Xu hướng phát triển bền vững ngành thương mại điện tử

Hường Hoàng - 12:57, 21/12/2022

TheLEADERBáo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 7 nhận định thương mại điện tử là nền tảng đón đầu xu hướng tiêu dùng hiệu quả và phát triển bền vững, bất chấp những khó khăn của kinh tế toàn cầu. Không nằm ngoài sự chuyển dịch chung, các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam đã và đang tìm đến thương mại điện tử để mở rộng mô hình kinh doanh và tăng trưởng.

Trên thực tế, 2 năm vừa rồi dưới tác động của Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bán lẻ. Nếu không có sự phát triển của thương mại điện tử thời gian qua, Việt Nam có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi kinh tế sau Covid-19.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh của ngành thương mại điện tử gấp 5 lần so với các kênh khác. Rõ ràng thương mại điện tử tăng trưởng nhanh là động cơ đóng góp tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh.

Các chuyên gia tham gia hội thảo “Thương mại điện tử - Xu thế phát triển bền vững" nhận định: Kinh doanh thương mại điện tử là cuộc chiến về chiến lược tư duy bền vững, đòi hỏi nhà nước và các doanh nghiệp phải cùng chung tay góp sức trên nhiều phương diện, đặc biệt là về pháp lý, công nghệ, nhân sự và cơ sở hạ tầng logistic.

Về phía nhà nước

Ông Jinwoo Song, Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam, đánh giá thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam hấp dẫn bởi so với những thị trường khác, thị trường Việt Nam có nhiều người trẻ sành sử dụng công nghệ, bắt kịp xu hướng hiện đại, sẵn sàng trải nghiệm những thói quen tiện lợi.

“Người tiêu dùng Việt Nam luôn cởi mở với nền văn hóa mới, do đó họ chính là động lực để chúng tôi cho ra đời và cải thiện những tính năng mới”, ông Jinwoo Song nhận xét. Cùng với đó là những cơ sở hạ tầng sự phát triển của công nghệ tài chính, tài xế giao hàng chất lượng cao, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp.

Gỡ 'nút thắt' phát triển bền vững ngành thương mại điện tử
Nền tảng BAEMIN đánh giá cao thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam (Ảnh: Vietcetra)

“Ngoài ra về công nghệ, Việt Nam có lực lượng kỹ sư công nghệ chất lượng cao cùng với các ứng dụng được phát triển đạt chất lượng cao. Chính vì vậy, thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn vô cùng tiềm năng”, ông Jinwoo Song khẳng định.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, một trong những mối quan tâm lớn nhất của doanh nghiệp khi kinh doanh trên thị trường đó là xác định các khung pháp lý để quản lý, vận hành hợp lý, hiệu quả trên thị trường.

Ông Jinwoo bày tỏ hi vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý về thương mại điện tử thông qua việc hoàn thiện môi trường pháp lý phù hợp với bối cảnh thực tế; giải quyết những bất cập trong quy định hiện tại về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài, đồng thời xây dựng tín nhiệm tiêu chuẩn trong thương mại điện tử.

Thêm vào đó, Tổng giám đốc BAEMIN Việt Nam đề xuất Việt Nam nên phát triển các chương trình và chính sách đánh giá tín nhiệm websites thương mại điện tử, để khách hàng có một cơ sở tin cậy trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ, đồng thời thúc đẩy các nền tảng thương mại nâng cao chất lượng phục vụ.

Về phía doanh nghiệp

Mặc dù có những bước tiến lớn, song việc phát triển bền vững của doanh nghiệp vẫn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Điển hình như thiếu công cụ quản lý và vận hành, chi phí nhân sự chuyên trách trong từng khâu vận hành vẫn thiếu, rào cản chi phí và thời gian nhận.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chi phí hạn chế. Việc vận chuyển cũng gặp khó do khoảng cách địa lý khá xa khiến thời gian giao nhận kéo dài.

Dựa trên tình hình đó, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà bán hàng cần nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường thương mại điện tử thông qua ba vấn đề chính: công nghệ, nhân sự và cơ sở hạ tầng logistic.

Về công nghệ

Trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế, các doanh nghiệp nên có những bước chuyển đổi số khi đưa ra những chiến lược kinh doanh dài hạn. Điều này giúp doanh nghiệp “giữ sức đường dài” để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất, đặc biệt là những nhóm doanh nghiệp kinh doanh đa kênh, đa nền tảng.

Với giải pháp công nghệ, nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử đã áp dụng AI, dữ liệu lớn để vận hành tích hợp, phân tích, theo dõi đơn hàng nhằm giải quyết các vấn đề về hàng hóa trong thương mại điện tử, quản lý hàng tồn kho để tối ưu hóa thời gian, chi phí hoạt động.

Gỡ 'nút thắt' phát triển bền vững ngành thương mại điện tử 1
Lazada là một trong những doanh nghiệp rất quan tâm đến việc phát triển bền vững thông quan công nghệ (Ảnh: Lazada)

Điển hình, là một nền tảng thương mại điện tử lớn, Lazada xây dựng hầu hết các chiến lược bền vững xoay quanh công nghệ. Cụ thể, Lazada đã xây dựng các trung tâm quản lý và vận hành tích hợp cho nhà bán hàng, xây dựng hệ thống phân tích nâng cao giúp nhà bán hàng theo dõi tình trạng đơn hàng, dựa trên dữ liệu lớn để đưa ra những dự đoán về sức mua và xu hướng mua hàng để chia sẻ cho các nhà bán hàng.

Ngoài hệ thống trung tâm quản lý tối ưu hóa hoạt động vận hành, Lazada, Shopee và nhiều nền tảng thương mại điện tử cũng đang sử dụng công nghệ AI để gợi ý cho người tiêu dùng. Với công nghệ này, người tiêu dùng được cá nhân hóa sở thích, giúp họ tìm kiếm sản phẩm yêu thích, giảm thiểu thời gian tìm kiếm, giúp cho nhà bán hàng nắm bắt được xu hướng phục vụ khách hàng tốt hơn.

Thêm vào đó, những nền tảng thương mại điện tử còn tích hợp các công cụ giúp khách hàng có thể giải trí trong mua sắm như livestream hoặc game, nhằm hấp dẫn khách hàng. Như vậy, khi tham gia vào nền tảng thương mại điện tử, khách hàng không chỉ có không gian để mua sắm các sản phẩm dịch vụ, mà còn có thể kết hợp giải trí và giao lưu với người khác, từ đó giúp gia tăng doanh số cho nhà bán hàng.

Về nhân sự

Theo đánh giá của nhiều tập đoàn thương mại điện tử lớn, mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng sau Indonesia nhưng sức bật, mặt bằng nhân lực ở Việt Nam vượt Indonesia, ngang bằng Thái Lan, và sau Singapore. Để đào tạo được một người ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trực tuyến ở Indonesia mất thời gian gấp đôi ở Việt Nam.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nguồn nhân lực tham gia thương mại điện tử ở Việt Nam khá trẻ và có khả năng hấp thụ công nghệ mới nhanh nhạy, có thể khởi nghiệp trên môi trường số… Đây là những yếu tố rất thuận lợi cho các hoạt động đào tạo nhân lực thương mại điện tử ở Việt Nam.

Việt Nam có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến. Cùng với đó, gần 64% doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử. Tuy nhiên, chỉ có 30% nhân lực tại các công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay được đào tạo chính quy.

Điều này đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn đáp ứng cho phát triển thương mại điện tử và chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Để có thể xây dựng được nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác liên kết với các cơ sở đào tạo, từ khâu tham vấn, định hướng về giáo trình, nội dung kiến thức, dung lượng đào tạo đến khâu tuyển dụng đầu ra, từ đó, phát huy năng lực và thế mạnh của mỗi bên, khai thác và tận dụng hiệu quả các tiềm năng về cơ sở vật chất, con người, chuyên môn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử.

Thêm vào đó, doanh nghiệp cần tăng cường tạo điều kiện để các cán bộ chuyên về thương mại điện tử tham gia thêm các khóa tập huấn đào tạo thêm về các lĩnh vực liên quan như: quản trị hệ thống, quản trị kinh doanh, marketing, thương mại, pháp luật quốc tế... để phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp.

Về logistic

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Tổng Giám đốc Smartlog Việt Nam, có 3 bài toán cần giải về logistics cho các doanh nghiệp kinh doanh đa kênh.

Sự phát triển của thương mại điện tử, sự đổi mới trong kinh doanh 4.0 đã tạo ra sự phức tạp trong vấn đề logistics. Hiện nay, giải pháp các doanh nghiệp đang sử dụng là đầu tư đội ngũ lớn để nhận hàng, đưa về kho và xử lý. Tuy nhiên, theo khảo sát, tỷ lệ hàng có sẵn trên kệ cho thấy bán hàng đa kênh chỉ đạt 80%. Trong khi kinh doanh truyền thống thì tỉ lệ này lên tới 98 - 99%. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần ứng dụng những phần mềm xử lý đơn hàng để các doanh nghiệp có thể kéo đơn hàng về và xử lý với tốc độ nhanh nhất.

Thứ 2 là tối ưu tồn kho. Bán hàng đa kênh tạo ra thách thức về quản lý tồn kho sao cho hiệu quả. Hiện các doanh nghiệp chưa tập trung vào việc này dẫn đến trải nghiệm người dùng chưa tốt. Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần chú ý tích hợp hoặc xây dựng phần mềm quản lý tồn kho để tăng năng lực soạn hàng, cải thiện chi phí.

Thứ 3 là giao hàng. Kinh doanh đa kênh phụ thuộc nhiều vào đối tác vận chuyển, nhưng lại không có hệ thống xử lý kịp thời những vấn đề xảy ra khi giao hàng. Hiện nay các doanh nghiệp có hệ thống, song chưa nhiều hệ thống xử lý kịp thời. Doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm những giải pháp công nghệ để cải thiện việc này.

“Công nghệ là xu hướng không thể cưỡng lại của logistics, nhất là khâu hậu cần”- bà Yến khẳng định.

Về phương hướng hoạt động của doanh nghiệp

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thương mại điện tử tương đối cao. Vì vậy, để cạnh tranh được, có một số điểm doanh nghiệp cần cố gắng vượt qua.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần ngày càng hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm thương mại điện tử ngày càng phong phú, mẫu mã đa dạng. Vì vậy doanh nghiệp nên tập trung nâng cao chất lượng mẫu mã, hình thức, đặc biệt chú ý đến vấn đề pháp lý, chất lượng nền tảng thương mại điện tử.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần xác định khách hàng, thị trường tiềm năng. Trong thị trường rộng lớn, các doanh nghiệp cần lựa chọn thị trường ngách, sau đó lựa chọn những sản phẩm kinh doanh phù hợp. Như sản phẩm OCOP thì sẽ bán ở sàn nào, thị trường như thế nào.

Thứ ba, các doanh nghiệp cần tập trung vào trải nghiệm khách hàng, thỏa mãn nhu cầu sử dụng của người dùng, giúp người dùng cảm thấy gắn bó với doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia vào thương mại điện tử cần phải ngày càng có trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần theo sát xu hướng của thương mại điện tử, như livestream… để có những chiến lược kinh doanh phù hợp.

Qua hội thảo, ông Nguyễn Thế Quang, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, nhận định thương mại điện tử là cơ hội để thúc đẩy nền kinh tế số, là môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng các mô hình kinh doanh.

Sự phát triển song song giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử, các vấn đề trong giao dịch thương mại điện tử phát sinh cũng là bài toán được đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ người tiêu dùng.

Với việc hoàn thiện những sửa đổi trong Nghị định 52/NĐ-CP cũng như các nhóm giải pháp trong hệ sinh thái “Phát triển nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử” ở Việt Nam sẽ góp phần xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh, bền vững tạo dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp và mang đến những phát triển vượt bậc cho bức tranh thương mại điện tử ở Việt Nam.

Sự phát triển của thương mại điện tử đã và đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc xây dựng một thị trường trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam.

Dựa trên mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, một thị trường thương mại điện tử an toàn, lành mạnh là điều hoàn toàn có thể thực hiện khi có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, địa phương và những doanh nghiệp đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường trực tuyến.