Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên: 'Sẽ phải trả giá 5 hoặc 10 năm phát triển nếu doanh nghiệp mất niềm tin vào chính quyền'

An Chi - 19:38, 24/06/2018

TheLEADERTheo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, nếu không cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh một cách hiệu quả, nó sẽ trở thành rào cản, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên: 'Sẽ phải trả giá 5 hoặc 10 năm phát triển nếu doanh nghiệp mất niềm tin vào chính quyền'
Ông Vũ Hồng Bắc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên

Thấy rõ được vai trò của môi trường kinh doanh đối với sự phát triển của doanh nghiệp, tại buổi Tọa đàm trực tuyến “Thái Nguyên, tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây ông Bắc cho biết, Thái Nguyên luôn luôn đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất để doanh nghiệp có cơ hội phát triển. 

Qua đó, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư có năng lực có uy tín đến Thái Nguyên sản xuất kinh doanh. "Khi doanh nghiệp mất niềm tin vào chính quyền, chúng ta phải trả giá đến 5 năm, 10 năm phát triển", ông Bắc nhấn mạnh.

Tại cuộc làm việc gần đây nhất với Thái Nguyên, ngày 19/4, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ đạo: "Bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, Thái Nguyên cần quan tâm hơn nữa đến việc thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước đến đầu tư, kinh doanh". Ông có thể cho biết, tỉnh đã thực hiện ý kiến chỉ đạo này như nào?

Ông Vũ Hồng Bắc: Những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của Thái Nguyên luôn luôn đạt cao, tăng gần gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước; giá trị công nghiệp của tỉnh đạt gần 600 nghìn tỷ năm 2017, giá trị xuất khẩu đạt 23,5 tỷ USB, người dân có thu nhập bình quân đạt 68 triệu đồng/người/năm, cao nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thái Nguyên rất coi trọng vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển địa phương. Muốn phát triển phải có doanh nghiệp. Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng quan trọng, quyết định thành công của sự phát triển. 

Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân ở Thái Nguyên là lực lượng có sức mạnh lớn, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ. 

Kinh nghiệm của Thái Nguyên trong những năm qua là tạo môi trường đầu tư tốt nhất để doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn luôn cam kết tạo mọi điều kiện để đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giảm bớt việc thanh tra, kiểm tra đến các doanh nghiệp, ở Thái Nguyên có tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo đến các doanh nghiệp và để làm phiền đến doanh nghiệp không, thưa ông?

Ông Vũ Hồng Bắc: Sau khi có chỉ thị của Thủ tướng, tỉnh Thái Nguyên cũng ban hành văn bản chỉ đạo, đồng thời ngành thanh tra của tỉnh cũng ban hành văn bản hướng dẫn để cho tất cả các cấp ngành, tất cả các ngành muốn thanh tra đến doanh nghiệp đều phải gửi quyết định đến ngành thanh tra để tổng hợp.

Ngành thanh tra cũng đã kiểm soát được việc thanh tra của các cấp, các ngành có bị chồng chéo hay không, đặc biệt các doanh nghiệp cũng đã có hội thảo tọa đàm với ngành thanh tra. Ngành thanh tra đề nghị nếu như doanh nghiệp nào bị các ngành đến thanh tra hai lần trong một năm thì sẽ báo lại. Hiện tỉnh vẫn đang kiểm soát rất tốt việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp.

Nhiều quan điểm cho rằng, đôi khi môi trường đầu tư ở một số nơi thường chỉ thông thoáng ở các cấp lãnh đạo cấp trên, còn khi triển khai xuống thì cán bộ cấp dưới lại gây khó khăn, nhũng nhiễu, "trên rải thảm, dưới rải đinh”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Ông có thể nói rõ hơn ở Thái Nguyên có tình trạng này ko?

Ông Vũ Hồng Bắc: Tôi rất đồng tình với ý kiến này, đó là những suy nghĩ xuất phát từ thực tiễn, nói lên bức tranh tổng thể, đồng bộ và chính xác từ địa phương.

Về thực trạng này, hiện sự điều hành của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có những tiến bộ, nhưng chỉ là bước đầu, còn những việc chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt là sự đổi mới. 

Tuy nhiên, hiện tỉnh Thái Nguyên đang có cải thiện rất rõ ràng. Chúng tôi phê phán những biểu hiện cản trở sự phát triển, đặc biệt là hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Thái Nguyên luôn luôn đồng hành hỗ trợ, xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích thu hút tập hợp, tăng thêm nguồn lực mời gọi các nhà đầu tư có năng lực có uy tín đến Thái Nguyên sản xuất kinh doanh.

Tỉnh luôn đề cao đạo đức công vụ, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư. Tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”, đối với Thái Nguyên không còn nhưng tình trạng ỉ lại, trông chờ, thờ ơ vô cảm của một số cán bộ công chức, đặc biệt là ở những bộ phận có liên quan đến các thủ tục và ở cơ sở (xã, phường) vẫn còn diễn ra.

Nếu không đề cao đạo đức công vụ thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển, rào cản. Khi doanh nghiệp mất niềm tin vào chính quyền, chúng ta phải trả giá đến 5 năm, 10 năm phát triển.

Bốn lĩnh vực ưu tiên 

Để phát huy những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, hạ tầng, nguồn nhân lực, tỉnh Thái Nguyên mong muốn kêu gọi đầu tư vào những lĩnh vực nào thưa ông? 

Ông Vũ Hồng Bắc: Xúc tiến đầu tư luôn gắn liền với tư duy và tầm nhìn của các cấp. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, sự tham vấn của VCCI, đến thời điểm này chúng tôi đã hoàn tất cơ bản các chương trình của một Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh. Hiện nay đã hình thành được danh sách, quyết định danh mục các nhà đầu tư. Theo đó, Thái Nguyên khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực, đặc biệt là 4 lĩnh vực ưu tiên:

Thứ nhất là công nghiệp. Thái Nguyên vẫn xác định công nghiệp là một ngành kinh tế trọng điểm, trọng tâm, có tính chất nền tảng. Hiện Thái Nguyên có 6 khu công nghiệp, đã lấp đầy được 2 khu, còn lại 4 khu đang tiếp tục mở rộng và phát triển, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh, gồm Phổ Yên, Sông Công và Phú Bình đang hình thành vùng kinh tế trọng điểm. 

Thái Nguyên chú trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử, công nghiệp chế tạo. Nhiều nhà đầu tư đang quan tâm đến các lĩnh vực này để đưa vào khu công nghiệp.

Lĩnh vực thứ hai là phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ mà tỉnh còn hạn chế, thậm chí hơi yếu. Sắp tới, tỉnh sẽ đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng. Thái Nguyên sẽ phát huy lợi thế của Hồ Núi Cốc, gắn với dãy núi phía Đông Tam Đảo, có điều kiện đất đai, khí hậu để hình thành du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.

Hiện nay có nhiều nhà đầu tư đến Thái Nguyên tìm hiểu cơ hội hợp tác, ví dụ như DN Xuân Trường, công ty Trường An, Sun Group, Vin Group, Tập đoàn FLC.

Thứ ba là lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh khuyến khích đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đang quan tâm đến việc dồn điền đổi thửa, cánh đồng mẫu lớn, đất đồi trước đây của nông lâm trường quốc doanh. Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến kho đất đai, một trong những thế mạnh của tỉnh. 

Tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp, người dân tạo ra giá trị hàng hóa tiêu chuẩn đưa vào các nhà máy, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một lĩnh vực ưu tiên nữa là phát triển đô thị, vì hiện nay Thái Nguyên đang có tốc độ phát triển đô thị, tốc độ đô thị hóa cao, dân số ở đô thị tăng nhanh.

Do đó, đây cũng là lĩnh vực tỉnh ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu đô thị theo hướng văn minh, tiêu chuẩn cao, có hạ tầng tốt, cây xanh, vỉa hè, các khu nhà ở. Hướng đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, nhà vườn, nhà nghỉ sinh thái gắn với văn hóa của dân tộc Tày, Nùng, H’mông, Dao. Hiện nay đã có một số nhà đầu tư, có biên bản ghi nhớ như FLC, Vin Group và các nhà đầu tư khác.

Bên cạnh những dự án về kinh tế, du lịch, nông nghiệp, tỉnh còn chú trọng đầu tư về xã hội, trường học, bệnh viện chất lượng cao để đảm bảo xúc tiến đầu tư toàn diện. Tới đây, tỉnh sẽ cấp phép cho nhà đầu tư bệnh viện với số vốn hơn 1.200 tỷ.

Nhiều ý kiến rằng các doanh nghiệp FDI luôn được ưu ái hơn so với doanh nghiệp trong nước, thậm chí chi phí không chính thức cũng được ưu ái hơn. Tại Thái Nguyên có thực trạng này?

Ông Vũ Hồng Bắc: Về vấn đề này, phải có sự rạch ròi, cái gì là cơ chế chính sách của Nhà nước, luật pháp hiện hành quy định thì chúng ta phải chấp hành. 

Ví dụ, đối với doanh nghiệp FDI, ngoài thực hiện chính sách chung cũng có những chính sách Chính Phủ ưu đãi. Công ty Samsung đến với Thái Nguyên, Chính phủ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm, áp dụng cả với công ty ở Bắc Ninh. Thái Nguyên sẽ thu thuế thu nhập của Samsung từ năm nay. 

Còn quan điểm chung của tỉnh là đối xử bình đẳng, tạo mọi cơ hội bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực về đất đai, tín dụng, thông tin truyền thông, thuế, hải quan.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước còn bộc lộ những yếu kém, tụt hậu như năng lực quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, năng lực tài chính, kỹ năng điều hành so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến với Thái Nguyên. 

Tỉnh luôn khuyến khích doanh nghiệp không được thua ở trên sân nhà, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo của các doanh nghiệp. 

Còn về phía các doanh nghiệp FDI vào Thái Nguyên, hiện nay tỉnh có 130 doanh nghiệp FDI, nhất là Công ty Samsung có hơn 70.000 lao động, trong đó có 21.000 lao động Thái Nguyên, còn lại là các tỉnh khác. Đây là cơ hội tốt, ngoài giải quyết việc làm, đóng góp ngân sách Nhà nước, cân bằng lợi ích giữa nhà đầu tư, người dân. Đồng thời để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Xin cảm ơn ông!