'Doanh nghiệp châu Âu vẫn không dễ dàng đầu tư ở Việt Nam'

Kiều Mai - 11:24, 12/12/2017

TheLEADERHầu hết kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 vẫn quan ngại những khó khăn về thể chế, môi trường cấp phép và tham nhũng tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch và quyết định đầu tư.

Phát biểu tại VBF 2017, bà Natasha Ansell, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AmCham) cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ thời gian gần đây tiếp tục dành sự quan tâm lớn với Việt Nam. Đặc biệt, chuyến thăm của Tổng thống Donal Trump vừa qua đã tạo cơ hội để hiện thực hóa những kế hoạch đầu tư lớn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch AmCham cho rằng, Việt Nam vẫn có nhiều vấn đề khó khăn về thể chế, môi trường cấp phép, tham nhũng và những hạn chế khi vẫn chú trọng vào khu vực công và doanh nghiệp nhà nước.

Việt Nam đang có cơ hội để thu hút đầu tư lớn vào hai lĩnh vực: năng lượng và môi trường; hai lĩnh vực này đều lệ thuộc vào cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường. 

Do cung cầu điện năng, kế hoạch bảo đảm năng lượng cho sản xuất và sinh hoạt nên công nghiệp năng lượng Việt Nam sẽ có nhiều tiềm năng. 

"Nếu Chính phủ có lộ trình 5 năm tới hướng về kinh tế thị trường, khối tư nhân chú trọng vào sản xuất điện năng thì sẽ thu hút rất nhiều vốn doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực này", Chủ tịch AmCham nói.

'Doanh nghiệp châu Âu vẫn không dễ dàng để đầu tư ở Việt Nam'
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2017) khai mạc sáng nay 12/12.

Đối với ngành vận tải, nhiều dấu hiệu cho thấy, Việt Nam đang cố gắng hiện đại hoá áp dụng 4.0, do đó, Chính phủ cần áp dụng công nghệ cao để vận hành tốt ngành này.

Lĩnh vực nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đang ngày càng trở nên tốn kém. Năm ngoái Việt Nam thặng dư thương mại với Hoa Kỳ 32 tỷ USD, cần cải thiện rào cản phi biên giới để hàng hoá nhập vào dễ hơn.

Theo bà Natasha Ansell: "Chúng tôi tin rằng luật định cần công bằng bình đẳng. Những thay đổi liên quan ảnh hưởng rào cản, như dự thảo luật an ninh mạng, thuế đồ uống, Thông tư 19 thanh toán thẻ, Nghị định 181 thực hiện luật đầu tư, dự thảo lao động nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội, …cần giảm chi phí và giảm rủi ro. Sửa đổi vấn đề này, sẽ góp phần thu hút nguồn đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam".

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham cho biết, các doanh nghiệp châu Âu vẫn không dễ dàng để đầu tư ở Việt Nam. 

Theo ông Tomaso Andreatta, tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp châu Âu đã không phát triển tương đồng như các doanh nghiệp châu Á đầu tư tại Việt Nam. 

"Các doanh nghiệp châu Âu không dễ dàng để đầu tư, khi các doanh nghiệp đến đây có khó khăn nhất định như yêu cầu quyền đảm bảo sở hữu trí tuệ chặt chẽ, phát triển chuỗi cung ứng rất quan trọng nhưng vẫn còn đó khó khăn", ông Tomaso Andreatta cho biết.

Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có nhiều hoạt động rất nghiêm túc trong việc tiếp cận nhiều đối tượng để rà soát và phát triển môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có những tồn tại lớn ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu. 

'Doanh nghiệp châu Âu vẫn không dễ dàng để đầu tư ở Việt Nam' 1
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham.

Thứ nhất là tham nhũng nhân viên trong các cơ quan Nhà nước. Giải pháp đòn bẩy là trả họ mức lương chính đáng cho các nhân viên cấp thấp, ở mức cao hơn cần cải thiện cơ chế minh bạch, tạo niềm tự hào cống hiến cho quốc gia.

Thứ hai là vẫn còn cơ chế bảo hộ, chú trọng khu vực nhà nước. Thứ ba, tinh giảm thủ tục hành chính là hậu cần, thuế nhà thầu cần được thống nhất, chính sách một cửa quốc gia, chính sách thanh toán ngoại tệ qua internet cần được thống nhất và thực thi.

Một vấn đề nữa liên quan đến giải pháp về giao thông, nên chuyển sang sử dụng xe đạp điện trước, sau đó mới cắt giảm xe máy bằng những biện pháp. Hiện tại, thị trường ô tô Việt Nam rất nhiều tiềm năng, đây là thời cơ để Việt Nam ứng dụng và sử dụng xe ô tô điện, có sự phối hợp lan toả với ứng dụng thân thiện môi trường sử dụng pin mặt trời, tiếp theo là xe tải và phương tiện vận chuyển bắc –nam.

Ở góc nhìn tương tự về những khó khăn liên quan đến thể chế và các thủ tục hành chính, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Hiroshi Karashima cho rằng, thủ tục hành chính của Việt Nam đã tốt lên tuy nhiên chưa đầy đủ. 

'Doanh nghiệp châu Âu vẫn không dễ dàng để đầu tư ở Việt Nam' 2
Ông Hiroshi Karashima (người mặc áo vest màu đen).

Ví dụ, vẫn còn tồn tại cách giải thích pháp lý không rõ ràng của một số cơ quan, trong đầu tư, sự rõ ràng minh bạch là rất quan trọng. Chính phủ Việt Nam cần đưa ra giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.

Hiệp hội đã đưa ra 2 đề xuất trước đó: Một là thành lập một cơ quan liên bộ ngành, có quyền hạn sử lý mạnh mẽ vẫn đề phát sinh do sự thiếu rõ ràng gây ra. Uỷ ban đó, có uỷ viên là các bộ trưởng và có sự tư vấn của hội đồng chuyên gia gồm các doanh nghiệp tư nhân.

Hai là, cần hoàn thiện cơ chế về công văn để xác nhận tính hợp pháp và hợp lý của hệ thống thủ tục hành chính sao cho đồng bộ, thống nhất, minh bạch.

Cần có uỷ ban chuyên môn gồm các doanh nghiệp tư nhân và các hiệp hội doanh nghiệp để sao có sự tư vấn gần nhất, kịp thời thúc đẩy thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa sự hấp dẫn đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.