tổng vốn hóa thị trường, trong khi đó HNX chiếm tỷ trọng rất nhỏ, trong tương lai Chính phủ đã có chủ trương sáp nhập vào HOSE để tăng sức mạnh. Thị trường tài chính vẫn còn sơ khởi, cải cách thị trường tài chính và chứng khoán đang đặt ra thách thức rất lớn với nhà quản lý.

Thách thức thứ hai là cần phải truyền thông nhiều hơn đến các nhà đầu tư cá nhân, nội địa, kỳ vọng giới trung lưu sẽ bước vào cuộc chơi chứng khoán này. Rất nhiều nơi trên thế giới phần lớn dân số của họ có tài khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán. 

Quỹ lương hưu sẽ không được duy trì lâu dài nếu thiếu các nhà đầu tư cá nhân vào thị trường chứng khoán. Kiểu gì thì chúng ta sẽ già đi, sẽ phải mở quỹ hưu trí. Việt Nam cần tập trung đầu tư phát triển mảng đầu tư tài chính vững vàng, nhiều sản phẩm hơn, đây là nơi tổng hợp sự thịnh vượng toàn cầu. 

HOSE phải trở thành nơi giao dịch tài chính khu vực như Singapore và Hongkong, khi đó sẽ thu hút rất nhiều dòng chảy tiền bạc vào đây. Quỹ đầu tư cá nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm chính là sự chuyển đổi, để tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là câu chuyện của 2019”.

Phân tích rủi ro đến từ bức tranh thương mại toàn cầu, Giáo sư Eddie cho biết: “Hiện nay cả thế giới đều nín thở chờ xem chuyện gì xảy ra, tranh chấp Mỹ -Trung đang tạo ra sự bất an toàn cầu. Hiện Việt Nam có mối tương quan mạnh mẽ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng hơn 60% sản phẩm nhập khẩu công nghệ vào Mỹ đến từ Trung Quốc, trong đó chỉ có 2% công nghệ đến từ Việt Nam, nên rủi ro là khá thấp. Trong khi đó, thặng dư thương mại giữa Việt Nam - Mỹ rất cao, trên 40 tỷ USD, cao nhất khu vực. Xem ra Việt Nam là đất nước xuất khẩu cực kỳ thành công so với khu vực”.

Trí tuệ nhân tạo, học sâu, dữ liệu lớn và điện toán đám mây là 4 yếu tố thúc đẩy nền kinh tế tương lai 4.0 mạnh mẽ nhất, cho phép chúng ta đưa ra quyết định từ số liệu hiệu quả hơn.

Trong các đánh giá kinh tế, ba đất nước thường được so sánh với nhau vì có nhiều điểm tương đồng là Việt Nam, Indonesia, Philippine, chỉ số sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cao nhất. 

Để hiện thực hóa khát vọng công nghệ, Giáo sư Eddie cho rằng cần phải khuyến khích mở rộng đầu tư vào các trường đại học quốc tế, để trong tương lai Việt Nam có thể trở thành quốc gia về công nghệ. 

Fintech (công nghệ tài chính) rất có tiềm năng tại Việt Nam, hơn 50% sáng kiến khởi nghiệp đến từ thành phố lớn, hạt giống khởi nghiệp đã được gieo trồng rất hiệu quả vào những người trẻ Việt Nam, đặc biệt các nhà phát minh, để bước vào sân chơi toàn cầu…

Phải tiếp tục cải cách thị trường tài chính, giảm thiểu đầu cơ, đầu tư nghiên cứu giáo dục để trong tương lai có giới trung lưu vững mạnh, có văn hóa doanh nhân khởi tạo mạnh mẽ, đó là những mũi nhọn Giáo sư Eddie để xuất cho Việt Nam.