Bất động sản 2018 sẽ không có bong bóng

Trâm Anh - 20:04, 08/12/2017

TheLEADERNăm 2018 không có tình trạng bong bóng bất động sản vì Chính phủ đã có những công cụ để quản lý và giám sát, cơn sốt đất nền vùng ven thời gian qua đã được bình ổn trong một thời gian ngắn.

Bất động sản 2018 sẽ không có bong bóng
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng phát biểu tại hội thảo .

“Thị trường bất động sản năm 2018 sẽ vẫn phát triển và không có bong bóng đã có những công cụ để quản lý và giám sát. Biểu hiện rõ ràng nhất là cơn sốt đất nền vùng ven thời gian qua đã được bình ổn trong một thời gian ngắn”, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản - Bộ Xây dựng, nhận định tại Hội thảo Nhận diện cơ hội và rủi ro thị trường bất động sản năm 2018 do CafeLand tổ chức tổ chức ngày 8/12 tại TP.HCM.

Bất động sản bình ổn nhờ các biện pháp của Chính phủ

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhìn toàn cục thị trường bất động sản (BĐS) sáu tháng đầu năm 2017 tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như đã có tình trạng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc BĐS cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng; nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường BĐS rất lớn, tình trạng sốt đất ảo đang diễn ra trên toàn địa bàn TP.HCM...

Thị trường BĐS TP.HCM, trong sáu tháng cuối 2017 sẽ vẫn còn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục xu thế chững lại so với năm 2016.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi đánh giá thị trường năm tới sẽ vẫn phát triển. Đặc biệt, không có tình trạng bong bóng vì Chính phủ đã có những công cụ để quản lý và giám sát. Biểu hiện rõ ràng nhất là cơn sốt đất nền vùng ven thời gian qua đã được bình ổn trong một thời gian ngắn.

Ông Khởi cho biết, điểm sáng đầu tiên có thể nhìn thấy trên thị trường đó là tồn kho BĐS đang trên đà giảm. Tính đến ngày 20/11/2017 tồn kho BĐS giảm còn hơn 25.700 tỷ đồng, so con số 102.800 tỷ đồng trong quý 1/2013, tồn kho đã giảm gần 80%. 

So với tháng 12/2016 thì đã giảm 5.300 tỷ đồng, tức hơn 17%. Cũng trong tháng 11 vừa qua, TP.HCM có 1.600 giao dịch, tăng 3,2%. Hà nội có 1.400 giao dịch, bằng so với tháng 10.

Thị trường BĐS tăng trưởng như vậy thì ngoài yếu tố kinh tế là nhờ các cơ chế chính sách. 

Luật Đất đai đang được nghiên cứu để sửa đổi với những cơ chế rất mới. Ví dụ như cho phép các doanh nghiệp cũng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hình thành các khu công nghiệp cao. 

Luật Đầu tư cũng đang được nghiên cứu sửa để giảm bớt điều kiện đầu tư kinh doanh hoặc chính sách cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở.

Ông Khởi cho biết: “Nếu như sáu năm từ 2009 đến 2015 chỉ có 126 trường hợp thì từ sau khi có Luật Nhà ở 2014 đến nay đã có 1.000 trường hợp được cấp sổ đỏ và số lượng người nước ngoài đang tìm mua BĐS đang tăng lên. Chính những thay đổi này đã khiến thị trường ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.

Bên cạnh đó, ông Khởi cũng khẳng định dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước vào BĐS đang ngày càng tăng, nên tiềm năng về vốn cho thị trường là luôn luôn có. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến và họ cần cơ chế cởi mở, thông thoáng để đầu tư. Tại TP.HCM có một số dự án đang hợp tác đầu tư thành công.

Từ những điểm sáng về kinh tế, chính sách và nguồn vốn đầu tư có thể khẳng định rằng tiềm năng thị trường BĐS còn rất lớn và xu hướng thị trường trong thời gian tới vẫn sẽ phát triển ổn định nhưng có sự kiểm soát của nhà nước. 

Bên cạnh đó sẽ có xu hướng phát triển căn hộ diện tích vừa với giá vừa phải, đồng thời phát triển căn hộ khách sạn (condotel) hay xu hướng phát triển đất nền ở một số khu vực, ông Khởi nói.

Kinh doanh BĐS khởi sắc trong năm năm tới

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, chia sẻ: “Dòng vốn FDI của nhà đầu tư nước ngoài và dòng kiều hối của người Việt Nam ở nước ngoài đổ vào thị trường BĐS đã, đang và sẽ tăng lên cùng với sự thông thoáng của môi trường đầu tư và sức hấp dẫn của thị trường trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế mạnh mẽ”.

“Dự báo trong vòng năm năm tới, kinh doanh BĐS sẽ tiếp tục thu hút trên dưới 3 tỷ USD vốn FDI mỗi năm, góp phần tích cực phát triển thị trường trong điều kiện hội nhập”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Nhìn chung, tại hội thảo lần này hầu hết chuyên gia tiếp tục đánh giá tích cực về hiện tại và lạc quan về triển vọng thị trường BĐS bên cạnh một số quan ngại về sự tăng trưởng quá nóng một số khu vực và tính minh bạch của thị trường vẫn chưa cao.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Thủ tướng Chính phủ, đã nhận định vai trò quan trọng của ngành du lịch và xây dựng. Ông Thiên cho biết đây là hai ngành mũi nhọn đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, ông Thiên còn cho biết muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển cần tập trung “dọn dẹp” các cơ chế, điều kiện kinh doanh trói buộc doanh nghiệp.

Bên cạnh đó cần tái Cơ cấu ngành Du lịch, XD ngành “mũi nhọn” đúng nghĩa: Tập trung xây dựng thể chế vượt trội cho các đặc khu và trung tâm du lịch, định hướng sản phẩm du lịch chất lượng cao, lan tỏa phát triển, thúc đẩy nông nghiệp đặc sản, đặc sắc và công nghệ cao.

Đặc biệt, ông Thiên nhận định nên chuyển từ lập trường cổ phần hoá sang lập trường “tư nhân hóa” để tạo động lực cho nền kinh tế phát triển.