Blockchain – Bong bóng hay cuộc cách mạng?

Quỳnh Như - 11:07, 13/06/2018

TheLEADERBlockchain sẽ thay đổi thế giới, như internet từng làm, nhưng nó cần thời gian phát triển và trưởng thành mới có thể làm được điều đó.

Blockchain – Bong bóng hay cuộc cách mạng?
Blockchain sẽ tạo ra một cuộc cách mạng như internet đã từng làm.

Ra đời từ những năm 2008, nhưng phải 5 năm sau, blockchain mới bắt đầu được người Việt quan tâm thông qua Bitcoin. Giữa năm 2016 đến 2017, trào lưu đầu tư vào Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác ở Việt Nam được đẩy lên mức độ "hot".

Tuy nhiên, cơn sốt đó đã nhanh chóng hạ nhiệt bởi 2 sự kiện diễn ra liên tục đầu năm 2018: giá Bitcoin bắt đầu rơi tự do cùng cú lừa của công ty Modern Tech. Sự quan tâm đến công nghệ blockchain cũng theo đó chùng xuống.

Theo các chuyên gia có mặt trong tọa đàm bàn tròn với chủ đề “Blockchain – Bong bóng hay cuộc cách mạng” tại sự kiện Vietnam Mobile Day 2018, thì việc blockchain bị vạ lây bởi những mặt tối của Bitcoin là không đáng.

Bitcoin chỉ là một ứng dụng sơ khai của blockchain. Ngoài Bitcoin, công nghệ blockchain còn có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống và thậm chí có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiều ngành nghề khác nhau, như ngân hàng.

“Bây giờ, công nghệ blockchain có vai trò như internet cách đây 10 năm. Nó có khả năng thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Tất cả doanh nghiệp đều có thể áp dụng công nghệ blockchain vào sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, cần thời gian để xây dựng mọi thứ cho blockchain như chúng ta đã làm với internet”, Ronald Le, Đồng sáng lập Hawking, công ty fintech sử dụng blockchain trong thanh toán trực tuyến, nhận xét.

Ông Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập và CEO của UmbalaNetwork, công ty vừa gọi thành công 6 tỷ đồng tiền vốn ở chương trình Sharktank, cho rằng, blockchain sẽ thay đổi thế giới, nhưng chúng ta cần cho nó thời gian.

Với mô hình kết nối ngang hàng, ông Thảo bình luận, công nghệ blockchain đảm bảo được sự minh bạch, khiến thế giới tin vào sự trung thực của nó. Hiện tại, phần lớn cơ sở dữ liệu – data base của thế giới đều nằm trong tay những ông lớn trong ngành công nghệ như Facebook, Google…; nhưng với công nghệ blockchain, chúng ta có thể tự mình sở hữu và quản lý những thông tin của mình.

Tiềm năng của blockchain là vô tận, ông Nguyễn Minh Thảo nói thêm, tuy nhiên chúng ta cần phải cho nó không gian để từ từ phát triển. Hiện tại, blockchain đã tiến hoá đến giai đoạn 3 (blockchain 3.0). Cần 5 năm để 1 hệ thống blockchain có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống và cần 1 đến 2 năm để ứng dụng 1 công nghệ blockchain thích hợp vào một sản phẩm cụ thể.

Ông Giáp Văn Đại, CEO Nami – một công ty trong lĩnh vực blockchain, phân tích cụ thể hơn: “Hiện tại, mức vốn hoá của thị trường tiền mật mã vào khoảng 700 đến 800 tỷ USD, trong đó nổi bật nhất là nền tảng Ethereum, còn được xem là blockchain 2.0.

Tuy nhiên, hiện có hơn 70% công ty ứng dụng Ethereum để phát triển ứng dụng game. Thế nên, vấn đề là phải ứng dụng blockchain như thế nào và nó sẽ giải quyết được bao nhiêu vấn đề của cuộc sống?”.

Blockchain – Bong bóng hay cuộc cách mạng?

Các diễn giả trong buổi tọa đàm.

Người ta toàn nói về những “điều thần kỳ” mà blockchain có thể làm được, mà quên rằng, đó là câu chuyện của tương lai chứ không phải bây giờ. Ví dụ, ở Việt Nam, việc giao dịch qua blockchain vẫn chưa thể diễn ra ngay lập tức – real time. Ông Giáp Văn Đại dự đoán, phải sau 5 năm nữa, thị trường blockchain mới bước vào giai đoạn ổn định.

Thêm nữa, hiện tại, thị trường công nghệ cao đang phát triển với cấp số nhân, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng chỉ phát triển với cấp số cộng. Thế nên, trước khi ứng dụng công nghệ blockchain vào bất cứ sản phẩm/dịch vụ gì, chúng ta cần phải tự hỏi, liệu khách hàng có cần điều đó?

Ông Ronald Le cho rằng, trong tương lai, Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ không thắt chặt việc ứng dụng blockchain vào cuộc sống, vì đây là một ngành công nghệ mang lại rất nhiều tiền, mà ở đời, chẳng ai chê tiền nhiều cả. Các startup trong ngành blockchain của Việt Nam cũng rất giỏi, có thể giúp ngành blockchain của Việt Nam có một vị trí trên bản đồ blockchain thế giới.

Ông Giáp Văn Đại dẫn chứng: “Quan điểm của Chính phủ là hỗ trợ các startup, kể cả trong lĩnh vực blockchain, chỉ không hỗ trợ việc gọi vốn ảo hay kinh doanh tiền ảo”.

Hồi mới khởi nghiệp với Nami, ông Đại hồi tưởng, có thuê khoảng 5 nhân viên trẻ, và ông đã gặp nhiều khó khăn để quản lý họ, vì họ rất thông minh. Thế nên, chúng ta không sợ sẽ tụt hậu nhiều so với thế giới trong lĩnh vực công nghệ blockchain.

Tuy nhiên, để giúp blockchain có bước tiến nhanh và vững chắc, chúng ta cần các hiệp hội. Hiệp hội blockchain có nhiệm vụ thể hiện với xã hội, chúng ta sẽ mang lại những giá trị gì cho đất nước này, cho Chính phủ.