Đang 'tắc' vốn, TP.HCM lại đề xuất xây tuyến metro 2,8 tỷ USD
Huy Thịnh
Thứ ba, 14/11/2017 - 14:30
Thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 trong cảnh “ăn đong”, nhiều lần phải tạm ứng ngân sách thanh toán cho các nhà thầu thi công vì bị Trung ương “cắt vốn”, mới đây, TP.HCM lại tiếp tục đề xuất làm tuyến số 3a với kinh phí còn “khủng” hơn, lên tới gần 3 tỷ USD.
Khơi thông hành lang Đông - Tây
Ngày 10/11 vừa qua, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 3a (Bến Thành - Tân Kiên) để trình Chính phủ cho sử dụng vốn ODA. Nhà tài trợ dự kiến của dự án là Chính phủ Nhật Bản.
Tuyến metro 3a dài gần 20 km có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 62.000 tỉ đồng (hơn 2,8 tỷ USD), được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1: Xây dựng trước đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây (dài 9,7 km đi ngầm toàn bộ với kinh phí hơn 1,8 tỷ USD) với 8 ga ngầm và 2 ga trên cao.
Giai đoạn 2: xây dựng đoạn Bến xe Miền Tây - Tân Kiên dài hơn 10 km với phần lớn đi trên cao với kinh phí khoảng 1 tỷ USD gồm 7 ga trên cao. Depot Tân Kiên đặt tại huyện Bình Chánh có diện tích 20,15ha.
Dự án có lộ trình từ Quảng trường Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành) – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Depot Tân Kiên – Ga Tân Kiên. Thời gian dự kiến đưa vào khai thác tuyến metro số 3a là từ năm 2026.
Tuyến metro số 3a cũng được định hướng nghiên cứu kéo dài từ Ga Tân Kiên qua địa phận tỉnh Long An, kết nối với Thành phố Tân An.
Theo UBND TP.HCM, tuyến metro số 3a sẽ kết nối với tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hình thành nên tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm nối từ Bến xe miền Đông mới đến trung tâm thành phố và Bến xe Miền Tây, kết nối liên thông ba trung tâm vận chuyển hành khách lớn của TP.HCM.
Lưu lượng hành khách dự báo khi bắt đầu khai thác là 218.500 hành khách/ngày (năm 2026), tăng lên 408.800 hành khách/ngày (năm 2030) khi mở rộng sang giai đoạn 2 và đạt 561.300 khách/ngày (năm 2050).
Văn bản đề xuất của UBND TP.HCM cho rằng suất vốn đầu tư của tuyến metro số 3a (khoảng 110,23 triệu USD/km) là phù hợp so với suất đầu tư các dự án đang triển khai trong nước và khu vực. Cụ thể: suất vốn đầu tư dự án tuyến metro số 1 TP.HCM khoảng 97 triệu USD/km; tuyến metro 2 TP.Hà Nội khoảng 101 triệu USD/km. Trong khu vực, các nước như Singapore, Malaysia, Hong Kong xây dựng các tuyến metro có tính chất tương tự như tuyến 3a thì có suất đầu tư từ 103-345 triệu USD/km.
Trao đổi với Tiền Phong vào chiều 13/11, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị TPH.CM (BQLDA) cho rằng việc xây dựng và đưa vào khai thác tuyến metro số 3a sẽ cải thiện mật độ giao thông đô thị tại khu vực phía Tây, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Tiền đâu?
Theo đại diện BQLDA, tổng mức đầu tư của dự án đã được tính đầy đủ cơ cấu thành phần các chi phí theo quy định, bao gồm: chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm thiết bị, chi phí di dời hạ tầng kỹ thuật, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn, chi phí khác, chi phí dự phòng, lãi suất trong thời gian thi công…
“Việc đánh giá và điều chỉnh chi phí sẽ thực hiện ở bước thẩm tra dự án sau này. Công tác thẩm tra dự án sẽ đánh giá sự phù hợp của phương pháp tính toán tổng mức đầu tư, phù hợp với đặc điểm, tính chất, yêu cầu kỹ thuật, công nghệ của dự án, bao gồm cả việc xác định quy mô, tính chất và phạm vi của dự án vào tính toán tổng mức đầu tư”, đại diện BQLDA cho biết.
Vì sao TP.HCM đề xuất làm tuyến số 3a tại thời điểm “nhạy cảm” này, khi những “lùm xùm” về vốn của tuyến số 1 chưa được giải quyết, đại diện BQLDA cho biết Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án tuyến số 3a và đã hoàn tất vào từ tháng 3/2017.
“Cách đây gần 4 tháng, JICA đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá tình hình, tiến độ thực hiện dự án tuyến 3a, trong đó, JICA bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai dự án và mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án tuyến metro số 3a”, đại diện BQLDA cho hay.
Đối với dự án tuyến metro số 1, đại diện BQLDA cũng cho biết UBND TP.HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ giải ngân để hoàn trả các khoản tiền tạm ứng (thanh toán cho các nhà thầu) cho ngân sách thành phố nhằm giải quyết tình hình khó khăn về nguồn vốn ODA.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đồng ý chủ trương tạm ứng từ ngân sách thành phố để kịp thời thanh toán cho các nhà thầu trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ ngân sách Trung ương.
Theo UBND TP.HCM, kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương phân bổ cho các dự án của TP.HCM không đủ để thanh toán khối lượng công việc hoàn thành trên công trường, dẫn đến nguy cơ đình trệ tuyến metro số 1.
Sau khi cho tạm ứng ngân sách, UBND thành phố đã chỉ đạo BQLDA và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ, tránh trùng lắp và không làm tăng chi phí ngân sách nhà nước, hoàn trả tạm ứng cho ngân sách thành phố ngay sau khi có kế hoạch vốn từ ngân sách Trung ương.
Hiện, các nhà thầu hoàn trả đủ giá trị đã thanh toán bằng Yên Nhật số tiền 169 tỷ đồng cho ngân sách. Đối với việc thanh toán 422 tỷ đồng, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa thực hiện giải ngân.
TP.HCM đã 3 lần phải tạm ứng vốn ngân sách để bảo đảm tiến độ cho tuyến metro số 1. Cụ thể: Năm 2016, thành phố tạm ứng 600 tỷ đồng để trả nợ, đến tháng 8/2017 tiếp tục tạm ứng số tiền 500 tỷ đồng. Mới đây nhất, UBND thành phố lại phải tạm ứng hơn 1.200 tỷ đồng để trả nợ các nhà thầu thi công tuyến metro số 1, trong khi chờ bổ sung kế hoạch vốn ODA từ Trung ương.
Theo BQLDA, vốn ODA cho tuyến metro số 1 chỉ đáp ứng 36% nhu cầu. Năm nay, TP.HCM cần khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được hơn 2.100 tỷ. Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng nhưng TP.HCM mới nhận được 7.500 tỷ đồng.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012 với chiều dài gần 20 km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương), trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.
Đồng ý với việc TP.HCM được phép áp dụng một số cơ chế, chính sách “đặc thù”, được thu thêm hoặc tăng thu một số loại thuế, phí, nhưng Bộ Tài chính đề xuất các chính sách đưa ra phải báo cáo Quốc hội. Trong khi các chuyên gia vẫn tỏ ra lo ngại với các cơ chế “đặc thù”. Dự kiến, nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp ngày 14/11 tới.
Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo phải ngừng hết các dự án BT đang đàm phán ở TP.HCM để chờ xây dựng quy trình chặt chẽ, minh bạch và công khai.
Chiều 26/10, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc họp ngoài giờ làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhằm xây dựng cơ chế đặc thù ngân sách cho thành phố này.
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.