WB đưa 5 khuyến nghị nắn dòng tài chính hướng đến khu vực tư nhân

Hoài An - 10:55, 23/12/2019

TheLEADERTheo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam cần ghi nhận nhu cầu tiếp tục cải cách để khuyến khích phát hành, tung ra các sản phẩm mới và cải thiện sự vận hành của thị trường nhằm đem lại nguồn tài chính dài hạn cho khu vực tư nhân đang đói vốn.

Lý thuyết kinh tế học và bằng chứng thực nghiệm đều cho rằng tăng trưởng kinh tế và phát triển các thị trường tài chính có quan hệ tương quan chặt chẽ. Hầu hết nền kinh tế thu nhập cao trên thế giới cũng là nơi có tỷ lệ tín dụng trên GDP cao nhất.

Quan hệ tương quan đó được hiển hiện rõ trong thời gian qua tại Việt Nam khi tăng trưởng kinh tế cao trong 25 năm qua diễn ra song hành với tín dụng ngân hàng tăng vọt từ mức 17% GDP vào năm 1996 lên mức trên dưới 130% GDP vào năm 2018.

Việt Nam hiện thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao nhất trong số các quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp và ngang bằng với một số quốc gia OECD. Điều này cũng cho thấy khu vực ngân hàng dường như đã phát triển quá nhanh so với quy mô của nền kinh tế.

Sự phát triển nhanh chóng của khu vực ngân hàng mặc dù đem lại lợi ích nhưng lại tạo ra một số thách thức làm cản trở sự trỗi dậy của khu vực tư nhân năng động, Ngân hàng thế giới (World Bank) đánh giá trong báo cáo Điểm lại vừa qua.

5 khuyến nghị từ World Bank giúp phát triển thị trường vốn
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chỉ được hưởng một phần không đáng kể trên thị trường tín dụng ở Việt Nam.

Thách thức thứ nhất là phân bổ tín dụng của ngân nghiêng về phía khu vực nhà nước, bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tín dụng trên danh mục của các ngân hàng.

Trong thời gian qua, tín dụng cũng được đổ vào lĩnh vực bất động sản và nhà ở với tỷ lệ bất cân xứng, tiếp theo hàng tiêu dùng lâu bền như ô tô.

Hai nhóm trên lấn át phần tín dụng dành cho doanh nghiệp khu vực tư nhân, cụ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện chỉ được hưởng một phần không đáng kể trên thị trường tín dụng ở Việt Nam.

Tín dụng cấp cho các doanh nghiệp còn gặp một trở ngại nữa là phải cân xứng với tính chất ngắn hạn của tiền gửi (trên 80% là tiền gửi dưới một năm), chi phí giao dịch tương đối cao do thiếu thông tin, tài sản thế chấp yếu, hệ thống tư pháp vận hành chưa tốt.

Thách thức thứ hai là thị trường tài chính tập trung quá nhiều vào tín dụng của khu vực ngân hàng. Nguồn vốn từ các công cụ như trái phiếu và cổ phiếu đạt xấp xỉ 40% ở Việt Nam.

Trong thời gian qua, tín dụng được đổ vào lĩnh vực bất động sản và nhà ở với tỷ lệ bất cân xứng.

So với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Indonesia, quy mô thị trường trái phiếu trong nước và mức vốn hóa trên thị trường của các doanh nghiệp niêm yết còn thấp.

World Bank dẫn một số nghiên cứu cho biết giá trị mức vốn hóa thị trường tăng lên hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đo bằng số lượng bằng sáng chế, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, xuất khẩu hàng công nghệ cao.

Tác động của thị trường vốn đến tăng trưởng kinh tế không chỉ ở khả năng cung cấp nguồn tài chính cho đầu tư dài hạn mà còn góp phần nâng cao khả năng chống chịu của toàn bộ hệ thống tài chính. Các thị trường đó đảm bảo chiều sâu thanh khoản và đa dạng hóa rủi ro, giảm nguy cơ dễ tổn thương của cả hệ thống với những cú sốc.

5 trụ cột chính sách

Nhằm huy động tài chính dài hạn, World Bank đề xuất 5 trụ cột chính sách.

Trụ cột thứ nhất là hoàn thiện nền tảng pháp lý về huy động tài chính, bao gồm ưu tiên hiện đại hóa nền tảng quy phạm pháp luật cho các thị trường và tăng cường năng lực giám sát và thực thi hiệu lực để đảm bảo liêm chính và hiệu quả trên thị trường, qua đó khiến cho chi phí huy động vốn trở nên cạnh tranh hơn cho Chính phủ và các doanh nghiệp, bao gồm cả huy động vốn cho hạ tầng.

Khung quy phạm pháp luật vững vàng và ổn định kết hợp với hạ tầng thị trường hiệu quả là nền tảng để các thành viên thị trường yên tâm gia nhập. Trong số các ưu tiên, nhu cầu cấp thiết hiện nay là sửa đổi Luật chứng khoán và các quy định hướng dẫn triển khai nhằm cải thiện về minh bạch và công khai thông tin trên thị trường, hành vi của các thành viên thị trường, cơ chế thể chế và hoạt động, cũng như hạ tầng thị trường theo chuẩn mực quốc tế.

Cải thiện khung quy phạm pháp luật để cải cách thị trường phát hành riêng lẻ và đẩy mạnh thị trường niêm yết/ đại chúng cho trái phiếu doanh nghiệp cần được coi là trọng tâm.

Trụ cột thứ hai là cải thiện về quản trị, công khai và công bố thông tin, cũng như hạ tầng thị trường. Thách thức quan trọng ở Việt Nam là phải hình thành được văn hóa định mức tín nhiệm, nhằm đo lường và định giá khách quan rủi ro, thông qua chuẩn mực cao về công khai, công bố thông tin.

Sự tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến nay vẫn ở mức rất hạn chế, một phần là do thiếu minh bạch và thông tin hiện chỉ được công bố cho các nhà đầu tư dự kiến.

Một phần nữa là do chưa có đủ các đợt phát hành chất lượng cao được chào bán trên thị trường sơ cấp, vì nhiều lô trái phiếu phát hành trong thời gian qua được thiết kế thành giao dịch phát hành riêng lẻ và chủ yếu được phát hành cho các ngân hàng trong nước.

Khả năng tiếp cận thông tin đáng tin cậy về thị trường và chứng khoán phát hành là điều kiện cần để nâng cao lòng tin của nhà đầu tư.

5 khuyến nghị từ World Bank giúp phát triển thị trường vốn 1

Vấn đề cần cải thiện là cung cấp thông tin đáng tin cậy về định giá cổ phiếu và trái phiếu chính phủ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là điều kiện quan trọng nếu Việt Nam muốn đưa cổ phiếu và trái phiếu của mình vào các chỉ số chính thống hơn cho các thị trường mới nổi về cổ phiếu và trái phiếu.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, khả năng tiếp cận thông tin công khai của doanh nghiệp còn rất hạn chế do sự chi phối của phương thức phát hành riêng lẻ. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp niêm yết và đại chúng là cách để đưa thêm các đơn vị phát hành vào phân khúc thị trường minh bạch hơn, đồng thời thiết lập một trung tâm thông tin về trái phiếu phát hành riêng lẻ để xử lý vấn đề còn lại.

Cải thiện cơ chế thị trường, bao gồm cả nâng cấp hạ tầng, cũng là điều kiện cần để đảm bảo hiệu suất hoạt động của thị trường.

Trụ cột thứ ba là xúc tiến các sản phẩm đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Các công cụ mới để huy động tài chính cho khu vực kinh tế thực (chẳng hạn hạ tầng và nhà ở) có thể là trái phiếu dự án, quỹ đầu tư hạ tầng, các giải pháp và công cụ tài chính khác cần có để hỗ trợ đầu tư cho hạ tầng ở Việt Nam.

Để thúc đẩy hình thành thêm các cơ hội đầu tư, luật pháp và quy định cần tạo điều kiện, các thủ tục phát hành cần thuận lợi hơn để khuyến khích doanh nghiệp phát hành sản phẩm mới và phù hợp, tạo đủ chiều sâu và bề rộng của thị trường.

Trụ cột thứ tư là mở rộng mạng lưới nhà đầu tư cho các thị trường vốn. Tập hợp các nhà đầu tư đa dạng, bao gồm trong nước, nước ngoài, ngân hàng, tổ chức ngoài ngân hàng, và cả các nhà đầu tư cá nhân với khung thời gian đầu tư khác nhau và mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau là điều kiện cần để phát triển thị trường trong nước và nâng cao thanh khoản dọc theo đường cong lợi suất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ.

Các nhà đầu tư tổ chức như các quỹ hưu trí, các doanh nghiệp bảo hiểm và quỹ tương hộ có vai trò quan trọng nhằm tăng cường chiều sâu của thị trường, mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới các nhà đầu tư trên các thị trường trái phiếu trong nước.

Trụ cột thứ năm là tăng cường huy động nguồn tài chính dài hạn qua chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài vai trò quản lý nhà nước thông qua thiết kế và triển khai luật chơi, bản thân Chính phủ cũng là tổ chức phát hành trái phiếu lớn. Trong điều kiện trái phiếu của khu vực Nhà nước đang chi phối thị trường, cơ chế được Chính phủ áp dụng trong các hoạt động của mình sẽ gây ảnh hưởng đến cách thức vận hành của thị trường trong những năm tới.

Các cấp có thẩm quyền cần cân nhắc hình thành lãi suất tham chiếu ngắn hạn đáng tin cậy hơn để hoàn tất đường cong lợi suất từ phân khúc ngắn hạn đến phân khúc dài hạn. Điều này sẽ giúp cải thiện việc định giá cho các công cụ có lãi suất thả nổi và tạo ra mốc neo vững chắc cho các công cụ có kỳ hạn dài hơn, World Bank khuyến nghị.