Cuộc chơi mới trong cạnh tranh thu hút FDI

Minh Nhật - 08:29, 28/05/2022

TheLEADERViệt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn này.

Cuối năm 2021, tập đoàn sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch công bố đầu tư mới 1 tỷ USD vào Việt Nam cho nhà máy trung hòa carbon đầu tiên, vận hành hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời.

Động thái này đã gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ các quốc gia Đông Nam Á, cho thấy khả năng cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia ngày càng phụ thuộc vào khả năng cung ứng điện sạch cho các doanh nghiệp này.

Điều này càng trở nên quan trọng hơn với Việt Nam bởi kết quả hưởng lợi lớn từ tăng trưởng của thị trường tiêu dùng toàn cầu, và cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam – các ngành công nghiệp sản xuất – đã và đang đứng trên vai của các tập đoàn nước ngoài.

Một số đã phát triển lớn mạnh và có tầm ảnh hưởng rất lớn trong nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động cũng như mang về nguồn thu thuế và ngoại tệ khổng lồ cho các địa phương, đơn cử như Samsung hay Pou Chen.

Sự phụ thuộc lớn này đồng nghĩa với việc những chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh, cùng mối ưu tiên của các thương hiệu toàn cầu và nhà cung ứng chủ chốt của họ có thể có tác động lan toả sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam.

Đối với các doanh nghiệp này, việc tiếp cận năng lượng sạch không chỉ xuất phát từ nhu cầu tiết giảm chi phí trước mắt, mà còn là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và cả danh tiếng.

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày càng nhạy cảm trước những áp lực của công chúng về sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với môi trường, cũng như với khẩu vị đầu tư chú trọng các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) của các nhà đầu tư tổ chức.

Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) trong báo cáo gần đây ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia có đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hoà carbon, hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau.

Một số doanh nghiệp thậm chí còn đặt mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025.

Số lượng các doanh nghiệp và mức độ tham vọng của các cam kết phát triển bền vững dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới, và bao gồm chủ sở hữu của các thương hiệu lớn về đồ may mặc, giày dép, điện tử và hàng tiêu dùng, có hiện diện sản xuất trực tiếp hoặc chuỗi cung ứng sâu rộng tại Việt Nam.

Cam kết giảm phát thải của các tập đoàn này thường mở rộng đến phạm vi 3, nghĩa là phát thải xảy ra trong toàn bộ chuỗi giá trị, ví dụ từ các nhà máy cắt may gia công hoặc lắp ráp linh kiện đặt tại Việt Nam. Vì vậy, những cải tiến trong quy trình sản xuất sẽ điều bắt buộc sẽ xảy ra trong thời gian tới.

Do lượng phát thải từ chuỗi cung ứng chiếm tới 70 – 90% tổng lượng phát thải của các tập đoàn này, nên việc xử lý phát thải thuộc phạm vi 3 được coi là ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược giảm phát thải của doanh nghiệp.

“Do mối liên kết chặt chẽ và phụ thuộc qua lại giữa các tập đoàn nước ngoài và nền kinh tế Việt Nam, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất”, IEEFA nhấn mạnh.

Khảo sát “HSBC Navigator: Tiêu điểm Đông Nam Á” mới đây cũng chỉ ra rằng là một trong những chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm nhất trên thế giới hiện nay, phát triển bền vững ở Việt Nam cũng được các nhà đầu tư quốc tế đang hoạt động tại đây cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Việt Nam là nước đi đầu trong khu vực trên tiến trình đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG). Xếp hạng thứ 51 trong số 162 quốc gia trong bảng chỉ số SDG, Việt Nam được đánh giá là thành công hơn cả các quốc gia Đông Nam Á khác, chỉ trừ Thái Lan.

Theo kết quả khảo sát, 45% công ty hoạt động tại Việt Nam được hỏi cho rằng các hoạt động bền vững quan trọng nhất mà họ có thể thực hiện là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; 42% nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Dù vậy, khoảng 31% doanh nghiệp tham gia khảo sát đang hoạt động tại Việt Nam lo lắng rằng các quy định và quy tắc mới về giảm thiểu carbon có thể ảnh hưởng đến họ.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi để đạt được các mục tiêu bền vững của mình, 3 trong số 10 công ty này nhận thấy cần phải cải thiện kiến thức về phát triển bền vững cho nhân sự của mình, trong khi 36% cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên có kỹ năng phù hợp về phát triển bền vững.

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, đánh giá Việt Nam có vị thế thuận lợi để nắm bắt nhiều cơ hội kinh doanh đang đến. Trên con đường đó, phát triển bền vững và chuyển đổi sang cân bằng phát thải sẽ tạo ra những cơ hội lớn sau khi Việt Nam công bố những cam kết đầy tham vọng sau hội nghị COP26.

“Tôi nhìn thấy một Việt Nam với mong muốn tiếp tục giữ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đồng thời nỗ lực trở thành một căn cứ địa xanh hơn, sạch hơn của thế giới”, ông chia sẻ.