Vướng mắc chuyển đổi xanh ngành công nghiệp xây dựng

An Chi - 15:06, 23/12/2023

TheLEADERChuyển đổi xanh trong ngành công nghiệp, xây dựng là xu hướng bắt buộc trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, ngay từ khâu kiểm kê khí nhà kính để có lộ trình giảm phát thải, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý đã gặp vướng mắc nan giải.

Vướng mắc chuyển đổi xanh ngành công nghiệp xây dựng
Kiểm kê khí nhà kính gặp khó. Ảnh: Hoàng Anh.

Theo ông Huỳnh Thành Trung, đại diện Công ty CP Leanwares, thách thức trong việc chuyển đổi xanh ngành công nghiệp ở khâu kiểm kê khí nhà kính là rất lớn.

Hiện nay, các doanh nghiệp, nhà máy đều đang duy trì sản xuất phát thải ra môi trường. Do đó, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần phải đo được mức phát thải của mình để hướng tới đạt net zero. 

Tuy nhiên, ôngTrung, đánh, giá, việc kiểm kê khí nhà kính là không đơn giản do tiêu chuẩn ngày càng nhiều và khó hơn từ các cơ quan quản lý.

Mặt khác, mỗi thị trường hàng hoá trong nước và quốc tế lại áp dụng một tiêu chuẩn khác nhau khiến các doanh nghiệp cần phải nắm được các tiêu chuẩn này để lựa chọn hướng đi cho mình. 

Tại Hội thảo Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp – Kiểm kê khí nhà kính: Nền tảng cho lộ trình giảm phát thải do Báo Xây dựng tổ chức, PGS. TS Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, ngành công nghiệp, xây dựng đang đóng góp rất lớn vào lượng phát thải.

Nguồn thứ nhất là phát thải từ quá trình công nghiệp gọi tắt là IP (phát thải khí nhà kính thông qua các phản ứng hóa học) trong sản xuất vật liệu xây dựng, phần lớn là sản xuất xi măng, khí nhà kính phát thải trong quá trình nung. 

Nguồn phát thải thứ hai từ quá trình sử dụng năng lượng là nhiên liệu hóa thạch cho các hoạt động và vận hành sản xuất, thương mại, gọi là phát thải trực tiếp, thuộc nhóm phát thải năng lượng. Sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng sử dụng năng lượng và lượng lớn nhiên liệu hóa thạch, đất sét.

Bên cạnh đó, việc phát thải từ quá trình sử dụng điện lưới cho các hoạt động sản xuất, thương mại đã được tính đến trong hệ thống kiểm kê quốc gia thuộc nhóm sản xuất năng lượng và được xem là phát thải gián tiếp.

Ngoài ra, ngành xây dựng còn có các nguồn phát thải khi tính đến chuỗi giá trị hay các-bon như sử dụng vật liệu xây dựng trong các tòa nhà, công trình, phát thải rò rỉ khi sử dụng máy lạnh, phát thải khi sử dụng dịch vụ vận chuyển.

Các hoạt động sản xuất là rất rộng, nhưng theo ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương, kiểm kê khí nhà kính đang gặp khó do hạn chế về nguồn lực con người và tài chính.

Hoạt động này cũng bị hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn của trong nước, cơ sở số liệu của Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, chưa đồng bộ.

Hệ thống các tiêu chuẩn, quy định là rất phức tạp, trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện việc này.

Chính vì vậy, theo ông Tâm, giải pháp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp, kiểm kê khí nhà kính trước hết là Chính phủ phải hoàn thiện chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu.

Đồng thời, nhận thức của các bên có liên quan cần được nâng cao để ý thức đúng về vai trò và tầm quan trọng của việc làm này. 

Trong bối cảnh Việt Nam còn chưa nghiều kinh nghiệm phát triển xanh, các cơ quan quản lý nhà nước cần từng bước nâng mức độ, yêu cầu đối với kiểm kê khí nhà kính và đào tạo, tập huấn kiểm kê khí nhà kính cho các bên liên quan.

Ông Tâm cho biết, theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công thương đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản của ngành năng lượng.

Bên cạnh đó, 100% các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công thương tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính; hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải cho các ngành công nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và cơ sở.

Bộ cũng phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Theo bà Lưu Linh Hương, Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, đến tháng 1/2024, Bộ Xây dựng sẽ làm kiểm kê khí nhà kính cho cấp lĩnh vực và cấp cơ sở, nhưng từ 2025, các cơ sở phải thực hiện tự kiểm kê khí nhà kính. Lộ trình kiểm kê khí nhà kính của Bộ Xây dựng sẽ kiểm kê hai năm một lần.

Lộ trình xây dựng kế hoạch giảm nhẹ, liên quan đến việc triển khai thực hiện chuyển đổi xanh sẽ phải tính toán rác thải và kế hoạch để cùng với các bộ, ngành khác giảm phát thải ròng bằng 0.

Về giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bà Hương cho biết, các giải pháp chủ yếu quy định như tối ưu hoá quy trình sản xuất xi măng, thu hồi nhiệt thải từ sản xuất xi măng, áp dụng công nghệ cải tiến trong sản xuất gạch nung, sử dụng phụ gia là phế thải ngành công nghiệp.