Xây dựng mô hình trường học trong lòng doanh nghiệp

Việt Hưng - 15:56, 01/08/2023

TheLEADERTrong bối cảnh thị trường lao động khó khăn, đặc biệt là nhóm lao động trẻ chưa được sử dụng hết tiềm năng, thì ngoài việc trang bị kiến thức, đối tượng sinh viên còn cần được tìm hiểu và cảm nhận tinh thần, văn hóa tại chính các doanh nghiệp.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2023 và 6 tháng đầu năm của Tổng Cục Thống kê (GSO) cho thấy, lực lượng lao động có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động, việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Thống kê của GSO cho thấy, hiện có khoảng 240.000 lao động thiếu việc làm tại Việt Nam. Trong đó, hệ lụy của việc thiếu việc làm và thất nghiệp sẽ làm gia tăng là tỉ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng.

"Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ", Tổng Cục Thống kê cho biết thêm.

Trong bối cảnh thị trường lao động năm 2023 khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, hoặc sa thải số lượng lớn nhân sự… thì câu chuyện đầu ra của nhóm đối tượng sinh viên càng được xã hội quan tâm.

Ông Chu Quang Huy - Giám đốc nhân sự FPT cho biết, trong năm 2023 tập đoàn dự kiến tuyển mới hàng chục nghìn người với 40% vị trí tuyển dụng là CNTT và 60% là các lĩnh vực khác. Vì vậy rất nhiều cơ hội việc làm dành cho đối tượng sinh viên.

Ngoài ra, FPT đặt mục tiêu đến năm 2035 có 1 triệu nhân viên, đồng thời, dịch chuyển từ "nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" thành "nơi làm việc hạnh phúc nhất Việt Nam".

Xây dựng mô hình trường học trong lòng doanh nghiệp
Ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng FPT Polytechnic

Để hoàn thành mục tiêu này, khối giáo dục FPT đã xây dựng mô hình trường học trong lòng doanh nghiệp. Đơn cử như tại Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, sinh viên ngoài việc được đào tạo bài bản, còn được tìm hiểu và cảm nhận tinh thần, văn hóa tại chính các doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn.

Ông Vũ Chí Thành - Hiệu trưởng FPT Polytechnic cho rằng, với cách làm này sinh viên sẽ không bị bỡ ngỡ khi tiếp xúc môi trường làm việc tại FPT, vì chương trình đào tạo rất sát nhu cầu thực tế với nhiều dự án, chương trình.

"Nhiều cựu sinh viên đều chia sẻ với tôi rằng trải nghiệm làm việc tại FPT rất vui, có rất nhiều ngày hạnh phúc như được sống lại thời sinh viên trẻ trung, chứ không phải chỉ có áp lực khi đi làm", ông Thành nói.

Theo bà Phùng Thu Trang - Giám đốc nhân sự FPT Telecom, với mô hình trường học trong lòng doanh nghiệp, sinh viên đã có thời gian cảm nhận được văn hóa, môi trường doanh nghiệp ngay khi đi học, nên khả năng hòa nhập, thích ứng tốt hơn.

Bà cũng cho biết FPT Telecom có chi nhánh tại 63 tỉnh thành, vì thế không quan trọng sinh viên học ở đâu, các bạn cũng có thể trở về làm việc trên chính quê hương mình.

Chia sẻ về quan điểm tuyển dụng của tập đoàn, ông Chu Quang Huy - Giám đốc nhân sự FPT cho hay, từ lâu FPT đã không quá coi trọng vẫn đề bằng cấp, mà tập trung vào năng lực thực tế của nhân sự.

Bên cạnh đó, FPT đã và đang có những thay đổi sâu sắc để phù hợp với nhóm nhân sự mới đang chiếm đến 54% hiện tại - thế hệ Gen Z.

Xây dựng mô hình trường học trong lòng doanh nghiệp 1
Ông Chu Quang Huy - Giám đốc nhân sự tập đoàn FPT

Thống kê của ông Huy cho thấy, độ tuổi trung bình của nhân sự toàn tập đoàn FPT là 28, riêng khối công nghệ là 26,3. Chưa kể đội ngũ cán bộ trẻ của FPT hiện giờ rất nhiều.

"Việc FPT bổ nhiệm giám đốc nhân sự ở tuổi 29 là thể hiện tinh thần trẻ hóa mạnh mẽ. Ngoài ra, tập đoàn cũng có một C level ở tuổi 31 - như vậy là tư duy trẻ", ông Huy nhấn mạnh.

Nhận xét về thế hệ nhân sự Gen Z, vị Giám đốc nhân sự FPT cho rằng, nhóm đối tượng này đang sống trong thời kỳ mạng xã hội phát triển mạnh, nên khả năng tiếp cận thông tin tốt hơn nhiều. Gen Z cũng có ý kiến cá nhân mạnh hơn so với thế hệ trước.

Tuy nhiên, mức độ gắn bó của thế hệ Gen Z với doanh nghiệp thấp hơn nhiều so với các thế hệ khác. Ngoài ra, thế hệ Gen Z cũng ưa thích trải nghiệm - không chỉ là trải nghiệm công việc mà còn là các trải nghiệm khác nhau trong đời sống.

Không phủ nhận tại FPT bài toán hòa nhập thế hệ vẫn đang diễn ra hàng ngày, nhưng ông Chu Quang Huy tin rằng vẫn có cách để kết nối giữa các thế hệ.

"Nếu bạn theo dõi một số hoạt động của chúng tôi sẽ thấy, lãnh đạo cao nhất tập đoàn cũng thuộc rất nhiều bài hát trên Tiktok. Trong FPT sử dụng workchat, bạn là nhân viên vẫn có thể trao đổi trực tiếp với giám đốc, Chủ tịch và các nhân viên khác. Không khoảng cách chính là lời giải cho bài toán này", ông Huy khẳng định.