'Giấy phép WTO' và bài toán thị trường cho doanh nghiệp Việt

Hương Xuân - 14:00, 21/02/2018

TheLEADER"Chỉ cần có môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng thì chúng ta sẽ phát triển đúng hướng và sẽ bắt kịp các nước trong 5-10 năm đến".

Ông Đỗ Hòa, CEO Công ty tư vấn Tinh hoa quản trị đã nhận định như vậy khi chia sẻ với TheLEADER nhân dịp đầu xuân mới 2018.

'Những gì doanh nghiệp các nước làm được thì doanh nghiệp Việt cũng làm được'
Doanh nhân Đỗ Hòa.

Ông đánh giá thế nào về những tín hiệu từ thị trường thế giới sẽ tác động đến Việt Nam trong năm mới 2018? 

Ông Đỗ Hòa: Tôi nghĩ kinh tế thế giới vẫn đang ở trong giai đoạn dò dẫm để tìm động lực phát triển. Kinh tế châu Âu thì đã được xem là bão hòa từ nhiều năm nay rồi. Các doanh nghiệp châu Âu thì đang nhìn về hướng Đông (châu Á) để tìm kiếm cơ hội làm ăn, nơi họ tin tưởng có nhiều cơ hội phát triển nhất trên thế giới.

Trong khi đó, các nền kinh tế châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Việt Nam...) thì lại nhìn về Mỹ để tìm kiếm thị trường đầu ra cho các sản phẩm của mình. 

Và Mỹ dưới nhiệm kỳ tổng thống Trump thì lại có xu hướng bảo hộ mậu dịch, ông ưu tiên lôi kéo doanh nghiệp Mỹ về lại Mỹ để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người Mỹ. Do vậy, có thể nói tuy thị trường Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất thế giới, nhưng cơ hội khai thác thị trường Mỹ không còn dễ dãi như trước đây.

Sau Mỹ, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, một thị trường rất hấp dẫn, được cả châu Âu, châu Á và cả Mỹ muốn khai phá. Nhưng thực tế những năm qua cho thấy thị trường Trung Quốc có những luật chơi riêng mà không phải ai cũng chơi được. 

Ngay cả những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ cũng phải chịu đứng ngoài nhìn (Google, Apple, Facebook...), các ngành khác thì cũng không dễ xuất hàng vào Trung Quốc.

Trong khi đó, tình hình quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung những năm gần đây, nhất là sau khi tổng thống Trump lên cầm quyền, đang trở nên rất căng thẳng. Nhiều tập đoàn lớn của châu Âu, Nhật, Mỹ đang làm ăn ở Trung Quốc đã phải chuyển nhà máy đi nơi khác, hoặc theo chính sách Trung Quốc +1 để giảm thiểu rủi ro.

Thêm vào đó tình hình địa chính trị tại khu vực Triều Tiên, tình hình Biển Đông trong thời gian qua cũng trở nên căng thẳng. Vậy đầu tư lâu dài, kinh doanh mà phụ thuộc lớn vào Trung Quốc lúc này cũng là một rủi ro lớn.

Tình hình thị trường thế giới hiện nay, tôi cho là đang ở giai đoạn chuyển tiếp.

Trước đây, sau khi Liên Xô tan rã, thị trường thế giới từ hai khối rõ rệt trở thành chỉ còn một khối lớn và khối này bị chi phối bởi một luật chơi chung, đó là WTO. WTO được dựng lên như là một giấy phép gia nhập thị trường do Mỹ cầm đầu, mà ai muốn buôn bán thuận lợi trên thị trường này thì phải có nó. 

Nhưng nay thì sau khi mà phần lớn các quốc gia đã tham gia, thì “giấy phép WTO” này không còn giá trị gì nữa. Và các cường quốc đang tìm cách để thiết lập lại luật chơi mới. Các sáng kiến như TPP, One Road One Belt ... là một phần của những nỗ lực này.

Tôi cho rằng, tương lai thị trường thế giới các năm đến phụ thuộc vào sự thành công, vùng ảnh hưởng mà các cường quốc thiết lập được thông qua những sáng kiến này.

Còn đối với kinh tế Việt Nam, do đặc thù về chính trị và đường lối ngoại giao đa phương của Việt Nam, trong một chừng mực nào đó, Việt Nam có một sự thuận lợi nhất định khi làm ăn với Trung Quốc so với các quốc gia khác. 

Tôi cho là nếu vận dụng khéo léo thì Việt Nam vẫn có thể tiếp tục khai thác thị trường Trung Quốc ngay cả khi xung đột vũ trang nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Và mặt khác, Việt Nam vẫn cần phải kiên trì theo đuổi để đạt được một thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ cũng như là thỏa thuận đa phương với các quốc gia khác.

Vậy theo ông, chính sách vĩ mô phải thay đổi quyết liệt như thế nào để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước?

Ông Đỗ Hòa: Tôi cho rằng nhà nước cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc khai thác, phát huy các nguồn lực trong nước, bởi đó mới chính là năng lực cạnh tranh bền vững của Việt Nam. Tôi nghĩ nhà nước cần viện trợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này để duy trì tốc độ phát triển. Nhưng vấn đề là làm sao để cân bằng được lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. 

Nếu chúng ta tiếp tục đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút vốn, đầu tư FDI thì sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Vậy theo tôi, nhà nước không nên thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, mà cần phải chọn lọc. Có nghĩa là chỉ thu hút và ưu đãi những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam cần nắm bắt, phát triển cho các mục tiêu lâu dài.

Cương quyết không ưu đãi những lĩnh vực mà trong nước đang làm được, hoặc sẽ làm được trong tương lai gần. Tức là những ngành, lĩnh vực không khó, dù chưa làm được nhưng chỉ cần kiến tạo môi trường thì doanh nghiệp trong nước sẽ làm được.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, theo ông đâu mới là thế mạnh riêng có, khác biệt của Việt Nam để có thể tạo nên sức bật mới cho năng lực quốc gia trong tương lai?

Ông Đỗ Hòa: Tôi nghĩ, trong điều kiện năng lực hạn chế, nguồn lực có hạn, Việt Nam cần bắt đầu từ những mục tiêu cụ thể hơn, nhỏ hơn. Chẳng hạn như ngành ô tô, thì thay vì đặt mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô, thì điều chỉnh thành phát triển có chọn lọc, một số phần của công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô. Và tất nhiên là định hướng phát triển theo xu hướng tương lai, chứ không phải nhập những công nghệ cũ đã lạc hậu.

Đối với những ngành mà Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh, muốn phát triển thì cần phải đầu tư quá nhiều, hy sinh quá nhiều và mất thời gian quá lâu, thì nên sàng lọc bớt. Chỉ nên tập trung vào 2-3 ngành để làm cho tốt. Nếu được đề xuất thì tôi đề xuất 3 ngành: nông nghiệp, công nghệ thông tin và cơ khí - tự động hóa.

Dành nhiều tâm huyết cho sự trưởng thành của doanh nhân và doanh nghiệp Việt qua những hoạt động thiết thực của “Tinh hoa quản trị”, điều gì giúp ông có được niềm đam mê ấy?

Ông Đỗ Hòa: Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng những gì mà doanh nghiệp các nước làm được, thì doanh nghiệp Việt mình cũng làm được. Chỉ cần có môi trường cạnh tranh minh bạch và bình đẳng thì chúng ta sẽ phát triển đúng hướng và sẽ bắt kịp các nước trong 5-10 năm đến.

Là một công ty tư vấn, chúng tôi tiếp tục sứ mệnh hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển và nâng cấp hệ thống quản lý để có thể nắm bắt cơ hội thị trường không chỉ trong nước mà cả bên ngoài, và có thể phát triển bền vững hơn.

Ông chia sẻ điều gì với doanh nhân nhân nhân dịp Tết Mậu Tuất này?

Ông Đỗ Hòa: Tôi nghĩ thị trường sẽ còn khó khăn trong vài năm tới, cạnh tranh quốc tế trong giai đoạn hội nhập này sẽ ngày càng gay gắt hơn, nên các doanh nghiệp cần định hướng thật rõ và theo đó mà xây dựng cho mình một vài năng lực cạnh tranh, thì mới mong trụ được và phát triển lâu dài.

Tết năm nay là cái Tết đầu tiên mà tôi sẽ cùng gia đình ăn Tết tại TP. HCM. Các năm trước, theo truyền thống người Việt tôi về quê nhà để ăn Tết với ông bà. Tôi xin chúc bạn bè, các anh chị đồng nghiệp một năm mới thành công và hạnh phúc!

Riêng tôi vẫn hy vọng đất nước mình trong năm mới sẽ có những bước thay đổi đột phá để mà theo kịp các nước trong khu vực.

Xin cám ơn ông!