Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018

Minh Anh - 09:05, 02/04/2018

TheLEADERTheo Bộ Kế hoạch và đầu tư, mô hình tăng trưởng GDP truyền thống quý sau cao hơn quý trước sẽ không còn được duy trì trong năm 2018. Ngược lại, tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 sẽ có xu hướng giảm dần.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 2018
Cả hai kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 của Bộ Kế hoạch và đầu tư đều dự báo mức tăng quý sau thấp hơn quý trước.

Tại báo cáo “Tình hình sản xuất kinh doanh những tháng đầu năm và dự kiến kịch bản tăng trưởng năm 2018”, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã nêu lên hai kịch bản tăng trưởng của năm 2018. 

Theo cả hai kịch bản này, mức tăng trưởng GDP của quý sau đều thấp hơn quý trước.

Kịch bản thứ nhất: Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,7%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng quý I là 7,47%, quý II là 6,83%, quý III là 6,61% và quý IV là 6,25%.

Kịch bản thứ hai: Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng quý I là 7,47%, quý II là 6,8%, quý III là 6,72% và quý IV là 6,46%.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định, qua so sánh các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2018 với kết quả tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 theo từng quý và lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, mô hình tăng trưởng truyền thống quý sau cao hơn quý trước không còn được duy trì trong năm 2018. 

Tăng trưởng theo từng quý cũng như lũy kế quý I, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2018 có xu hướng giảm dần.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng, do tăng trưởng GDP năm 2017 đã có sự bứt phá mạnh giữa các quý. Quý II hơn quý I là 1,21%; quý III hơn quý II là 1,02% và quý IV hơn quý III là 0,27%). 

Các nhân tố tác động chính là sự gia tăng sản lượng sản xuất và xuất khẩu của Samsung bắt đầu từ tháng 5 và Nhà máy Formosa bắt đầu hoạt động và có sản lượng vào tháng 7 đã tạo ra một nền rất cao ở các quý sau trong năm 2017. Trong khi đó, tăng trưởng quý I năm 2017 ở một nền rất thấp, chỉ 5,15%.

Trong điều kiện giả định tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tương đối ổn định, những yếu tố mang tính bứt phá là chưa rõ ràng, khi so sánh với đặc điểm mô hình tăng trưởng theo quý và lũy kế của năm 2017, kết quả của năm 2018 có xu hướng giảm dần là tất yếu do không có các yếu tốt đột biến diễn ra tương ứng cùng thời điểm như năm 2017.

Mặc dù tăng trưởng diễn ra đồng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tuy nhiên động lực tăng trưởng chính, có khả năng tạo bứt phá nằm ở khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, trở thành kỳ vọng chính đem lại kết quả tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, bộ này cho hay.

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đặc điểm mô hình diễn biến tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống, có xu hướng giảm dần, trong đó tốc độ tăng trưởng của quý I là cao nhất, dự báo đạt trên 7,4% nên rất dễ dẫn tới tâm lý sớm hài lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới lơ là, thiếu kiên trì, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra. 

Mặt khác, do kỳ vọng quá nhiều vào mô hình truyền thống, quý sau cao hơn quý trước nên dễ bị thất vọng, mất động lực và niềm tin vào việc triển khai các nhiệm vụ khi kết quả thực tiễn không như kỳ vọng.

Đồng thời, cũng có thể có tâm lý hoài nghi về kết quả thống kê, dẫn tới những phân tích sai lệch về tình hình kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến tâm lý chung và niềm tin của xã hội vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như tính khoa học của công tác thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định.

Do đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu các đơn vị cần kiên định thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống, tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 01/NQ-CP đã nêu ra từ đầu năm, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu.

Tổ chức tốt công tác thông tin và truyền thông để xã hội hiểu rõ về kịch bản tăng trưởng, củng cố niềm tin của cả hệ thống, nhân dân và doanh nghiệp vào công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cũng như về tính khoa học của số liệu thống kê.

Bên cạnh đó, bộ cũng yêu cầu tăng cường các buổi làm việc, đối thoại giữa các cơ quan của Chính phủ với các tổ chức quốc tế có uy tín tại Việt Nam, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, phổ biến rộng rãi, công khai các nhận định của các tổ chức quốc tế và các chuyên gia để tạo sự đồng hành của toàn xã hội với Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế.

Tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có sự thay đổi lớn diễn ra.

Bộ Kế hoạch và đầu tư yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt công tác theo dõi, giám sát định kỳ và thường xuyên nhằm nắm chắc tình hình diễn biến của kinh tế thế giới và trong nước, nắm bắt và tận dụng triệt để các cơ hội để thúc đẩy phát triển nhanh những lĩnh vực chủ chốt, động lực của tăng trưởng kinh tế cũng như để có những điều chỉnh cần thiết kịch bản tăng trưởng khi có sự thay đổi lớn diễn ra.