Xây dựng thành phố thông minh bắt đầu từ đâu?

Việt Hưng - 14:45, 23/10/2020

TheLEADERTừ quan điểm của các nhà lãnh đạo, xây dựng và triển khai các Thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, gồm 4 khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Mỗi tuần lại có thêm 1 triệu người ra thành phố sinh sống. Các đô thị tiêu thụ tới 75% năng lượng và thải ra tới 80% lượng CO2. Các thành phố đang đứng trước nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng các vấn đề này cũng khác nhau ở các thành phố khác nhau..

Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050.

Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ.

Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Trong bối cảnh đại dịch Covid- 19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.

Tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm về Đô thị thông minh ASEAN, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, các quốc gia đang trải qua quá trình chuyển đổi sâu sắc để trở thành "nền kinh tế số" với sự thúc đẩy bởi những tiến bộ của công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển doanh nghiệp và cải thiện cuộc sống của người dân. Xu hướng chuyển đổi số đô thị, xây dựng Thành phố thông minh trở thành một điều tất yếu.

Xây dựng thành phố thông minh bắt đầu từ đâu?
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình

Chủ tịch HĐQT FPT khẳng định: "Thành phố thông minh là cách lựa chọn duy nhất thông minh để phát triển kinh tế xã hội quốc gia. Doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững; nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả; người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất".

Song hành cùng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm. Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này. Với lợi ích tổng thể, toàn diện như vậy, Thành phố thông minh là cơ hội cho tất cả mọi lực lượng trong xã hội.

Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT, nhìn nhận: "Vấn đề cốt lõi của quá trình phát triển đô thị thông minh là xây dựng mạng thông tin mở giữa chính quyền và người dân, minh bạch thông tin; nâng cao chất lượng sống của người dân bằng chính hệ thống công nghệ thông tin hiện đại".

Theo đó, doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững, Nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả, người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất.

Trong khi đó, ông Hán Minh Cường, Chủ tịch HĐQT ACUD Group, cho rằng để xây dựng thành phố thông minh cần có sự tham gia của cộng đồng thực hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển, trong đó cần tham vấn ý kiến cộng đồng từ giai đoạn bắt đầu thực hiện quy hoạch. Người dân, chuyên gia tham gia thực chất và sâu hơn trong quá trình lập và triển khai quy hoạch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Theo các chuyên gia, cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.

Các chuyên gia cũng lưu ý xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm bốn khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Từ quan điểm của các nhà lãnh đạo, xây dựng và triển khai các chương trình Chuyển đổi số đô thị và Thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị, mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, gồm 4 khía cạnh chính: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách, và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ.

Trong đó, một nền tảng công nghệ số với cốt lõi là cấu trúc dữ liệu mở, liên thông và xử lý theo thời gian thực sẽ đóng vai trò là trung tâm điều hành và là công cụ phân tích cho chiến lược Chuyển đổi số đô thị và xây dựng Thành phố thông minh bền vững.

Cùng với chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới các giải pháp Thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.